Học tập và làm theo Bác đang thấm vào mỗi người dân Việt Nam
Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, không chỉ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã khẳng định mà cả người dân cũng nói rằng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh là rất cần thiết.
Những tấm gương học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đang thấm vào cuộc sống, sinh hoạt, tình cảm đời thường của mỗi người dân Việt Nam.
Đó là chia sẻ của Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh."
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh." (Nguồn: TTXVN)
* Ông có nhận xét gì về các tác phẩm tham gia Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018-2020?
Ông Nguyễn Thế Kỷ: Cách đây hơn 10 năm, Đảng ta phát động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiến hành Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh."
Trong hai nhiệm kỳ khóa X, khóa XI, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương đã tiến hành 4 đợt sơ kết, tổng kết, trao tặng thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề này.
Từ Cuộc vận động ban đầu với tính chất là như một sự khởi động, đến nhiệm kỳ khóa XI, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 03-CT/TW nâng cuộc vận động thành hành động tự giác, chủ động, thường xuyên của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cả nước.
Sang đến nhiệm kỳ khóa XII, chủ đề của Cuộc vận động được mở rộng hơn. Nếu như nhiệm kỳ khóa X và XI chỉ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ XII này, với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Đảng ta yêu cầu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Như vậy, chúng ta đã mở rộng chủ đề khi không chỉ học theo tấm gương đạo đức của Bác mà còn học và làm theo tư tưởng, phong cách của Người.
Nhiệm kỳ XII, chúng ta trao giải lần thứ V vào năm 2018 và năm 2020 này là lần thứ VI. Trong hai năm qua, gần 6.000 tác phẩm tham gia sáng tác, quảng bá về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được gửi về các Hội đồng sơ khảo như Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhiếp ảnh, Hội Mỹ thuật, Hội múa, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam… Các hội này chấm sơ khảo sau đó chuyển lên để chấm chung khảo.
Nhìn chung, số lượng tác phẩm, hồ sơ dự giải lần này là cao và có chất lượng ở tất cả các loại hình báo chí, văn học, nghệ thuật. Các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành đều có lực lượng tham dự. Phải nói rằng các nhà báo, các văn nghệ sỹ tham gia Giải thưởng này với một ý thức rất cao, thái độ rất nghiêm túc. Các tác phẩm dự thi có chất lượng tốt, bám sát chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh."
* Nét mới của các tác phẩm dự giải năm nay là gì khi chủ đề này đã đi qua chặng đường hơn mười năm và có những tác phẩm vượt trội so với thời kỳ trước đó không, thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Kỷ: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là một chủ đề vừa dễ lại vừa khó. Dễ là vì chúng ta nói tới sáng tác và quảng bá về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà điều này trong các tác phẩm lý luận, chúng ta đã làm rõ.
Tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh là như thế nào, chúng ta đều biết. Nhưng ở đây, tác phẩm dự thi không chỉ nói chuyện đó mà còn phản ánh việc học tập và làm theo tấm gương của Người. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là như thế nào, nhất là trong sáng tác? Đây là cái khó, đòi hỏi phải đi vào đời sống để phát hiện ra các tập thể, cá nhân.
Tôi lấy ví dụ như với tác phẩm âm nhạc. Theo dòng lịch sử về giai đoạn năm 1945 khi Hồ Chí Minh xuất hiện trên quảng trường Ba Đình khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến khi Người lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Giai đoạn này có rất nhiều tác phẩm âm nhạc ca ngợi Hồ Chí Minh đã đi vào lòng người, sống mãi với thời gian. Những tác phẩm như "Ca ngợi Hồ Chủ tịch," "Tiếng hát trong rừng Pác Bó," "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người," "Người là niềm tin tất thắng," "Bài ca dâng Bác," "Thăm bến Nhà Rồng"… đều là những đỉnh cao rất khó vượt qua.
