Người bán bánh cuốn Tây Sơn tại Sài Gòn
Khởi đầu từ niềm đam mê kinh doanh và mong muốn quảng bá đặc trưng ẩm thực quê mình của một chàng trai trẻ, món bánh cuốn Tây Sơn nay đã có chỗ đứng tại TP Hồ Chí Minh. Công ty CP TAYSON tại TP Hồ Chí Minh, do anh Nguyễn Đình Chính, 26 tuổi (quê ở thôn Trung Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) làm Giám đốc, hiện chỉ kinh doanh một mặt hàng duy nhất: bánh cuốn và đạt doanh thu bình quân 250 triệu đồng/tháng.
Như bao đứa trẻ khác ở vùng quê Bình Định, ký ức tuổi thơ của anh Chính có nhiều kỷ niệm gắn với chiếc bánh tráng. Anh Chính kể: “Ở quê tôi, để lót dạ chuẩn bị một ngày lao động, cách nhanh nhất là lấy một cái bánh tráng nướng và một bánh tráng sống nhúng nước rồi cuốn lại (có người cuốn thêm cơm nguội bên trong), chấm nước mắm ăn. Nhà nào cũng có sẵn bánh tráng trong nhà và bánh tráng là món ăn quen thuộc. Khi học đại học, mỗi lần từ quê vào TP Hồ Chí Minh, tôi đều đem theo mấy ràng bánh tráng để ăn. Những lúc bánh hết, tôi thèm mà chả biết làm sao. Ý tưởng mang bánh cuốn Tây Sơn vô TP Hồ Chí Minh bán của tôi bắt nguồn từ đây”.
Thực khách bày tỏ sự hài lòng khi thưởng thức bánh cuốn Tây Sơn.
Đứng dậy từ thất bại
Thời sinh viên ở Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, ngoài giờ học, anh Chính làm thêm rất nhiều công việc, trong đó đặc biệt thích thú với việc bán hàng. Cuối năm học thứ tư, anh Chính thuyết phục được một số người quen đầu tư 60 triệu đồng để anh hiện thực hóa ước mơ của mình - mở quán bán bánh cuốn Tây Sơn tại quận Tân Phú. Nhưng quán chỉ tồn tại khoảng 7 tháng thì phá sản.
* Theo anh, vì sao lúc đó lại thất bại?
- Với số vốn 60 triệu đồng thì việc thuê mặt bằng, đầu tư quán, thuê nhân viên đã chiếm phân nửa. Hơn nữa, đối với một món ăn mới lạ như bánh cuốn Tây Sơn, cần thời gian và chi phí quảng cáo để mọi người biết đến. Trong khi đó, tôi còn thiếu kinh nghiệm, nhất là không lường trước được những tình huống bất ngờ, không quản lý tốt được nguồn vốn. Giữa ý tưởng trên giấy và thực tế cách xa nhau rất nhiều, có quá nhiều những thứ mới, khiến tôi không kịp phản ứng.
Bị dội “gáo nước lạnh” ngay trong lần đầu kinh doanh, nhưng Nguyễn Đình Chính không từ bỏ ước mơ. Anh xem thất bại đó là bài học kinh nghiệm để đứng lên.
Trong khoảng thời gian về quê nghỉ Tết Nguyên đán năm 2014, anh Chính đến quán bánh cuốn Cô Tâm của bà Hoàng Thị Tâm, ở cùng thôn, để học hỏi thêm kinh nghiệm làm bánh cuốn đúng “chất” Tây Sơn. Sau 1 tháng “tầm sư học đạo”, Chính lại khăn gói vào TP Hồ Chí Minh, tiếp tục thực hiện ước mơ còn dang dở.
Nhân viên của anh Chính cuốn bánh để bán cho khách hàng tại một hội chợ ở TP Hồ Chí Minh.
Lần này, với số vốn chỉ vỏn vẹn 2 triệu đồng nhưng kinh nghiệm thì kha khá, anh Chính tập trung vào marketing, bán hàng qua mạng và điện thoại.
