BỆNH THOÁI HÓA ĐỐT SỐNG CỔ:
Chủ động phòng tránh và điều trị đúng cách
Hiện nay, thoái hóa đốt sống cổ là căn bệnh phổ biến và ngày càng trẻ hóa. Tuy bệnh không có nhiều biến chứng nguy hiểm ngay, nhưng nếu không biết cách phòng tránh và chữa trị kịp thời, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của người mắc phải.
Không thể điều trị khỏi hẳn
Theo các chuyên gia, bản chất của thoái hóa đốt sống cổ là một rối loạn về hệ xương, gân, cơ, dây chằng của cột sống cổ và cột sống thắt lưng theo chiều hướng ngày càng tệ đi. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh này, như quá trình lão hóa tự nhiên, những người làm công việc phải ngồi hoặc đứng quá nhiều, ít vận động, hay những người mang vác nặng một bên vai…Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của đời sống hiện đại, người có thói quen cúi mặt xuống xem máy tính, chơi game nhiều giờ trên điện thoại...cũng nguy cơ mắc bệnh. Bệnh còn đến do ăn uống không đủ chất, tập luyện TDTT quá sức và không khoa học. Một nguyên nhân nữa còn ít người biết đến, nếu ngủ sai tư thế trong thời gian dài cũng dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ.
Luyện tập yoga góp phần phòng ngừa và trị bệnh thoái hóa đốt sống cổ.
“Hầu hết các bệnh nhân khi bị thoái hóa đốt sống cổ hay có biểu hiện nhức mỏi, đau, khó vận động ở vùng cổ do mất cân bằng, tổn thương dây chằng. Các biểu hiện trên lâm sàng nặng hay nhẹ còn phụ thuộc vào cơ chế mắc bệnh như chèn rễ, hẹp ống sống, chèn mạch máu. Ở trường hợp chèn rễ, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau vùng vai gáy, tê yếu tay. Hẹp ống sống không chỉ gây yếu ở hai tay trên mà còn có biểu hiện tê liệt cả tứ chi, rối loạn cảm giác. Trong đó, chèn mạch máu có biểu hiện lâm sàng nặng nhất là đau vùng cổ lan đến đỉnh đầu, thường xuyên thiếu máu não, đau đầu chóng mặt...” – bác sĩ Trần Như Bửu Hoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa cho biết.
Để phòng, tránh bệnh thoái hóa đốt sống cổ, một trong những điều quan trọng nhất là chú ý chế độ ăn uống đảm bảo khoáng chất, vitamin và canxi. Trong mọi hoạt động, công việc, mọi người cần giữ cho cột sống thẳng. Khi phải khiêng vác vật nặng thì mọi người nên chú ý đúng tư thế tránh gây những động tác xấu dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ. Những người làm việc liên tục nhiều giờ, nên dành thời gian giải lao và vận động để tránh tình trạng làm việc cùng một tư thế ngồi, đứng lâu…
Bác sĩ Trần Như Luận, Phó Chủ tịch thường trực Hội Y học tỉnh, cho biết: “Thoái hóa thực chất là một quá trình mang tính quy luật, do vậy không thể điều trị khỏi hẳn. Người ta chỉ dùng các biện pháp để giảm triệu chứng đau như dùng thuốc, các biện pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng…”.
Cần chữa trị đúng cách
Khi có những dấu hiệu của bệnh thoái hóa đốt sống cổ, cần đi khám để đánh giá chính xác tình trạng bệnh và được sự tư vấn, chữa trị đúng cách từ bác sĩ. Điều này tránh nhiều trường hợp đã xảy ra trên thực tế, khi người bệnh tự ý mua thuốc giảm đau về sử dụng mang tính nhất thời, không nhiều hiệu quả chữa bệnh thoái hóa đốt sống cổ mà còn gây tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe…
Chị Trần Thùy Linh, một nhân viên văn phòng tại TX An Nhơn, chia sẻ: “Tôi bắt đầu có dấu hiệu thoái hóa đốt sống cổ gần một năm qua, hay bị đau vai gáy, khó chịu, đau đầu... Khi đi khám, bác sĩ khuyên tôi nên vận động nhiều hơn, tập các bài tập cơ bản dành cho cổ cũng như chú ý đến cách làm việc với máy tính sao cho hợp lý để cải thiện bệnh”.
Theo bác sĩ Trần Như Luận, vật lý trị liệu là giải pháp lâu dài, đòi hỏi thời gian và sự kiên trì của người bệnh. Kinh nghiệm của ông cho thấy trong những đợt đau cấp tính thì nghỉ ngơi sẽ mau đỡ hơn là tập luyện. “Lưu ý những người tập sai phương pháp thường có hại hơn là không tập. Phương pháp nắn chỉnh bằng tay (chiropractic) kèm kéo giãn bằng một số dụng cụ chuyên dụng do các bác sĩ Mỹ phổ biến và áp dụng tại Việt Nam cũng đem lại một số hiệu quả đáng kể. Cùng với đó, việc điều trị đông dược trong một số trường hợp cũng rất hiệu quả”, bác sĩ Luận tư vấn.
Bên cạnh đó, có rất nhiều bài tập dành cho người mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ như những bài tập theo các động tác thiền, yoga, đi bộ tới và đi lui, đặc biệt là 6 động tác cơ bản cho vùng cổ là cúi đầu, ngửa đầu, nghiêng phải, nghiêng trái, xoay phải, xoay trái...Người bệnh cần phải hạn chế thuốc lá và rượu bia thì mới có thể góp phần thuyên giảm bệnh.
THẢO KHUY- thu phương