Tây Sơn hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình OCOP
Từ sự lan tỏa của chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều sản phẩm đặc trưng, tiềm năng trên địa bàn huyện Tây Sơn đã được các chủ thể đầu tư, phát triển sản xuất và đăng ký để được chứng nhận đạt chuẩn OCOP.
Trong quý I/2022, có 16 sản phẩm của các địa phương trong huyện Tây Sơn đăng ký để được xét công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP, gồm: Bánh canh rau củ, chim bồ câu Pháp (xã Bình Nghi); quýt đường (xã Tây Xuân); dầu phụng Tân Lạc Việt (xã Tây Phú); bưởi da xanh (xã Bình Tường); dầu phụng, dầu mè (xã Tây Giang); nem chả Ba Sương (xã Tây Bình); dầu mè Thành Mười (xã Bình Thuận); gà sạch Hà My, dầu phụng, bò thịt chất lượng cao (xã Bình Tân); nấm sò, trứng gà, chanh đào (xã Tây Thuận); nem, tré (thị trấn Phú Phong).
Ngành Nông nghiệp huyện vận động các nhà vườn trồng bưởi da xanh mạnh dạn đăng ký sản phẩm OCOP. Ảnh: Đ. PHƯƠNG
Theo ông Trương Thế Việt, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện: Để được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, sản phẩm phải thỏa mãn nhiều điều kiện, tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là yếu tố đảm bảo chất lượng, vệ sinh, có nguồn gốc rõ ràng. Sau khi thống kê, tổng hợp danh sách các sản phẩm có khả năng đạt chuẩn, chúng tôi tổ chức đến các cơ sở sản xuất để kiểm tra quy trình sản xuất, góp ý và hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện thủ tục hồ sơ. Tới đây UBND huyện sẽ thành lập Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, từ đó mới chọn ra các sản phẩm giàu tiềm năng để giới thiệu đăng ký OCOP cấp tỉnh.
Để chủ động nguồn nguyên liệu và đảm bảo có đủ nguyên liệu chất lượng cao, HTXNN Thượng Giang (xã Tây Giang) đã và đang triển khai dự án vận động xã viên chuyển những diện tích trồng mía, mì kém hiệu quả sang trồng đậu phụng, mè… ở 2 thôn Thượng Giang 1 và Thượng Giang 2, với diện tích lên đến 60 ha. Cũng theo hướng này, năm 2021, HTX đã đầu tư 2 máy ép dầu có tổng công suất 300 kg/giờ, 2 máy lọc dầu và một số trang thiết bị, máy móc hiện đại khác. Nhờ đó sản phẩm dầu ép ra của HTX có phẩm cấp cao hơn hẳn so với trước, được người tiêu dùng tín nhiệm.
Từ tháng 3.2022 đến nay, HTX đã ép hơn 100 tấn đậu phụng để lấy dầu cung cấp cho thị trường. Phấn đấu để 2 sản phẩm dầu phụng và dầu mè của HTX được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh trong năm 2022, ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTX, cho biết: Chúng tôi đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Kiểm nghiệm môi trường và kiểm định miền Trung (trụ sở tại TP Quy Nhơn) lấy mẫu phân tích, lập hồ sơ quản lý chất lượng. HTX cũng được Sở Công Thương hỗ trợ trong vấn đề thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm, bổ sung một số chi tiết quan trọng để có thể giới thiệu sản phẩm thật ấn tượng, bắt mắt. Cùng với đó, chúng tôi tổ chức liên kết với Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang) trong khâu tiêu thụ sản phẩm khi được công nhận.
Xã Tây Xuân là địa phương có diện tích trồng quýt đường lớn nhất huyện, có tiềm năng để phát triển thành sản phẩm OCOP. Ông Nguyễn Đình Chương, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Chỉ với 6 hộ trồng nhiều nhưng toàn xã đã có khoảng 28 ha quýt đường. Xã có kế hoạch hỗ trợ các hộ này thành lập tổ trồng quýt đường do ông Hồ Ngọc Dũng (ở thôn Đồng Sim) làm tổ trưởng nhằm phát triển bền vững và chọn quýt đường đăng ký sản phẩm OCOP.
Vườn quýt rộng hơn 7 ha với 3.000 gốc của ông Hồ Ngọc Dũng trồng từ năm 2018 đến nay vẫn phát triển đều đặn và xanh tốt. Ông Dũng cắt tỉa, dọn trái bài bản để cây không bị mất sức, chăm sóc vườn quýt theo hướng hữu cơ, ngoài sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, ông gần như chỉ bón phân chuồng để cây quýt xanh tốt tự nhiên. Nhờ vậy, mỗi năm một cây quýt cho khoảng 100 kg trái, không cao hơn so với cách chăm sóc thông thường bao nhiêu nhưng chất lượng trái hơn hẳn, nhờ thế quýt bán cũng được giá hơn.
Ông Dũng chia sẻ: Chính quyền xã, huyện đã hỗ trợ rất nhiều, giúp chúng tôi mở rộng quy mô sản xuất, quảng bá sản phẩm. Cùng với các chủ vườn quýt khác, chung tôi đang làm các thủ tục để trái quýt của vườn mình được công nhận là sản phẩm hợp chuẩn OCOP.
“Huyện Tây Sơn hiện có 7 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên. Để triển khai hiệu quả chương trình OCOP, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm, tham gia đánh giá phân hạng, kiểm tra định kỳ về tiêu chuẩn, chất lượng các sản phẩm. Theo kế hoạch, chúng tôi phấn đấu mỗi năm có thêm khoảng 4 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới”, ông Trương Thế Việt cho biết thêm.
ĐÌNH PHƯƠNG