Thần tốc hơn nữa trên mặt trận chống dịch
“Giặc” Covid-19 ngày càng nguy hiểm, khó lường. Những tiếng trống dồn đốc thúc “đoàn quân” chống dịch như chống giặc ngày càng quyết liệt, “thần tốc, thần tốc hơn nữa”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19, chiều 24.5. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Những ngày này, cả bộ máy chống dịch không lúc nào ngơi nghỉ, chậm trễ giây phút nào là thất bại giây phút đó. Công điện khẩn, họp trong đêm… là những trạng thái quen thuộc không chỉ ở Chính phủ, mà ở nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM, đến Bắc Ninh, Bắc Giang… Những chỉ đạo, hành động “thần tốc” liên tiếp được phát đi.
Chiều qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về các giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch, đặc biệt tại các khu công nghiệp. Ngay sau cuộc họp, trong tối qua, Thủ tướng đã ban hành công điện về việc bảo đảm an toàn Covid-19 trong các khu công nghiệp, trước bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, lây lan nguy hiểm hơn trong cộng đồng, nhất là các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn.
Chủ trì hàng loạt các cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương trong những ngày qua, Thủ tướng đã nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo: Chuyển từ phòng ngự sang tấn công; tránh hai khuynh hướng "lơ là, chủ quan, mất cảnh giác" và "hoảng hốt, lo sợ, mất bình tĩnh"; cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân, khen thưởng kịp thời song song với kỷ luật nghiêm minh. “Đánh giặc thế nào thì dập dịch như thế”.
Lãnh đạo Chính phủ liên tiếp “gióng trống” đốc thúc thần tốc hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trên “mặt trận vắc xin” – một hướng tấn công có ý nghĩa then chốt trong cuộc chiến chống dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phát triển kinh tế của đất nước.
Khi dịch diễn biến phức tạp với số ca nhiễm lớn từng ngày, Thủ tướng triệu tập cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc mua vắc xin phòng Covid-19 (chiều 17.5). Ngay tối 17.5, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp, nhấn mạnh, đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vắc xin phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay. Vì thế, việc lấy ý kiến các thành viên Chính phủ ngay lập tức được triển khai, đa số thống nhất chủ trương này. Hôm sau (18.5), Thủ tướng đã ký ban hành Nghị quyết của Chính phủ về việc mua vắc xin Covid-19.
Thủ tướng cũng rất quan tâm đến việc bảo đảm nguồn lực xã hội để tất cả người dân Việt Nam được tiếp cận vắc xin miễn phí. Đây là một hướng tiếp cận rất quan trọng trong điều kiện nguồn tài chính của chúng ta rất hạn hẹp nhưng sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết. Thủ tướng đã chỉ đạo tiết kiệm tất cả các nguồn chi thường xuyên để bảo đảm nguồn ngân sách Nhà nước bền vững dành cho mua vắc xin phòng Covid-19, đồng thời huy động sự ủng hộ, hỗ trợ của tất cả các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Việc thành lập Quỹ Vắc xin phòng Covid-19 sẽ mở đường cho việc bảo đảm nguồn tài chính bền vững, công bằng trong tiếp cận vắc xin đối với tất cả người dân Việt Nam.
“Đồng thanh tương ứng”, mặc dù chưa đi vào hoạt động, đến nay, Quỹ đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các tập đoàn, doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức. Ngay khi mới có thông tin về tờ trình của Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ về lập Quỹ vắc xin thì rất nhiều doanh nghiệp, ngân hàng đã đến Bộ Y tế để thể hiện sự ủng hộ mua vắc xin: Ngay trong ngày đầu đã hỗ trợ 160 tỷ đồng và kinh phí mua 4 triệu liều vắc xin. Nhiều doanh nghiệp bày tỏ, họ tha thiết và sẵn sàng đóng góp tiền cho Chính phủ để mua vắc xin ngừa virus SARS-CoV-2, bổ sung, hỗ trợ cho nguồn ngân sách Nhà nước.
Quỹ vắc xin được đánh giá là sáng kiến hay và kịp thời vì huy động được nguồn lực rất lớn của xã hội, chung tay lo sức khỏe của mỗi người dân, của cộng đồng. Ngoài sự đóng góp của các doanh nghiệp và các tổ chức thì mỗi người dân cũng có thể tham gia đóng góp một phần, hay toàn bộ cho mũi tiêm của mình. Ai có điều kiện hơn thì có thể đóng góp thêm cho mũi tiêm của những người khó khăn.
Không chỉ vắc xin, thiết bị, vật tư, hóa chất phòng chống dịch Covid-19 cũng là “vũ khí” quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, một số cơ sở y tế xuất hiện tâm lý “ngại” mua máy móc, thiết bị y tế do sợ bị xử lý, kỷ luật. Một “khe hở” nhỏ trên phòng tuyến chống dịch cũng phải được xử lý ngay. Trước thực tế này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã kịp thời có văn bản gửi các địa phương hướng dẫn nguồn kinh phí và cơ chế mua sắm phương tiện, trang thiết bị chống dịch Covid-19 trong điều kiện cấp bách để “gỡ vướng” cho các địa phương.
Có thể thấy, liên tiếp các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 được đưa ra, bám sát thực tiễn, chỉ đạo hằng ngày, hằng giờ, xử lý ngay các vấn đề nảy sinh một cách quyết liệt. Chính phủ tiếp tục thể hiện một quyết tâm sắt đá trong “đại chiến” với Covid-19, khẳng định bản lĩnh của một Chính phủ không ngại đương đầu với mọi thách thức để đưa đất nước tiến bước trong thời khắc khó khăn.
Theo Đức Tuân (Chinhphu.vn)