Tăng cường quản lý niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ
Theo quy định, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải niêm yết giá đảm bảo rõ ràng; không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường tỉnh chú trọng kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ nhằm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Niêm yết giá là hình thức công khai về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ. Giá niêm yết là giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí. Theo quy định, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ niêm yết giá bảo đảm rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán. Bà Phạm Thị Thu Hiền, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp (thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh), cho biết: Việc niêm yết giá giúp đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thể hiện nét văn minh thương mại. Ngoài ra, đây là cách để góp phần hạn chế việc các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lợi dụng biến động cung - cầu để tăng giá, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra về niêm yết giá tại các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn TP Quy Nhơn. Ảnh: Cục Quản lý thị trường tỉnh
Khảo sát tại một số trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… trên địa bàn TP Quy Nhơn cho thấy, các loại hàng hóa được bày bán, sắp xếp gọn gàng; đảm bảo điều kiện bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Hầu hết hàng hóa được niêm yết giá trên từng sản phẩm, tạo cảm giác an tâm cho người tiêu dùng khi mua sắm.
Thế nhưng, việc triển khai quy định về niêm yết giá tại các chợ truyền thống, quán tạp hóa trên địa bàn tỉnh còn không ít tồn tại, hạn chế. Nhiều tiểu thương buôn bán tại các chợ truyền thống cho rằng do giá cả các loại hàng hóa thường xuyên biến động nên không thể niêm yết giá. Hơn nữa, các ki ốt diện tích nhỏ, lượng hàng hóa nhiều, thời tiết lại nắng nóng nên việc niêm yết giá trên các sản phẩm dễ bong tróc.
Đáng chú ý, có không ít cá nhân kinh doanh, buôn bán hàng hóa chấp hành các quy định về giá; bán hàng theo giá niêm yết còn mang tính hình thức, đối phó. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng khi mua hàng vẫn theo thói quen “thuận mua, vừa bán”, không chú trọng việc niêm yết giá trên hàng hóa. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa có cơ chế giám sát đối với giá trị thực của hàng hóa bán ra so với giá hàng hóa nhập vào.
Trong năm 2023, lực lượng quản lý thị trường của tỉnh đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 147 vụ vi phạm về niêm yết giá. Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính hơn 192 triệu đồng. Riêng dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lực lượng quản lý thị trường phát hiện 3 vụ vi phạm về niêm yết giá.
Ông Trần Đức Tiến, Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh, cho hay: Luật Giá năm 2023 (hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024) có một số điểm mới như ban hành kèm theo danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; bổ sung tiêu chí danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; quy định cụ thể về kê khai giá… Những điểm mới này góp phần khắc phục các tồn tại, vướng mắc trong thực hiện niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ hiện nay.
Thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục tăng cường kiểm tra; kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh có vi phạm về niêm yết giá để xử lý theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, cập nhật diễn biến tình hình thị trường trong tỉnh để tham mưu cấp trên các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá; tránh xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống KT-XH.
“Người dân nói chung, người tiêu dùng nói riêng chủ động cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có dấu hiệu vi phạm về niêm yết giá để cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Tiến nhấn mạnh.
CÔNG LUẬN