Ở giải thưởng này, chúng ta nói là sáng tác về Hồ Chí Minh rất dễ là do Bác rất gần gũi, chúng ta hiểu về Bác, hiểu về phong cách, tư tưởng, đạo đức của Người. Nhưng để có một tác phẩm vượt lên trên các “tượng đài” đã có từ trước là rất khó. Hơn nữa, nhìn về Hồ Chí Minh, ở góc độ nào, có tính phát hiện nào? Do vậy để tìm ra một điều gì đó mới, mang tính phát hiện, tạo cảm xúc mới như “đôi dép cao su, đôi dép Bác Hồ," không phải là dễ. Đó chính là điều vừa dễ vừa khó!
Ở Giải thưởng năm 2018, tôi rất ấn tượng với một giải A tặng một nhóm kiến trúc với mô hình nhà vùng lũ cho người dân. Đây là tác phẩm đã thể hiện rõ tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh là chăm lo cho người dân. Các kiến trúc sư đã đưa ra một ngôi nhà phục vụ cho người dân với kết cấu tốt, vật liệu dễ làm lại ứng phó được với bão lũ. Tác phẩm này được xét trao giải cũng là vì thế.
Lần này có tác phẩm rất ấn tượng là "Làng chài đảo Đá Tây," nằm trên quần đảo Trường Sa của chúng ta. Đây là một tác phẩm có ý tưởng rất hay khi là hậu cứ của nghề cá. Tàu của ngư dân vào đây vừa được tiếp nhiên liệu, tu sửa máy móc thiết bị tiếp tục bám biển dài ngày, vừa đánh bắt hải sản trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tác phẩm này là kiến trúc của làng chài trên đảo phù hợp với điều kiện của biển đảo. Đây là một ý tưởng rất hay!
Một tác phẩm khác tôi cũng rất ấn tượng là tác phẩm múa "Dũng sỹ rừng Sác" của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Rừng Sác là bên hông của địch, dũng sỹ đây là những người thoắt ẩn, thoắt hiện đánh vào hậu cứ của địch. Rất khó khi múa làm sao phải xây dựng hình tượng dũng sỹ rừng Sác…
* Ông nhìn nhận về sức hấp dẫn từ đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” như thế nào?
Ông Nguyễn Thế Kỷ: Trước hết phải nói rằng tư tưởng, phong cách, đạo đức của Hồ Chí Minh có sức hấp dẫn rất lớn nhưng đồng thời đó cũng là thách thức. Mấy chục năm qua, có vô vàn tác phẩm nghiên cứu, quảng bá, sưu tầm về Hồ Chí Minh. Ngay cả nước ngoài cũng vậy, rất nhiều quốc gia có những tác giả nghiên cứu rất kỹ về Hồ Chí Minh.
Cuốn "Nhật ký trong tù" của Người in ra 35 thứ tiếng và được tái bản nhiều lần. Điều này không phải một danh nhân nào trên thế giới cũng đạt được. Điều đó cũng cho thấy sức hấp dẫn, sự lan tỏa tư tưởng, phong cách, đạo đức của Người.
Chúng ta nói đến Hồ Chí Minh là một con người của Việt Nam nhưng đồng thời, cũng là một nhà văn hóa kiệt xuất. Tư tưởng, phong cách, đạo đức của Người vừa của Phương Đông nhưng cũng lại có những chất rất Phương Tây, nhất là tư tưởng tự do-bình đẳng-bác ái. Người vĩ đại nhưng lại rất gần gũi, Người sống cuộc sống bình dị, yêu nước, thương dân, thương yêu mọi kiếp người. Hình tượng Hồ Chí Minh, tư tưởng, đạo đức, phong cách, văn hóa của Hồ Chí Minh có sức hút rất lớn ở trong nước và cả nước ngoài.
Không chỉ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã khẳng định mà cả người dân cũng nói rằng, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh là rất cần thiết. Trong gia đình, bố, mẹ, con cái học và làm theo Bác, mọi người đều tốt hơn, yêu thương nhau hơn, hòa thuận và quan tâm tới xóm giềng, cộng đồng hơn, có trách nhiệm với xã hội hơn. Gia đình nào, cá nhân nào, làng xóm nào ý thức được điều đó sẽ khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm của bản thân để sống tốt hơn, hoàn thiện mình, vươn tới chân-thiện-mỹ.
