Bình Ðịnh quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU - Bài 1: Lợi ích của quốc gia, lợi ích của người dân
Gần 6 năm thủy sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) áp “thẻ vàng”, dự kiến từ ngày 25 - 31.5.2023, Đoàn Thanh tra của EC sang Việt Nam kiểm tra việc chấp hành các quy định chống khai thác hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU). Cùng với các tỉnh, thành cả nước, Bình Định chạy nước rút đặc biệt “180 ngày hành động” để hoàn thành các khuyến nghị của EC về gỡ “thẻ vàng” IUU.
Cùng với nỗ lực của cả nước, Bình Ðịnh đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, với cả hệ thống chính trị vào cuộc tháo những nút thắt trong “cuộc chiến” chống khai thác IUU.
Thực hiện 4 nhóm khuyến nghị của EC về gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam, ngày 13.2.2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định 81/QĐ-TTg ban hành kế hoạch hành động chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4, để chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trong tháng 5.2023.
Đoàn công tác của tỉnh làm việc với huyện Phù Mỹ và Phù Cát về triển khai kế hoạch “180 ngày” ngăn chặn vi phạm IUU. Ảnh: T.DỊU
Quyết tâm cao nhất
Là một trong những địa phương trọng điểm về khai thác thủy sản (KTTS), triển khai Quyết định 81/QĐ-TTg Bình Định đã ban hành kế hoạch hành động “180 ngày” cao điểm chống khai thác IUU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Trưởng Ban chỉ đạo IUU của tỉnh, cho hay Bình Định rất nỗ lực để tháo gỡ thẻ vàng IUU, nhất là trong quản lý và kiểm soát tàu cá KTTS, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên đội tàu được đẩy mạnh, đạt tỷ lệ cao. Cùng với đó là chuyển biến về cơ sở vật chất, truy xuất nguồn gốc thủy sản... Nhiều chỉ đạo quyết liệt được triển khai để thực hiện kế hoạch đợt cao điểm “180 ngày hành động”.
Tuy nhiên, đầu năm 2023 vẫn còn 3 trường hợp tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Đáng nói, 2/3 tàu cá vi phạm ở thị trấn Cát Tiến (Phù Cát) đều làm thủ tục xuất bến ngoài tỉnh, nhiều năm liền không về địa phương. Do đó, việc quản lý nhóm tàu cá nguy cơ cao vi phạm IUU được tập trung triển khai đồng bộ trong toàn tỉnh. Hằng tuần, Sở NN&PTNT tổng hợp danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU gửi Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cùng Sở NN&PTNT các tỉnh, thành có tàu cá Bình Định lưu trú, hoạt động để phối hợp quản lý…
Đến nay, 3.250/3.250 tàu KTTS có chiều dài từ 15 m trở lên của tỉnh KTTS vùng khơi đã lắp thiết bị giám sát hành trình. Sở NN&PTNT đã phối hợp rà soát 375 tàu cá thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía Nam; 72 tàu cá hoạt động ngoài tỉnh nhưng chưa làm thủ tục sang tên; 8 tàu cá chủ tàu thường trú ngoài tỉnh, không về địa phương. Trên cơ sở đó, tỉnh tổ chức 3 đoàn công tác liên ngành làm việc với các tỉnh phía Nam để phối hợp tầm soát, xử lý, làm rõ. Đồng thời, kiểm tra bất thường 177 tàu cá về an toàn kỹ thuật và điều kiện tàu cá KTTS, phát hiện 18 tàu không đủ điều kiện đề nghị tỉnh bạn phối hợp không cho tàu xuất bến đánh bắt.
Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho hay: “Tỉnh Bình Định là một trong những địa phương tiên phong chủ động xây dựng quy chế phối hợp quản lý tàu cá liên tỉnh, hợp tác chặt chẽ để ngăn chặn vi phạm IUU. Sau chuyến công tác đầu tiên phía Nam tháng 8.2022 - nơi có lượng lớn tàu cá của ngư dân Bình Định hoạt động, đầu năm nay chúng ta đã ký kết quy chế phối hợp với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và chuẩn bị ký quy chế phối hợp với tỉnh Kiên Giang”.
Thị đoàn Hoài Nhơn phối hợp Đồn Biên phòng Tam Quan Nam nói chuyện chuyên đề, tuyên tuyền chống vi phạm IUU cho ĐVTN đi biển. Ảnh: H.YẾN
Không để ảnh hưởng đến nỗ lực chung
Từ năm 2017 trở về trước, TX Hoài Nhơn có tới 22 tàu cá KTTS vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Nhưng năm 2018 đến nay, số tàu cá vi phạm giảm rõ chỉ còn 2 tàu. Thị xã kiểm điểm gắt trách nhiệm người đứng đầu 2 phường, xã để tàu cá vi phạm; riêng năm 2022 còn nghiêm khắc xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ với Đảng bộ phường Tam Quan Bắc.
