Ký ức Tết
● Tản văn MAI VŨ THẢO MY
Với mình, chả hiểu sao càng lớn càng thấy ngày Tết trở nên ít hấp dẫn. Ngày nhỏ mình mong đến Tết vô cùng, vì thế nên một năm của hồi đó dài dằng dặc, đợi mãi mà Tết chỉ mới lấp ló nơi góc đường. Vậy mà bây giờ, Tết đến dồn dập, một năm qua đi nhanh như một cái chớp mắt. Và vì nó trôi qua nhanh như vậy, vì Tết đến thường xuyên hơn, nên Tết cũng kém hấp dẫn. Khác với niềm mong ước trẻ nhỏ, hình như khi con người trưởng thành, Tết cũng lớn lên theo, rơi rụng dần những thơ ngây bồng bột. Tết trở nên kém thú vị hơn trong đôi mắt của một đứa trẻ giờ đã lớn. Nó cứ đến như một quy luật của tự nhiên, nó đến và cuốn con người vào bao lo toan tất bật, chuẩn bị cho một mùa Tết nữa lại sang. Con người bước sang tuổi mới, cũng có nghĩa là họ lại để lại sau lưng thêm một năm nữa sống ở đời. Suy nghĩ đó thật buồn bã, nhưng đó là suy nghĩ của phần lớn những người lớn tuổi mỗi khi Tết đến xuân về. Thế nhưng dù Tết của mình lúc lớn đã phai nhạt ít nhiều, có một thứ vẫn vẹn nguyên trong ký ức và cả trong thực tại.
Tranh của họa sĩ NGUYỄN MAI LONG
Cứ mỗi năm, khi chợ xuân đã bắt đầu nhộn nhịp trên phố, là mẹ lại mua nguyên liệu về để làm bò khô. Bò khô, cái món ăn chỉ để nhóp nhép cho vui miệng trong những lúc rảnh rỗi, lại trở thành “miếng trầu” khởi đầu cho những câu chuyện ngày Tết của bọn trẻ chúng mình. Đối với mình, Tết mà không có bò khô mẹ làm chắc chẳng còn là Tết của riêng mình nữa, nó sẽ chỉ là Tết của người khác. Bò khô mẹ làm mình không dám khẳng định ngon hơn bò khô ngoài tiệm, nhưng đó là cả một niềm mơ ước.
Từ nhỏ đến giờ, Tết có thể nhạt đi mấy phần nhưng mình vẫn không hết thèm bò khô, mình thèm bò khô quanh năm nhưng thèm nhất là khi đất trời chớm những hơi lạnh đầu tiên của mùa đông. Mỗi khi mẹ làm bò khô, mình hay chờ chực bên cạnh để bốc từng miếng đút vào miệng nhai ngon lành. Mình có thể ăn khi bò chỉ vừa mới được ướp với đường, sả, ớt, khi miếng thịt còn ươn ướt mẹ chưa kịp sấy khô. Mẹ hay la mình vì cái tật ấy, mẹ nói rằng ăn vậy coi chừng đau bụng bây giờ. Nhưng một khi đã ăn một miếng, mình lại thèm ăn miếng thứ hai, rồi thứ ba…
Ngọn lửa bập bùng mẹ dùng để sấy bò cũng trở nên thật quyến rũ trong con mắt của một kẻ giỏi ăn vụng như mình. Ngọn lửa từ những hòn than hồng nhảy múa, thỉnh thoảng cất lên vài tiếng lép bép, hình như lửa làm khô bò cũng có nỗi mừng vui riêng. Khói bốc lên nghi ngút từ cái chảo bò khô, khói này không bám dính vào quần áo như cái loại khói ở ngoài mấy quán cơm làm mình khó chịu, mà nó chỉ dạo quanh nhà, lướt qua khướu giác của con người, trở thành một mùi hương rất riêng của mùa xuân cho riêng mình. Hình ảnh mẹ Tết năm nào cũng vậy, mẹ ngồi đọc báo bên cạnh cái chảo đựng bò khô trong lúc đợi nước bay hơi hết, thỉnh thoảng lại cười khi mình cứ đi ngang qua lại bốc vụng một miếng. Hình ảnh đó đã in dấu trong tâm trí từ khi mình còn nhỏ, và khi đó nhà cũ của mình vẫn còn. Mình còn nhớ có một lần, mẹ làm bò khô, mình và Xen ngồi cạnh đó xem phim Ghibli, thỉnh thoảng lại chồm vờ vĩnh xí một miếng bò kiểu như ngẫu nhiên trong vô thức. Ký ức đó cũng ấm áp như cái lò than của mẹ vậy. Không biết hình ảnh này sẽ còn lại bao nhiêu năm nữa trong cuộc đời này.
Mình tự hỏi, Xen ở nơi xứ người không biết có nhớ về những tối mẹ làm bò khô này không. Chắc là nhớ lắm. Nếu sau này mình không thể về nhà ăn Tết, chắc mình sẽ cảm thấy cô đơn và muốn khóc đến nhường nào. Dù cho mình của năm 17 không còn háo hức chờ đợi Tết đến như năm 7 tuổi, mình vẫn yêu và mong chờ đến cái đêm làm bò khô với mẹ. Ước gì mình sẽ còn 10, 20, 30 đêm giống như đêm nay nữa, để lại được ăn bò khô thỏa thích, để lại được có mẹ bên ánh lửa bập bùng…