Ðưa “phiên chợ” lên vùng cao An Toàn
Mỗi ngày, xã vùng cao An Toàn đều có khoảng 4 đến 5 “phiên chợ” đến từ những chiếc xe máy của các tiểu thương xã An Hòa. Mỗi chiếc xe máy không chỉ chở thực phẩm, câu chuyện mưu sinh của các tiểu thương mà còn phản ánh nét sinh hoạt đặc trưng của vùng đất ở độ cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển.
Đoàn chúng tôi đến xã An Toàn vào đầu giờ chiều - thời điểm nhiều phiên chợ dưới thị trấn đã tan. Nhưng ở đây, một số “chợ xe máy” vừa lên tới nơi, cuộc mua bán, trao đổi cũng vừa bắt đầu.
Mỗi “chợ xe máy” đều đang góp phần làm cho đời sống bà con vùng cao An Toàn thêm màu sắc, trở thành “sứ giả” kết nối giữa vùng cao và đồng bằng.
Cả “phiên chợ” trên xe máy
Để tăng khả năng chuyên chở, chiếc xe hai bánh của các tiểu thương được độ chế, chắp nối thêm các khung sắt. Có ít nhất 10 thùng, giỏ, bao, túi... hàng được buộc gọn, treo trên một chiếc xe. Hàng hóa cũng được chia làm 5, 7 loại. Thứ “ăn liền” như bắp luộc, đậu phộng luộc, bánh ú; nước giải khát như nước mía, chè, sương sa sương sáo, nước đậu nành, kem... Mặt hàng tươi sống như: thịt heo, lòng heo, rau củ quả các loại. Lại có thứ hàng khô như: bánh kẹo, bánh tráng, nước mắm, dăm thứ gia vị: hành, tiêu, ớt, tỏi, muối... Đó là chưa kể, những mặt hàng theo “đặt hàng” của người dân qua điện thoại hoặc dặn dò trực tiếp như: gà, heo rừng con, dầu gội, sữa rửa mặt, kem đánh răng, bột giặt...
Chở cả “quầy hàng bách hóa”, “phiên chợ” trên xe vượt hơn 45 km đường đèo khắc nghiệt, mỗi tiểu thương đều là những “tay lái lụa” bản lĩnh. Đáng nói, hầu hết họ đều là phụ nữ. Có 22 năm đưa “chợ” lên vùng cao An Toàn, bà Huỳnh Thị Hà (50 tuổi) không giấu niềm tự hào khi nói về khả năng cầm lái của mình. Bà kể: “Tôi đi bán từ thời đường lên An Toàn vẫn là đường mòn nhỏ xíu. Thời đó, hàng hóa nằm trên quang gánh và mình phải đi bộ hoàn toàn. Đến khi có đường đất, tôi mua xe máy. Mùa mưa, bánh xe tải Chiến Thắng “cày” trên đường, tạo thành hai rãnh sâu, tôi cứ dọc giữa hai rãnh đó mà chạy xe. Bây giờ đường sá khỏe re rồi”.
Là người đàn ông duy nhất trong số 5 tiểu thương buôn bán tại An Toàn, anh Nguyễn Văn Chín (45 tuổi), cười giòn tan trước câu hỏi có ngại không khi số đông vẫn cho rằng buôn bán, chợ búa là việc của phụ nữ, rồi bộc bạch: “Ngại chứ. Nhưng những ngày đầu tiên thôi. Còn bây giờ, 9 năm rồi, ngại cái gì nữa. Bà con ở đây đều biết mình. Tính tôi lại thích bắt chuyện với người lạ, hay nói chuyện nên dễ làm quen, dễ thích nghi. Nghề nào cũng vậy, cho mình cơ hội, thu nhập thì mình làm thôi”.
Nói về thu nhập, anh Chín cho biết giá bán ở An Toàn không chênh nhiều so với chợ ở xã An Hòa. Ví dụ, một cặp bánh ú có giá 4.800 đồng, bán tại An Toàn 5.000 đồng. Một bì bắp luộc gồm 4 cái tại An Toàn chỉ bán 10.000 đồng, lời vài trăm đồng/cái. “Phải thuận mua vừa bán chứ. Giá cao là bà con biết liền. Họ không mua hàng thì mình biết bán cho ai. Mình buôn bán lâu dài chứ đâu phải ngày một ngày hai. Chịu khó “tích tiểu thành đại” thì sẽ có nguồn thu”, anh Chín chia sẻ.
Anh Chín chia sẻ về công việc và bán thức ăn cho đoàn văn nghệ sĩ, nhà báo đi thực tế sáng tác tại xã An Toàn.
Cái tình - chữ tín đặt lên hàng đầu
Với bà con địa phương, những “phiên chợ xe máy” giúp họ tiết kiệm được thời gian, đa dạng bữa ăn, nguồn thực phẩm. Bà Đinh Thị Lài (41 tuổi, ở thôn 1, xã An Toàn) bảo: “Ở đây cách xa thị trấn. Bà con ở đây lên rẫy kiếm củi, trồng trọt hoặc hái lượm từ tờ mờ sáng đến tận trưa hoặc chiều. Nhờ hàng hóa của con buôn chở lên mà có thêm thức ăn. Những lúc gieo sạ, làm mùa, chúng tôi còn nhờ họ mua giúp bánh tráng, thịt, rau sống để mời mọi người”.
Không chỉ là những chuyến đi một chiều, những tiểu thương chở “chợ” lên vùng cao An Toàn còn là những người đưa đặc sản vùng cao về với đồng bằng. Song song với việc bán hàng, họ còn mua sản vật của rừng sau mỗi chuyến lên rẫy của các mí, bok, trai làng. Đó là buồng chuối, củ chuối, rau rừng, mật ong, là sim rừng, đót... Nhà nào hôm nay đi rẫy được gì, các tiểu thương đều nắm được. Để rồi khi bạn hàng có nhu cầu, họ nhanh chóng kết nối.
Chẳng hạn như khi một số văn nghệ sĩ trong chuyến thực tế sáng tác tại An Toàn vào đầu tháng 4 vừa qua bày tỏ cần mua củ chuối đem về thành phố, tiểu thương có thâm niên 22 năm là bà Hà, ngay lập tức liên lạc với bà con địa phương, thu mua và bán lại với lời giới thiệu “mua sao, bán vậy, không lấy lời”. Bà Hà còn kể thường xuyên mua giúp mật ong, hoa lan rừng, sim rừng cho bạn bè, người quen ở nhiều nơi. Khách hàng đều quý những đặc sản của rừng và thường xuyên đặt hàng.
Trẻ tuổi nghề hơn các anh, chị đi trước nhưng tiểu thương Trương Thị Hồng Nhạn (30 tuổi) cũng đã có hơn 5 năm đi buôn ở “cổng trời” An Toàn. Nhìn nhận về nghề mưu sinh của mình, chị đúc kết: “Buôn bán ở nơi xa xôi, hẻo lánh, cái tình, chữ tín phải đặt lên hàng đầu. Mình đã hứa gì với bà con là phải làm cho bằng được thì người ta mới tin tưởng. Cùng cảnh buôn bán nhưng ở nơi này hiếm chuyện giành giựt khách, nói xấu nhau. Người này hết hàng nhưng thấy bà con còn cần đến loại hàng hóa đó là liền gọi điện thoại cho người còn lại hoặc gặp trực tiếp để chỉ chỗ cho bán”.
NGUYỄN MUỘI