Cần chính sách đột phá về nhân lực
Bình Ðịnh đang bước vào giai đoạn phát triển mới với những bước chuyển quan trọng trên từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể. Ðội ngũ nhân lực cần được chuẩn bị chu đáo để phục vụ đắc lực cho nhu cầu phát triển.
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy cũng đã ban hành chương trình hành động riêng về nhân lực. Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Thành Hải, so với chương trình hành động về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020, các chỉ tiêu từ chương trình hành động về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 mang tính bao quát, không đi vào cụ thể, chi tiết như trước. Để thực hiện đạt từng chỉ tiêu, quan trọng nhất là phải có hệ thống giải pháp sát thực, khả thi, mang tính đột phá.
● Thưa ông, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ mang tính xuyên suốt, và ngày càng cấp thiết trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta đã xác định các lĩnh vực trọng tâm sẽ phát triển…
- Đúng vậy. Gắn với yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tập trung ưu tiên các ngành, lĩnh vực như: Nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và truyền thông, kỹ thuật công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, du lịch, phát triển đô thị, kiến trúc, quy hoạch, quản lý đô thị, các ngành kỹ thuật, thiên văn học, vật lý thiên văn...
Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực cần kíp, trước hết cần tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống trường lớp, trang thiết bị dạy và học theo hướng chuẩn hóa, tạo nền tảng cho giáo dục. Đồng thời, tích cực phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là các ngành học trọng tâm, trọng điểm.
Bên cạnh đó, cần tiến hành điều tra, đánh giá thực trạng nguồn lao động, dự báo nhu cầu lao động, từ đó dự báo cung - cầu lao động trên địa bàn để điều chỉnh hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề phù hợp. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, khuyến khích phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập, thực hiện bình đẳng trong GD&ĐT.
Đặc biệt là xây dựng cơ chế, chính sách để tạo sự liên kết giữa cơ sở đào tạo với người sử dụng lao động, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động.
● Bên cạnh đó, giữ chân nhân lực trình độ cao cũng đóng vai trò rất quan trọng. Theo ông, tới đây, chúng ta cần chú trọng khâu nào để thu hút nhân tài hiệu quả?
- Có thể thấy, thời gian qua, chính sách thu hút, giữ chân nhân lực trình độ cao đã được tỉnh quan tâm nhưng chưa thật sự đủ mạnh, chủ yếu có kết quả cụ thể trên lĩnh vực y tế.
Tôn vinh trang trọng các trí thức tiêu biểu để họ tiếp tục làm việc và cống hiến. Ảnh: HOÀNG TRỌNG
Do đó, cần thiết nhất là phải xây dựng cơ chế, chính sách mới đủ mạnh để thu hút, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó là cơ chế, chính sách đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, đa dạng hóa loại hình đào tạo; khuyến khích các đơn vị ngoài nhà nước tham gia đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Các cơ chế, chính sách mới phải thiết thực, đáp ứng nhu cầu bức thiết của người thụ hưởng, để nhân tài tập trung cho chuyên môn, không phải canh cánh nỗi lo nơi ăn chốn ở. Chẳng hạn, tạo điều kiện hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở để đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao yên tâm công tác và cống hiến. Lãnh đạo tỉnh cũng đã giao ngành chuyên môn nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết chỗ ở tạm thời cho đội ngũ chuyên gia trong thời gian các dự án xây dựng, chờ đi vào hoạt động chính thức...
Đồng bộ, nhất quán
“Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao là nhiệm vụ lâu dài không chỉ của một cơ quan, đơn vị, địa phương nào. Tất cả đều phải vào cuộc, tích cực xây dựng, thực hiện, vận dụng hiệu quả từng giải pháp tùy theo chức năng, nhiệm vụ mang tính đặc thù. Phải thật sự đồng bộ, nhất quán để mang lại kết quả bền vững. Lấy ví dụ, để có nguồn nhân lực chất lượng cho ngành Du lịch, Sở Du lịch dự báo nhu cầu nhân lực với cơ cấu cụ thể về ngành nghề, trình độ; trên cơ sở đó các cơ sở đào tạo lên kế hoạch mở ngành đào tạo; Sở GD&ÐT yêu cầu các trường học có vai trò định hướng nghề nghiệp cho học sinh...”.
Giám đốc Sở KH&ĐT NGUYỄN THÀNH HẢI
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)