Căn phòng trọ chưa đầy 30 m2 của Chính là nơi anh vừa ở, vừa chế biến món ăn này. Cùng với đó, anh Chính thuyết phục những mối nguyên liệu quen ở Tây Sơn gửi bánh tráng, rau sống, nem, chả vô TP Hồ Chí Minh cho mình, cuối tháng mới thanh toán một lần. Ngoài ra, anh Chính lập trang web www.banhcuontayson.com và thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo để quảng bá sản phẩm, đặc biệt hướng đến khách hàng là người Bình Định tại TP Hồ Chí Minh. Và cũng nhờ họ giới thiệu nên chỉ trong một thời gian ngắn, đã có nhiều khách gọi điện đến đặt bánh cuốn Tây Sơn. Lúc cao điểm, anh Chính phải thuê thêm 6 người phụ việc, mỗi ngày bán được khoảng 200 cuốn bánh (giá 15.000- 35.000 đồng/cuốn), giao hàng tận nơi, lãi gần 1 triệu đồng.
* Vị chi 1 tháng anh lời 30 triệu đồng từ bán bánh cuốn. Đó là một khoản thu nhập khá cao, nhất là với một người vừa phá sản cách đó chưa lâu. Vậy anh có thấy mình phiêu lưu không khi quyết định tiếp tục mở rộng kinh doanh?
- Với một sinh viên mới ra trường, khoản thu nhập đó là rất cao. Nhưng nếu như tôi dừng lại thì không việc gì tôi phải vào TP Hồ Chí Minh cả. Tôi biết rằng, việc kinh doanh món bánh cuốn dân dã này có rất nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển. Tôi chưa bao giờ nghĩ việc kinh doanh bánh cuốn Tây Sơn là phiêu lưu, ngay cả khi hết sạch vốn trong lần khởi nghiệp. Tôi còn trẻ, tôi có thể sai lầm, vậy tại sao tôi lại không tiếp tục theo đuổi.
Hiện tại, công ty của tôi có 15 nhân viên chính thức đảm nhận việc làm bánh và giao hàng tận nơi cho khách. Trung bình mỗi ngày tôi bán được trên 500 cuốn bánh. Ngoài ra, mỗi tháng tôi tham gia khoảng 2 hội chợ (tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, mỗi hội chợ diễn ra 3 - 7 ngày), bán trên 1.000 cuốn/ngày.
Anh Nguyễn Đình Chính
Mang đi xa và giữ “hồn” cho bánh cuốn Tây Sơn
* Sao anh phải cất công lấy nguyên liệu từ quê vào, trong khi ở TP Hồ Chí Minh, thứ gì chẳng có?
- Bạn cứ hình dung thế này nhé, cũng một cọng rau nhưng trồng ở Quảng Nam thì khác, Sài Gòn thì khác. Rau các loại ở TP Hồ Chí Minh đều có đủ, nhưng khi phối chúng lại với nhau, cộng với các nguyên liệu khác, lại cho ra cuốn bánh rất nhạt. Bánh tráng Tây Ninh cũng vậy, không hề dở, nhưng nó không tương thích với đặc trưng ẩm thực mà bánh cuốn Tây Sơn cần có. Gạo, rau sống để ăn cơm thì khác, ăn bún khác và ăn phở cũng khác, nên với bánh cuốn cũng khác vậy! Việc chuyển nguyên liệu từ quê nhà vào khiến tôi tốn thêm chi phí, nhưng cái được không thể so sánh là sự tổng hòa của hương vị rất riêng. Làm bánh cuốn Tây Sơn thì nhất định phải lấy nguyên liệu từ Tây Sơn - đó là yêu cầu kỹ thuật thật sự chứ không phải là tôi cầu kỳ hoặc phăng-tê-di cho nó lạ.
Về cơ bản, bánh cuốn Tây Sơn ở TP Hồ Chí Minh vẫn y chang ở Tây Sơn, cùng mang hình dáng, nguyên liệu, hồn vía đó; chỉ là tùy theo yêu cầu của khách hàng và giá tiền mà nhân bánh sẽ nhiều hay ít mà thôi. Tuy nhiên, vào TP Hồ Chí Minh, tôi có thay đổi một tí ở phần nước chấm: ít cay và giảm vị mặn và tăng vị ngọt, để có thể phù hợp với phần đông thực khách ở đây.