Bí thư Thị ủy Phạm Trương đúc kết, để có được thành quả trên không hề đơn giản với Hoài Nhơn - địa phương có đội tàu KTTS lớn không chỉ trong tỉnh mà còn cả nước. Đó là một chặng đường dài từ “dân biết, dân hiểu, dân tin” cho đến “dân theo và dân làm”.
Không để ảnh hưởng đến nỗ lực chung, các cấp ủy Đảng, chính quyền Hoài Nhơn xác định đẩy mạnh tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” để thay đổi nhận thức, thói quen của người dân, chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, bền vững. Khi ngư dân hiểu rõ luật, thực thi đúng luật thì họ đã hiểu và làm nghề biển có trách nhiệm hơn, bền vững hơn. Thị xã đưa nội dung “tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài” vào tiêu chí xét thi đua, khen thưởng hằng năm đối với Đảng ủy, UBND các xã, phường và hội, đoàn thể, nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu.
“Thời điểm then chốt hiện nay, cùng với đồng bộ các giải pháp, chúng tôi đặc biệt tập trung nhóm nguy cơ cao vi phạm IUU, giao trách nhiệm người đứng đầu, đảng viên và hội, đoàn thể cùng thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này”, ông Trương nói.
Trong nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” EC, trách nhiệm của địa phương cực kỳ quan trọng. Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ Nguyễn Văn Dũng cho hay, Huyện ủy yêu cầu kiện toàn ban chỉ đạo chống khai thác IUU từ huyện đến xã; tổ chức kiểm tra, rà soát, nắm chắc số lượng tàu cá hiện có đã đăng ký, chưa cấp giấy phép KTTS tại địa phương. Huyện xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, vận động ngư dân cam kết không vi phạm khai thác IUU. Địa phương nào có ngư dân vi phạm vùng biển các nước thì Đảng bộ địa phương bị điểm liệt trong xếp loại; còn hộ ngư dân vi phạm sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ khai thác thủy sản của Nhà nước và không được xét gia đình văn hóa.
Ông Trương Xuân Vũ, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thắng, cho hay: Trong 375 tàu cá của xã có 300 tàu chiều dài từ 15 m trở lên thường xuyên KTTS xa bờ. Năm 2023, xã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về Luật Thủy sản năm 2017 cho 74 lượt chủ tàu. Chi bộ và tổ công tác tại các thôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động ngư dân ký cam kết không vi phạm khai thác IUU.
Trong đợt cao điểm “180 ngày hành động”, các hội, đoàn thể ở Bình Định đã đồng loạt vào cuộc vì một nghề cá bền vững. Bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, Chủ nhiệm CLB phụ nữ có chồng đi biển ở xã Cát Minh (huyện Phù Cát), cho biết CLB có 31 thành viên, sinh hoạt hằng quý. Từ năm ngoái đến giờ, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, xã, cùng Hội LHPN huyện, xã liên tục tổ chức tuyên truyền về ngăn chặn vi phạm IUU cho thành viên CLB.
“Bám sát 4 khuyến nghị của EC sau lần làm việc thứ 3, ngành NN&PTNT cả nước tập trung triển khai công tác chống khai thác IUU rất quyết liệt. 2 trọng tâm Việt Nam cần khắc phục ngay là quản lý đội tàu và giám sát hoạt động tàu cá. Thời gian không còn nhiều, chúng ta đã làm tốt công tác chỉ đạo, hành động và đạt được kết quả bước đầu rất khả quan, giờ hợp sức cả hệ thống chính trị để quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT PHÙNG ĐỨC TIẾN, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về IUU
“ Tỉnh xác định gỡ “thẻ vàng” IUU là đảm bảo lợi ích của quốc gia, lợi ích của người dân, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với quyết tâm cao nhất. Các biện pháp chống IUU của tỉnh đi vào trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các địa phương thường diễn ra vấn đề vi phạm, có nguy cơ cao”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh NGUYỄN TUẤN THANH
“Chúng tôi đánh giá rất cao sự chủ động của Bình Định và cam kết cùng phối hợp quản lý tàu cá của tỉnh đang hoạt động tại Tiền Giang để cùng gỡ “thẻ vàng” IUU”.
Bà PHẠM THỊ NA, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ
Bài 2: Cương quyết và sâu sát