Xây dựng chi tiết nguồn vật liệu Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2
Các chủ đầu tư, nhà thầu cần tiếp tục khảo sát, đưa thêm các mỏ mở mới vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025.
Các địa phương đang tích cực phối hợp với nhà thầu, ban quản lý dự án để bố trí nguồn vật liệu cung ứng để thi công cho Dự án đường bộ Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2).
Nhà thầu khai thác nguồn đất từ một mỏ vật liệu để thi công đắp nền đường Cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Theo báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 từ tỉnh Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, lượng vật liệu cát cần có lên tới gần 10 triệu m3, gồm gần 5 triệu triệu m3 từ 77 mỏ đang khai thác (tổng trữ lượng hơn 10,6 triệu m3) và hơn 4,7 triệu m3 sử dụng từ 14 mỏ chưa khai thác (tổng trữ lượng gần 12 triệu m3). Vật liệu đất cần gần 50 triệu m3 gồm 2,7 triệu m3 từ 21 mỏ đang khai thác (tổng trữ lượng hơn 10 triệu m3) và 74 mỏ chưa khai thác (tổng trữ lượng hơn 64 triệu m3).
Đến nay, có 4/10 mỏ cát đã được khai thác với trữ lượng hơn 1,4 triệu m3 (tỉnh Bình Định 2 mỏ; Phú Yên 2 mỏ) và 14/38 mỏ đất với trữ lượng khoảng 12 triệu m3 (tỉnh Quảng Ngãi 3 mỏ, Bình Định 3 mỏ, Khánh Hòa 8 mỏ).
Hiện, các nhà thầu đã trình 13/14 hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác cát với tổng trữ lượng hơn 4 triệu m3; 56/74 hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác đất với tổng trữ lượng hơn 49 triệu m3. Ủy ban nhân dân các tỉnh đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 10/13 mỏ cát, 38/56 mỏ đất.
Đối với các mỏ đã hoàn thành bản đăng ký khối lượng, các nhà thầu đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất để có thể khai thác vào cuối tháng Chín, đầu tháng 10.2023. Với các mỏ còn lại, dự kiến hoàn thành các thủ tục trong năm 2023.
Nhằm đáp ứng tiến độ triển khai dự án, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đề nghị các ban, nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 3 mỏ cát (đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Hoài Nhơn-Quy Nhơn), 18 mỏ đất đã trình nhưng chưa được xác nhận trong nửa đầu tháng 10/2023 (đoạn Vạn Ninh-Cam Lộ, Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Chí Thạnh-Vân Phong).
Các đơn vị trên thỏa thuận với chủ sở hữu mỏ để có thể khai thác 6 mỏ cát (đoạn Bãi Vọt-Hàm Nghi, Hàm Nghi-Vũng Áng, Quy Nhơn-Chí Thạnh, Chí Thạnh-Vân Phong), 21 mỏ đất đã được xác nhận bản đăng ký khối lượng (các đoạn Bãi Vọt-Hàm Nghi, Hàm Nghi-Vũng Áng, Vạn Ninh-Cam Lộ, Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Hoài Nhơn-Quy Nhơn, Quy Nhơn-Chí Thạnh, Chí Thạnh-Vân Phong) để sớm có thể khai thác các mỏ.
Ngoài ra, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cũng yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu cần tiếp tục khảo sát, đưa thêm các mỏ mở mới vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án (nếu có nhu cầu) và hoàn thành thủ tục với các mỏ còn lại chậm nhất trong tháng 10/2023.
Với dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Cà Mau, tổng nhu cầu vật liệu đất đắp khoảng 1,5 triệu m3 lấy từ các mỏ đang khai thác trong khu vực; 18 triệu m3 cát đắp nền đường.
Đến nay, tỉnh An Giang đã thống nhất bố trí cho dự án 3,3 triệu m3 nhu cầu năm 2023. Với 3,7 triệu m3 cho nhu cầu năm 2024, tỉnh đang xem xét phương án cung cấp. Tỉnh Đồng Tháp đã thống nhất bố trí đủ cho dự án 7 triệu m3, hiện nhà thầu đang hoàn thiện thủ tục để khai thác 5 mỏ cho 3,3 triệu m3.
Ngày 20.9, tỉnh Đồng Tháp đã bàn giao cho nhà thầu 1 mỏ trữ lượng khoảng 0,5 triệu m3. Các đơn vị đang hoàn thiện các thủ tục để khai thác. Với các mỏ còn lại, địa phương phấn đấu bàn giao trong tháng Chín này.
Tỉnh Vĩnh Long đã có văn bản giao cho nhà thầu thực hiện thăm dò 2 mỏ với trữ lượng gần 1,4 triệu m3, dự kiến khai thác tháng 12/2023 đồng thời sở tài nguyên và môi trường đang tiếp tục tham mưu tỉnh giao cho nhà thầu thăm dò thêm 2 mỏ với tổng trữ lượng dự kiến khoảng 2,6 triệu m3./.
Dự án đường bộ Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 dài 721,2km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập gồm 25 gói thầu xây lắp. Ngày 1.1.2023, đã khởi công 14 gói thầu đầu tiên; 11 gói thầu còn lại khởi công từ ngày 15.1-19.2.2023.
(Theo Việt Hùng/Vietnam+)