* Còn yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, anh làm thế nào để đảm bảo với khách hàng về điều đó?
- Nguyên liệu để làm bánh cuốn Tây Sơn gồm bánh tráng mỏng nhúng cuốn với nhân là rau sống, đậu hũ chiên, chả ram, thịt bò nướng hoặc/và thịt heo nướng, nem, chả, trứng vịt luộc chín. Trong đó, chỉ có thịt bò và thịt heo là tôi lấy từ một cửa hàng quen ở TP Hồ Chí Minh, còn lại đều được chuyển từ Tây Sơn vào để đảm bảo giữ được hương vị đặc trưng cho món ăn.
Bà HOÀNG THỊ TÂM, 56 tuổi, chủ quán bánh cuốn Cô Tâm: “Lúc đầu, Chính xin học nghề làm bánh cuốn, tôi cũng bất ngờ vì nghĩ không ai học xong đại học lại đi làm nghề này. Nhưng sau khi nghe cháu nói về dự định học nghề để vô TP Hồ Chí Minh mở quán, xây dựng thương hiệu bánh cuốn Tây Sơn, tôi đồng ý liền. Kinh nghiệm làm bánh hơn 30 năm của mình, tôi đều chỉ hết cho nó, không chừa lại tí nào”.
Đối với các nguyên liệu lấy từ Tây Sơn, tôi đều đã đi xem quy trình sản xuất của họ và kiểm tra khâu nhập nguyên liệu rất kỹ. Bánh tráng nhất thiết không có các loại hóa chất bảo quản. Các loại chả, nem thì lấy ở các cơ sở lâu đời, có uy tín ở thị trấn Phú Phong. Riêng rau sống thì do gia đình tôi tự trồng, không dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật, sinh trưởng và phát triển hoàn toàn tự nhiên.
* Anh có dự định nào mới mẻ hơn cho món bánh cuốn không?
- Đã đảm bảo được vấn đề chất lượng sản phẩm thì tôi cũng phải tìm ra được hướng phát triển tiên tiến hơn chứ. Bạn cứ hình dung, người ta vẫn biết là gà ta ngon hơn gà công nghiệp nhưng các sản phẩm từ gà công nghiệp của KFC, Jollibee, Lotteria vẫn bán chạy. Ngoài cách chế biến ngon thì họ có cách bán hàng và cách làm truyền thông rất tốt.
Hiện tại, tôi đã thành lập Công ty CP TAYSON, tại 982/11 Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền bánh cuốn Tây Sơn tại TP Hồ Chí Minh. Tôi cũng đang tiến hành các bước cần thiết để mở chuỗi cửa hàng phục vụ trực tiếp, tiện lợi và mở thêm nhiều đại lý khác tại tất cả các quận ở TP Hồ Chí Minh.
* Cảm ơn anh và chúc anh tiếp tục thành công cùng thương hiệu bánh cuốn Tây Sơn của mình.
NGUYỄN HỒNG PHÚC
(Thực hiện)
Chẳng ai nhớ chính xác bánh cuốn Tây Sơn có từ bao giờ. Với niềm tự hào về quê hương mình, những người gắn bó và có tìm hiểu về quê hương Tây Sơn cũng như phong trào Tây Sơn vẫn đồ rằng, bánh cuốn Tây Sơn chính là một kiểu hamburger, một món ăn trên đường hành quân của nghĩa binh Tây Sơn thời đó. Và để ăn bánh cuốn Tây Sơn - cái cuốn bánh to gần bằng cổ tay - cũng phải biết cách mới ngon được. Đó là tả - hữu - tề. Tức là cắn bên trái cuốn bánh một miếng, xong lại cắn tiếp miếng bên phải, cuối cùng là cắn miếng chính giữa cho bằng.
Hiện ở Tây Sơn có nhiều những quán bánh cuốn, trong đó nổi tiếng và đông khách hơn cả là quán bánh cuốn Cô Tâm (thôn Trung Sơn, xã Tây Thuận), quán Năm Mận (82 Quang Trung, thị trấn Phú Phong) và quán của anh Tèo Công (29 Trần Quang Diệu, thị trấn Phú Phong).
Bài viết rất hay sao không cho mọi người chia sẻ trên face để quảng bá rộng hơn