ĐÀO DUY TỪ - NGUYỄN PHÚC NGUYÊN:
Hiền tài chí lớn hội ngộ anh hùng
Thế kỷ 16, trong lúc đất nước đang loạn lạc bởi những cuộc chiến tranh nổ ra liên miên khiến biết bao người rơi vào cảnh lầm than thì bước ngoặt lịch sử đã diễn ra khi Nguyễn Hoàng (con của Nguyễn Kim) đã được phép của vua Lê, chúa Trịnh phái đi giữ vùng đất Thuận Quảng (từ Huế đến Quảng Nam).
Khi vào đây, Nguyễn Hoàng đã lập nên nên một cơ nghiệp mới và mở ra thời kỳ mới của chúa Nguyễn ở đàng trong. Sau khi Nguyễn Hoàng mất đi, người con trai của ông là Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi) đã tiếp tục xây dựng cơ đồ mà cha ông đã để lại. Định mệnh lịch sử đã cho Nguyễn Phúc Nguyên gặp Đào Duy Từ để rồi với tài năng “kinh bang tế thế” Đào Duy Từ đã giúp cho Sãi vương xây chắc một cơ đồ, mở ra một thời kỳ vàng son cho sự phát triển của triều đại các chúa Nguyễn ở phương Nam.
Với tài năng và trí tuệ siêu quần, nhưng Đào Duy Từ vẫn phải chịu sự trù dập của mệnh đời nghiệt ngã. Quê ở Thanh Hóa, vốn là con nhà kép hát đào ca - ngang thân phận với những kẻ nô tỳ - ông và gia đình bị xã hội ruồng bỏ, khinh khi của vua quan thời Lê Trịnh. Lý lịch buộc ông bị cấm thi vĩnh viễn. Xã hội đương thời với quan niệm hẹp hòi, bất công - "xướng ca vô loài" - đã gián tiếp thay đổi hẳn cuộc đời ông. Khi mà lịch sử chưa thể nghiêm minh phán xét, bấy giờ khó ai ngờ không chỉ Đào Duy Từ mà ngay cả vận nước cũng chuyển biến theo cuộc thoát ly bất đắc dĩ của một tài năng lớn - tham mưu, chiến lược gia kiệt xuất.
Khi tài năng không được trọng dụng, Đào Duy Từ đã phải bôn ba vào Nam để ấp ủ những dự định lớn vô cùng. Khi mới vào Nam, do gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, ông phải đi ở chăn trâu cho nhà giàu ở Bình Định. Ông chủ là người ham mê văn học, đã phát hiện ra Đào Duy Từ là người có tài, đã tiến cử ông cho quan Khám lý Trần Đức Hòa. Vì mến tài của Đào Duy Từ, Trần Đức Hòa đã gả con gái cho, đồng thời tiến cử ông cho Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
Sau cuộc gặp gỡ với Đào Duy Từ, Chúa Sãi đã nhìn thấy một tài năng kiệt xuất và phong cho ông làm Nha úy Nội tán. Anh hùng tương ngộ được anh hùng. Chúa hiền, tôi giỏi gặp nhau để bắt đầu chuyển dịch một cơ đồ. Nguyễn Phúc Nguyên không ngần ngại khi phong tước Hầu, chức Nội Tán quân cơ cho một kẻ chăn trâu, xuất thân từ giai cấp nô tỳ hèn hạ đủ để thấy Đào Duy Từ có tài năng xuất chúng thế nào. Với chức vị ấy, Đào Duy Từ nghiễm nhiên thành quân sư, người cố vấn tối cao cho chúa Nguyễn. Có lẽ Đào Duy Từ cũng không ngờ được rằng mảnh đất Bình Định là nơi ông trốn tránh cái xã hội đầy rẫy bất công, lại là nơi chí lớn của ông được nung nấu và phát ra rạng ngời.
Được Chúa Nguyễn tin tưởng, trọng dụng, Đào Duy Từ hết lòng tận tụy giúp chúa Nguyễn về tổ chức quân sự, chính trị, văn hóa. Năm 1630, ông chủ xướng việc thiết kế và chỉ đạo xây dựng hai công trình phòng thủ quan trọng là Lũy Trường Dục và Lũy Thầy ở tỉnh Quảng Bình. Đây là hai chiến lũy quan trọng, giúp chúa Nguyễn có thể phòng thủ hiệu quả trước nguy cơ tấn công của quân Trịnh.
