Trao “cần câu” cho lao động nông thôn
Thời gian qua, Phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã mở nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, giúp người dân thay đổi tư duy, cập nhật kiến thức mới để có việc làm ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đào tạo nghề theo nhu cầu
Những năm qua, từ nhu cầu thực tế của người lao động và thế mạnh của từng địa phương, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện An Lão đã mở các lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp phù hợp với người dân, như: May công nghiệp; trồng rau an toàn; trồng cây có múi; nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò; kỹ thuật chăn nuôi gà, nuôi heo đen… Thông qua các lớp đào tạo nghề, người lao động nắm vững được các kỹ năng làm việc, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và áp dụng hiệu quả vào sản xuất, tự tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập.
Quản đốc Công ty TNHH MTV SXTM An Sơn hướng dẫn chị Lê Thị Yến hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: D.Đ
Từng là học viên của lớp nghề may công nghiệp do Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức, chị Lê Thị Yến (SN 1980, ở thôn Tân Lập, xã An Tân) cho hay, trước đây, chị chủ yếu làm nông theo mùa vụ, quanh năm túng thiếu. Năm 2018, sau khi được cán bộ Trung tâm đến nhà vận động, chị đăng ký học lớp sơ cấp nghề may công nghiệp, được cấp chứng chỉ loại khá sau 3 tháng học nghề.
“Khi hoàn thành khóa học, Trung tâm giới thiệu tôi vào Công ty TNHH MTV SXTM An Sơn làm công nhân may gia công áo, quần. Từ đó, tôi có công việc với thu nhập ổn định, có đầy đủ các chế độ đãi ngộ và thời gian chăm sóc gia đình”, chị Yến chia sẻ.
Còn anh Đinh Thanh Tùng (dân tộc Bana, SN 1992, ở thôn 2, xã An Quang) bắt đầu nuôi gà từ năm 2019. Ban đầu, anh nhập 100 con gà giống về nuôi, nhưng do chưa nắm vững kỹ thuật nên gà thường bị bệnh.
Năm 2020, anh Tùng được Đoàn xã An Quang giới thiệu đi học lớp sơ cấp nghề kỹ thuật nuôi gà trong 3 tháng do Trung tâm tổ chức. Sau khi hoàn thành khóa học, năm 2021 anh mạnh dạn vay vốn, mua 200 con gà, 6 con heo đen về nuôi. Nhờ áp dụng kiến thức được học, xây dựng chuồng trại có đệm lót sinh học, tự phối trộn, chế biến thức ăn theo tỷ lệ hợp lý, nên gà và heo sinh trưởng tốt, cho hiệu quả kinh tế cao.
Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện An Lão Nguyễn Tấn Tỉnh chia sẻ, để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, hằng năm, huyện đều rà soát, nắm bắt trình độ, nhu cầu học nghề thực tế của người lao động trên từng địa bàn, tiềm năng sản xuất của địa phương; từ đó, mở các lớp đào tạo nghề phù hợp. Ngoài ra, Trung tâm cũng nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn nhằm đảm bảo việc làm cho học viên sau đào tạo.
Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ
Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão, giai đoạn 2019 - 2022, toàn huyện đã đào tạo nghề cho 1.488 lao động nông thôn, với 48 lớp thuộc 8 nghề đào tạo. Trong đó, đào tạo nghề nông nghiệp cho 850 người; đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 638 người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi đào tạo nghề đạt 75%, với thu nhập trung bình từ 3 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão Lê Thị Thu Hằng, hiệu quả đào tạo nghề có mặt còn hạn chế. Người lao động nông thôn vẫn chưa nhận thức đầy đủ mục đích, vai trò của công tác đào tạo nghề; còn ngại đi học nghề; một số tham gia theo phong trào, chỉ để nhận tiền hỗ trợ.
Mặt khác, trên địa bàn huyện không có nhiều công ty, DN tuyển dụng lao động sau khi học; đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu; nhiều lao động học nghề phi nông nghiệp dù đã qua đào tạo vẫn không đáp ứng được yêu cầu, chưa tìm được việc sau khi học; một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức về đào tạo nghề… Từ đó, ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo và công tác phối hợp tuyển sinh trên địa bàn.
Cũng theo bà Hằng, trước những khó khăn này, huyện An Lão đã đề ra những giải pháp như phát huy vai trò của MTTQ và các hội, đoàn thể trong tuyên truyền, hướng dẫn lao động, hội viên, đoàn viên tham gia học nghề, tự tạo việc làm, tìm việc làm. Tăng cường các hoạt động tuyển sinh, vận động học viên tại từng gia đình. Phối hợp tư vấn, định hướng cho người lao động chọn nghề phù hợp để có việc làm, tăng thu nhập sau học nghề. Hỗ trợ người lao động ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất qua các mô hình sinh kế, dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia huyện đang thụ hưởng.
DUY ĐĂNG