Phát huy thế mạnh, hợp tác sâu rộng
Dự Hội nghị ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Bình Ðịnh và chính quyền 4 tỉnh Nam Lào giai đoạn 2021 - 2025, lãnh đạo các tỉnh Nam Lào đã trao đổi với Báo Bình Ðịnh về những tiềm năng, thế mạnh, mong muốn của địa phương để nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai bên thời gian tới.
● Đồng chí LÊT XAY NHA PHON - Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh ủy - Tỉnh trưởng tỉnh Attapu:
Cần hỗ trợ phát triển thế mạnh nông nghiệp
Trên cơ sở 12 lĩnh vực hợp tác giai đoạn 2021 - 2025 đã ký kết, tôi cho rằng cần có những chương trình cụ thể để tạo được sự khác biệt trong thời gian tới. Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của chúng tôi. Rất cần tỉnh Bình Định cử các chuyên gia về nông nghiệp sang Attapu hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm; đồng thời hỗ trợ cán bộ, chuyên gia của Attapu sang Bình Định tập huấn.
Attapu đã khuyến khích, hỗ trợ nhiều hộ dân trồng mía, mì xuất khẩu sang Việt Nam. Đây là các sản phẩm cây trồng tiếp tục được chú trọng phát triển. Diện tích đất dành cho nông nghiệp của Attapu vẫn còn nhiều, thích hợp cho trồng cây ăn quả, cây công nghiệp; mong nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của tỉnh Bình Định.
Chúng tôi mong muốn thời gian tới sẽ kết nối, chào đón được các DN Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng sang khảo sát, đánh giá tiềm năng để có hình thức đầu tư phù hợp. Chẳng hạn, có DN ở Quảng Ngãi đã đầu nhà máy chế biến tinh bột mì ở Attapu.
Atatapu cũng có tiềm năng để phát triển dịch vụ du lịch. Trong đó, phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch sinh thái là hướng đi chúng tôi đang theo đuổi; rất cần sự hợp tác, hỗ trợ của Bình Định để có những sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần phát triển KT-XH địa phương.
● Đồng chí BUN THẠ VI ĐUÔNG LA SỈ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Salavan:
Tiếp tục mở rộng các lĩnh vực hợp tác
Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Salavan luôn nhận thức sâu sắc về sự giúp đỡ hết sức thiết thực của tỉnh Bình Định trong thời gian qua trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của Bình Định trong lĩnh vực GD&ĐT, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Salavan. Nhiều thế hệ sinh viên Salavan được đào tạo ở Bình Định đã quay về cống hiến cho quê hương; thể hiện được tốt năng lực trong thực hiện nhiệm vụ ở các sở, ban, ngành.
Do đó, trong 12 lĩnh vực hợp tác trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực GD&ĐT; nhất là cấp học bổng toàn phần cho sinh viên Salavan sang học tập tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Cùng với đó, chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ thêm về y tế. Tỉnh Bình Định sớm có kế hoạch cử chuyên gia y tế sang tỉnh Salavan để hỗ trợ các vấn đề liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật cần thiết mà địa phương chúng tôi còn hạn chế; đồng thời tạo điều kiện tập huấn cho cán bộ y tế của tỉnh Salavan tại Bình Định.
Chúng tôi cũng mong sẽ có các DN Bình Định đến Salavan tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh, xem xét đầu tư về nông nghiệp, năng lượng tái tạo, logistic và các lĩnh vực khác. Qua đó, góp phần tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh trong thời gian tới.
● Đồng chí ĐÔNG PHÊT PHA NHÔN, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sekong:
Tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Bình Định
Thời gian tới, tỉnh Sekong sẽ cố gắng phát huy mối quan hệ tốt đẹp, bền vững, thực hiện tốt các nội dung hợp tác trong giai đoạn 2021 - 2025.
Để kết nối hiệu quả giữa hai tỉnh, vai trò của công tác Ngoại vụ rất quan trọng. Trong lĩnh vực hợp tác đối ngoại giai đoạn tới, chúng tôi rất phấn khởi khi tỉnh Bình Định tiếp nhận cán bộ của Sở Ngoại vụ tỉnh Sekong sang tập huấn chuyên môn tại Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định, thời gian 3 - 6 tháng/năm (mỗi năm tỉnh Sekong cử 1 - 2 người); mọi chi phí ăn, ở trong thời gian tập huấn do tỉnh Bình Định chi trả.
Hiện có 2 DN Bình Định đầu tư tại tỉnh Sekong, phát huy hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp; có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển KT-XH địa phương.
Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Sekong, chiếm đến hơn 66% là nông - lâm - nghiệp. Đây là thế mạnh chúng tôi muốn đẩy mạnh hợp tác; mong nhận thêm được sự hỗ trợ của tỉnh Bình Định để nâng cao hơn hiệu quả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi.
Cùng với đó, Sekong có đến 65% diện tích là vùng núi, 30% diện tích vùng trung du, chỉ có 5% là vùng đồng bằng. Các vùng núi và trung du có điều kiện tự nhiên, thế mạnh riêng; có nhiều DN nước ngoài đầu tư các dự án thủy điện, nhiệt điện, phong điện; khai thác khoáng sản… Thời gian tới, nếu các DN Bình Định quan tâm, đến tìm hiểu đầu tư, chúng tôi cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất, từ khâu khảo sát đến triển khai các bước thủ tục đầu tư.
● Đồng chí SỔM BUN HƯƠNG VÔNG SẢ, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Champasak:
Chờ đợi quả ngọt từ hợp tác phát triển du lịch
Bình Định phát triển du lịch mạnh mẽ trong những năm qua. Champasak có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với các di sản độc đáo, phong cảnh đẹp như đền cổ Wat Phou được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, cao nguyên Bolavan có các thác nước đẹp… Chúng tôi cần sự hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ cách làm hiệu quả của Bình Định để Champasak thu hút được đông đảo du khách. Trong đó, càng đáng quý hơn khi có lượng du khách đến từ Bình Định là tỉnh kết nghĩa với Champasak.
Chúng tôi đặt hy vọng với nội dung hợp tác du lịch đã ký kết giai đoạn 2021 - 2025, trong đó hai bên sẽ phối hợp tổ chức chương trình khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch; tổ chức, tham gia các hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh Nam Lào.
Ngoài ra, trong lĩnh vực hợp tác giáo dục, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao của Bình Định dành cho Champasak, chúng tôi mong muốn có sự quan tâm nhiều hơn cho nguồn nhân lực về du lịch.
Về dự Hội nghị lần này, chúng tôi rất vui khi được biết có lưu học sinh Lào là người Champasak sau khi tốt nghiệp đại học đã ở lại Quy Nhơn làm việc tại một khách sạn cao cấp, tích lũy kinh nghiệm. Chúng tôi cần các em được đào tạo, có kinh nghiệm để hướng đến phục vụ phát triển du lịch tỉnh nhà.
H.THU - N.HÂN - H.PHÚC (Thực hiện)