Bên cạnh việc gia cố phòng thủ để đối phó với những biến cố xảy ra, Đào Duy Từ đã nghĩ ra kế sách giúp chúa Nguyễn Phúc Nguyên không phải chịu sự quản lý của vua Lê chúa Trịnh. Khi Văn Khuông được chúa cho đi ra Bắc tạ ơn vua Lê chúa Trịnh, Duy Từ đã cho đúc một cái mâm đồng hai đáy, giấu sắc phong ở giữa, xong sắm đầy đủ lễ vật đưa cho tướng Thần và Văn khuông làm sứ giả đi tạ ơn. Duy Từ đã dặn dò đoàn sứ giả dâng xong mâm đồng cho họ Trịnh thì mau tìm cách về. Chúa theo lời, sai Văn Khuông đi Đông Đô. Văn Khuông đến, Trịnh Tráng mời vào yết kiến và được tiếp đãi rất nồng hậu. Văn Khuông bưng mâm đồng chứa đầy vàng bạc dâng lên. Tráng nhận lấy. Ngay hôm đó, Văn Khuông lẻn ra khỏi cửa đô thành, theo đường biển mà trở về.
Người họ Trịnh thấy cái mâm đồng hai đáy thì lấy làm lạ, bèn tách ra xem thì thấy ở trong có tờ sắc phong và một tấm thiệp viết:
“Mâu phi vô dịch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch”.
Bầy tôi dâng lên, Tráng hỏi nhưng không ai hiểu được. Một nhân tài của đất Bắc đã giải nghĩa rằng: “Mâu nhi vô dịch”: chữ mâu mà không có dấu phẩy là chữ dư, nghĩa là ta. “Mịch phi kiến tích”: chữ mịch mà không có chữ kiến thì thành ra chữ bất, nghĩa là không. “Ái lạc tâm trường”: chữ ái mà để rơi mất chữ tâm thì thành ra chữ thụ nghĩa là chịu hay nhận. “Lực lai tương địch”: chữ lực nếu đem ghép với chữ lai thì thành ra chữ sắc nghĩa là sắc phong, tờ sắc. Đó là ẩn ngữ của bốn chữ “Dư bất thụ sắc” (nghĩa là ta không nhận sắc).
Tráng giận lắm, sai người bắt Văn Khuông nhưng không kịp. Tráng muốn lập tức đem quân vào đánh phương Nam, nhưng lúc việc quân tình ngoài Bắc đang rắc rối nên thôi. Kể từ đó chúa Trịnh đã rất nhiều lần Nam chinh để tiêu diệt chúa Nguyễn nhưng đều thất bại bởi không qua được Lũy Thầy và Lũy Trường Dục do Đào Duy Từ cho xây dựng, đã khiến Trịnh chúa phải nản lòng chinh phạt. Vua Lê, chúa Trịnh đã ruồng bỏ một nhân tài quan trọng mà sau đó chính họ đã phải trả một cái giá không thể nào lường nổi.
Cũng từ đó các chúa Nguyễn đã xây dựng một vương triều thịnh trị ở vùng đất phía Nam để mở ra một thời kỳ phát triển thịnh vượng của triều đại 9 chúa Nguyễn ở đàng trong. Đào Duy Từ với tài năng kiệt xuất đã giúp chúa Nguyễn Phúc Nguyên xây dựng một cơ nghiệp lớn ở phương Nam với sự độc lập riêng chứ không còn phụ thuộc vào vua Lê chúa Trịnh. Đào Duy Từ đã liều chết bơi ngang qua dòng sông định mệnh, nơi phân chia đôi bờ Trịnh - Nguyễn. Bậc thượng trí thức thành tứ cố vô thân, người anh tài đành hành khất nơi dọc đường gió bụi. Nhưng vượt lên tất cả, Đào Duy Từ đã thể hiện được mình là một nhà quân sự tài ba, nhà văn hóa lỗi lạc. Tài năng của ông luôn được hậu bối nghiêng mình thán phục!
Lê Khắc Niên