Tự ý ngưng bán xăng là phạm luật
Thời gian qua, tại một số tỉnh, thành Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ xảy ra tình trạng một số cây xăng treo biển báo hết hàng, tạm ngưng bán. Nhiều lý do được đưa ra, như, do nguồn cung không đủ, trong khi sau Tết nhu cầu sử dụng của DN, người dân tăng cao; ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 có nguy cơ bùng phát sau kỳ nghỉ Tết khiến nhân lực tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu bị thiếu hụt...
Tuy nhiên, nguyên nhân thật sự được xác định là phần lớn cây xăng cố tình găm hàng, tạo khan hàng nhằm chờ tăng giá để trục lợi. Tình hình bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, nhất là trong bối cảnh cả nước đang tập trung phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Tình hình trên, ngay sau đó đã được Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc, thanh - kiểm tra, xử lý… nhằm sớm khắc phục, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ổn định thị trường, đời sống sản xuất. Qua vụ việc, các ngành, cơ quan có chức năng quản lý, điều hành lĩnh vực này khẳng định sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm trong sản xuất, cung ứng, phân phối, kinh doanh mặt hàng này, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong mọi hoàn cảnh, tình huống.
Cần phải lưu ý rằng, xăng dầu bên cạnh là mặt hàng thiết yếu còn là mặt hàng chiến lược, bình ổn, đặc biệt quan trọng, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời có tính chất “nhạy cảm”, dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, nhận sự quan tâm lớn của dư luận xã hội. Cùng với các cơ chế, chính sách, công cụ để quản lý, điều hành, điều tiết, mặt hàng này cũng có hệ thống những quy định pháp luật làm cơ sở cho hoạt động. Trong đó, quy định cụ thể về việc nghỉ/ngừng bán.
Tại khoản 21 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 2.1.2022) quy định rõ: Thương nhân kinh doanh xăng dầu đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ ngừng bán hàng sau khi được Sở Công Thương chấp thuận bằng văn bản, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng (cháy nổ, lũ lụt hoặc đã nỗ lực áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng không thể duy trì việc bán hàng).Trong trường hợp cơ quan chức năng phát hiện cửa hàng xăng dầu nào tự ý đóng cửa, ngừng bán hàng mà không thông báo, không được sự chấp thuận của Sở Công Thương, có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm để tăng giá, trục lợi thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 99/2020/NĐ- CP của Chỉnh phủ, với mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
T.MINH