Quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo: Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Ngành chức năng liên quan và chính quyền các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh có nhiều nỗ lực trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển; nhưng thực tế còn một số khó khăn, vướng mắc cần sớm khắc phục.
Nhiều kết quả tích cực
Theo Sở TN&MT, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22.10.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đơn cử như kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương; chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT) biển và hải đảo.
Công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo còn một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được sửa đổi, bổ sung. - Trong ảnh: UBND tỉnh tổ chức diễn tập xử lý sự cố tràn dầu. Ảnh: HỒNG PHÚC
Bên cạnh đó, UBND tỉnh triển khai nhiều hoạt động về kiểm soát ô nhiễm môi trường (ÔNMT) biển và hải đảo. Công tác thống kê các nguồn thải được thực hiện thông qua Hệ cơ sở dữ liệu nguồn thải gồm khí thải, nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại đối với 370 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Nghiên cứu, điều tra, kiểm soát nguồn thải trực tiếp gây suy thoái tài nguyên, ÔNMT vùng biển tại 66 điểm xả thải thuộc 33 xã, phường, thị trấn ven sông và ven biển trên địa bàn tỉnh. Quan trắc môi trường nước biển ven bờ tại 18 vị trí và quan trắc môi trường trầm tích biển tại 7 vị trí thuộc địa bàn TP Quy Nhơn, huyện Phù Cát, Phù Mỹ, TX Hoài Nhơn với tần suất 2 lần/năm.
Ngoài ra, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ liên quan hoạt động phòng ngừa và khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển. Công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cũng được ngành chức năng liên quan và chính quyền các địa phương ven biển thực hiện tại khu vực đầm Thị Nại, Đề Gi, Trà Ổ, vùng biển ven bờ. Việc cắm mốc giới và quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển được các địa phương ven biển thực hiện theo đúng quy định.
Vẫn còn khó khăn, vướng mắc
Ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo được các sở, ngành liên quan, chính quyền các địa phương ven biển của tỉnh triển khai kịp thời, đúng quy định và đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách, pháp luật cần sớm được cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Đơn cử, hiện nay Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và chưa được ban hành. Điều này dẫn đến khó khăn trong công tác giải quyết hồ sơ đề nghị giao khu vực biển cấp tỉnh cho nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân; thiếu căn cứ để triển khai xây dựng và thực hiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; khó khăn trong việc xác định vị trí, khu vực biển cấp phép hoạt động nhận chìm chất nạo vét.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, khu vực biển sử dụng để nhận chìm chất nạo vét từ các hoạt động nạo vét luồng hàng hải và khu nước, vùng nước trước cầu cảng phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Tuy nhiên, quy hoạch này chưa được ban hành nên khu vực biển sử dụng để nhận chìm phải căn cứ vào hồ sơ môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Việc chưa quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền xác định và công bố đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm của các đảo nhỏ, xã đảo dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong triển khai công tác giao khu vực biển, cũng như thực hiện lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo. Công tác đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ÔNMT biển và hải đảo theo Thông tư số 27/2016/TT-BTNMT gặp khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai vì quy định chưa rõ ràng, cụ thể về tài liệu chứng minh.
Mặt khác, các bộ, ngành Trung ương thiếu các văn bản hướng dẫn việc xây dựng, cập nhật bản đồ nhạy cảm môi trường; điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại về môi trường; xác minh nguyên nhân tràn dầu dẫn đến hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu gặp khó khăn, vướng mắc. Công tác khắc phục sự cố tràn dầu chồng chéo giữa cơ quan tham mưu chuyên môn và cơ quan triển khai hoạt động khắc phục ngoài thực địa.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT), trước thực trạng này, thời gian tới, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực biển và hải đảo. Bên cạnh đó, tham mưu cấp thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn các nhiệm vụ liên quan của ngành TN&MT trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu; đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ÔNMT biển và hải đảo.
CÔNG LUẬN