Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Các thế lực thù địch thường xuyên rêu rao, tuyên truyền luận điệu xuyên tạc rằng “Việt Nam không có tự do tôn giáo”. Song, thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo đã chứng minh Ðảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Thời gian qua, các báo cáo nhân quyền, tôn giáo quốc tế của một số nước phương Tây thường xuyên có nội dung xuyên tạc, vu cáo “chính quyền Việt Nam giới hạn tự do tôn giáo”. Những đánh giá cực đoan, thiếu khách quan phần nào khiến một bộ phận người dân trong và ngoài nước hiểu chưa đúng về chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam. Mặt khác, tạo cớ để các tổ chức, cá nhân thù địch lợi dụng chống phá, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Những con số biết nói
Tại Hội nghị cung cấp thông tin báo chí về công tác thông tin đối ngoại diễn ra tháng 4.2024, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, tính đến hết năm 2023, đã có 38 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận; 2 tổ chức và 1 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng chúc mừng và trao quà đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định nhân Đại lễ Phật đản 2024. Ảnh: CHƯƠNG HIẾU
Kể từ khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực (ngày 1.1.2018), đã có thêm 1.100 điểm nhóm được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Trước đó là hơn 2.600 điểm nhóm được chấp thuận, trong đó có hơn 60 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.
Thêm vào đó, chỉ tính riêng trong năm 2023, có hơn 300 lượt đại diện của các tổ chức tôn giáo trong nước đã tham gia vào các diễn đàn, hội thảo, các khóa đào tạo về tôn giáo tại nước ngoài. Cùng với đó là gần 400 lượt người nước ngoài vào nước ta tham gia các hoạt động tôn giáo.
Đáng chú ý, gần đây có nhiều sự kiện tôn giáo lớn được tổ chức tại Việt Nam, như: Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á châu, tổ chức tại giáo phận Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Hội nghị Ban Thư ký Diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh…
Một dấu mốc quan trọng trong quan hệ quốc tế về tôn giáo là tháng 7.2023, Việt Nam- Tòa thánh Vatican đã nâng cấp quan hệ lên cấp có Đại diện thường trú tại Việt Nam, đồng thời ký Thỏa thuận Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng đại diện thường trú Tòa thánh Vatican tại Việt Nam.
Mới đây, ngày 10.4.2024, tại buổi tiếp Tổng Giám mục - Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican Paul Richard Gallagher nhân chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh: “Việc hai bên nâng cấp quan hệ lên Đại diện thường trú là dấu mốc quan trọng và là kết quả của một quá trình trao đổi tích cực trên tinh thần tôn trọng, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, đồng thời thể hiện Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo, trong đó có Công giáo”.
Bẻ gãy những luận điệu xuyên tạc
Rõ ràng, hơn cả mọi tuyên bố, những con số, sự kiện kể trên đã chứng minh Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã thực hiện tốt vai trò là quốc gia thành viên có trách nhiệm của các công ước quốc tế về nhân quyền.
Đó là những lý do đầy thuyết phục để Việt Nam được bạn bè quốc tế đề cử gánh vác nhiều trọng trách trong các cơ chế, diễn đàn đa phương, như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021, Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ 2023 - 2025.
Bên cạnh những cơ sở khoa học và pháp lý, thực tiễn sinh động góp phần bẻ gãy luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Để tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thời gian tới, cơ quan chức năng có liên quan cần tích cực, chủ động hơn trong công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân tôn giáo ở trong và ngoài nước hiểu, thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, thường xuyên theo dõi, giám sát, kịp thời phát hiện, đấu tranh, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng chiêu bài “tự do tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”... để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, góp phần định hướng dư luận theo chiều hướng tích cực, loại bỏ những cách nhìn tiêu cực, thiếu khách quan về tình hình tôn giáo ở Việt Nam.
MAI LÂM