Không để người tiêu dùng bị thiệt thòi
Trong những năm qua, thực trạng người tiêu dùng ở nước ta gặp thiệt thòi, bị lừa đảo, bị mua và sử dụng các sản phẩm, mặt hàng, dịch vụ... kém chất lượng đang diễn ra ngày càng nhiều. Ðáng chú ý, nhiều vụ việc người tiêu dùng phản ánh đến các cơ quan chức năng nhưng chưa được bảo vệ một cách cụ thể, quyết liệt.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị. Ảnh: TTXVN
Hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm an toàn thực phẩm... vẫn tồn tại, gây bức xúc cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, nhất là các trường hợp vi phạm thương mại điện tử chưa được kiểm soát và xử lý hiệu quả.
Bên cạnh đó còn có nguyên nhân người tiêu dùng chưa ý thức được quyền lợi, trách nhiệm của mình cho nên hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng càng nhiều khó khăn, thách thức. Có thể kể ra nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó đáng chú ý là sự quan tâm của các cơ quan chức năng đối với công tác triển khai, thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa được tập trung đúng mức; các cấp, các ngành chưa được xác định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng cho nên kết quả đạt được còn thấp so với yêu cầu thực tế.
Trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế và quá trình toàn cầu hóa, người tiêu dùng đã và đang thường xuyên đối mặt với các nguy cơ bị thiệt hại, bị lừa đảo. Trong khi đó, một số quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nhiều văn bản quy định liên quan chưa thực thi có hiệu quả, chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử phạt, bồi thường thỏa đáng cho người tiêu dùng. Công tác tiếp nhận và giải quyết yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng chưa đáp ứng thực tế.
Trước thực trạng nêu trên, Quốc hội đang khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ðây là nội dung, là luật được đông đảo người dân quan tâm. Trong đó, một trong những nhân tố quan trọng nhất thông qua các quy định của luật pháp cần không ngừng nâng cao trách nhiệm, vai trò quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Cụ thể là trách nhiệm chung, trách nhiệm quản lý ngành của các bộ, ngành, cơ quan chức năng, của UBND, sở, ngành các địa phương. Bên cạnh đó, cần phát huy, nâng cao vai trò và chất lượng hoạt động của các tổ chức xã hội cũng như trách nhiệm của hệ thống các cơ quan tài phán, bảo đảm tính chính xác, minh bạch, công bằng, phù hợp thực tiễn, đúng quy định pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Trong quá trình góp ý, xây dựng, hoàn thiện Luật Bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, để thật sự là bảo vệ người dân, cần có các quy định về việc huy động Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cũng như các tổ chức chính trị-xã hội tham gia các hoạt động kiểm tra, giám sát liên quan công tác bảo vệ người tiêu dùng trước các nguy cơ thực tế cũng như quá trình giải quyết các vụ việc.
Một trong những nội dung cần lưu ý khi rà soát, bổ sung, xây dựng các quy định pháp luật là việc phát triển nhanh, mạnh, rộng khắp của các phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới trong đời sống hiện nay của người dân. Có những hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện nhưng chưa được bổ sung vào phần các hành vi cấm hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan. Ðây đang được cho là nguyên nhân tạo ra những khoảng trống về luật pháp cần được chú trọng, nghiên cứu, rà soát kịp thời để có thể đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu bảo vệ quyền lợi của người dân. Ðồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo HOÀNG ÐAN (NDO)