Đối với xã hội, thực ra học tập và làm theo Bác là không chỉ về văn hóa, đạo đức và phong cách. Tôi nghĩ là còn lan tỏa trong các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước, cả trong hoạt động quốc phòng-an ninh. Một người công nhân đứng máy hay một người nông dân ở ngoài đồng ruộng khi học Bác cũng sẽ làm việc nghiêm túc, chăm chỉ, hiệu quả, chất lượng, năng suất lao động hơn. Đó là học theo các lời dạy bảo của Bác. Cuộc sống bao giờ cũng thế, phải cần kiệm, chăm lo cho người khó khăn hơn.
* Sau lễ trao giải, ông có kỳ vọng nào về hiệu ứng, sự lan tỏa trong xã hội từ các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí viết về đề tài này, đặc biệt là hướng tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng?
Ông Nguyễn Thế Kỷ: Bác Hồ có lời dạy và cũng là mong muốn là đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc 5 châu. Sau mấy chục năm, bây giờ chúng ta đã đưa đất nước vươn lên, phát triển ở một mức đáng khích lệ. Nhìn nhận ở việc phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta là một trong năm quốc gia dẫn đầu thế giới về phòng, chống đại dịch này.
Tôi cho rằng có một nguyên nhân là những năm vừa rồi, ngoài truyền thống dân tộc, chúng ta đã học tập và làm theo tấm gương của Bác nên có trách nhiệm với cộng đồng, trách nhiệm với cả thế giới nữa. Chúng ta dù không dư dả, còn nhiều khó khăn nhưng đã chia sẻ khó khăn, hỗ trợ thiết bị y tế với các quốc gia đang bị dịch bệnh lây lan. Đó là điều rất đáng quý!
Từ khi cách ly xã hội, người dân đã đặt lợi ích của cộng đồng, của xã hội, của đất nước lên trên hết chứ không phải quyền tự do cá nhân của mình. Đó là sự hy sinh thầm lặng của những người trên tuyến đầu chống dịch như bác sỹ, y tá, những chiến sỹ Bộ đội Biên phòng.
Đó là những tấm gương trong cộng đồng thể hiện tinh thần dân tộc “bầu ơi thương lấy bí cùng” khi góp gạo, góp trứng, góp cả mớ rau để giúp người có hoàn cảnh khó khăn vượt qua đại dịch… Đây không phải là áp đặt, duy ý chí nhưng thực sự là hiệu ứng lan tỏa của tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Những chuyện đó đã thấm vào cuộc sống, sinh hoạt, tình cảm đời thường của mỗi người dân Việt Nam. Hay như tình hình phức tạp trên Biển Đông, vừa rồi kỷ niệm 65 năm thành lập lực lượng Hải quân, những người lính Hải quân đã khẳng định sẵn sàng hy sinh, xả thân để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.
Khi đất nước chuyển sang kinh tế thị trường, bên cạnh mặt năng động, tích cực, cũng có mặt trái tức là những cái xấu, những nhóm lợi ích, những kẻ lợi dụng chính sách chỉ muốn vinh thân phì gia, lợi dụng sơ hở của pháp luật để đục khoét của công...
Trước tình hình đó, chúng ta vận dụng tinh thần của Bác là “dĩ công vi thượng” và cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Chúng ta đã xử lý nghiêm những người vi phạm, kể cả quan chức, trong đó có cả cấp cao như Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị.
Đây cũng là gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh." Chỉ thị gắn kết với Nghị quyết đã tạo nên đợt sinh hoạt văn hóa, chính trị sâu rộng, mạnh mẽ để làm xã hội trong sạch lên, từ đó thúc đẩy sự phát triển đất nước và bảo vệ đất nước tốt hơn.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Hạnh Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)