Kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng tỉnh Bình Ðịnh (31.3.1975 -31.3.2017):
Ðổi thay ở vùng căn cứ cách mạng núi Bà
Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp trở lại các xã của huyện Phù Cát nằm dưới chân núi Bà, một căn cứ địa cách mạng vững chắc của quân và dân Bình Ðịnh trong kháng chiến chống Mỹ. 42 năm sau chiến tranh, các địa phương của vùng đất anh hùng này đã vượt qua gian khó, vươn lên mạnh mẽ để phát triển KT-XH, đời sống người dân ngày càng khá giả.
Huyện Phù Cát có 18 xã, thị trấn thì có đến 12 xã nằm dọc theo núi Bà, gồm: Cát Hanh, Cát Tài, Cát Minh, Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải, Cát Tiến, Cát Chánh, Cát Hưng, Cát Nhơn, Cát Tường và Cát Trinh.
Xã Cát Hanh là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng sau chiến tranh, giờ đây đang vươn lên phát triển mạnh mẽ. Ảnh: VĂN LƯU
Căn cứ địa cách mạng
Núi Bà là dãy núi gồm 66 đỉnh cao thấp khác nhau, uốn lượn đan xen gấp nếp của các mạch dãy Trường Sơn đâm ra biển Đông; nằm về phía Đông - Nam huyện Phù Cát, có tổng diện tích khoảng 40km2. Với địa hình hiểm trở nên ngay trong kháng chiến chống Pháp, hầu hết các cơ sở cách mạng của tỉnh đóng ở núi Bà. Suốt kháng chiến chống Mỹ, căn cứ Núi Bà ngày càng được củng cố vững chắc, trở thành chỗ dựa cho lực lượng cách mạng của tỉnh, cũng như các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát và Quy Nhơn.
Theo cụ Nguyễn Bá Phương (85 tuổi, ở thôn Hòa Hiệp, xã Cát Tài), từng tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1960 đến ngày giải phóng, tháng 9.1966, địch huy động một lực lượng lớn gồm sư đoàn “Mãnh hổ”, một bộ phận sư đoàn Bạch Mã (Nam Triều Tiên), 1 lữ đoàn không vận Mỹ và 2 trung đoàn của Sư đoàn 22 ngụy mở cuộc càn quét vào khu vực núi Bà nhằm tiêu diệt căn cứ này. Trước khi tiến công vào căn cứ núi Bà, địch rải quân càn vào các khu vực xung quanh, từ Mỹ Chánh, Mỹ Tài (Phù Mỹ), Cát Tài, Cát Minh, Cát Khánh (Phù Cát), đến Phước Hiệp, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Quang (Tuy Phước)... một cách khốc liệt, mục đích dồn cán bộ, du kích các vùng trên vào khu vực núi Bà để tiêu diệt. Sau đó, chúng dùng trực thăng thả dây thép gai xung quanh núi, kết hợp với bao vây bằng bộ binh, cơ giới từ bốn phía. Dù ta bị thiệt hại nặng sau các trận càn quét của địch nhưng các căn cứ cách mạng ở núi Bà vẫn không thể nào bị tiêu diệt. Và những địa danh trên núi Bà như Khu 10, Trạm xá Khu Đông, đồi Búp Sen, Vĩnh Hội, Hố Nhảy, hang Động Rừng, Sơn Rái... là những nơi ghi dấu ấn không bao giờ quên trong kháng chiến chống Mỹ.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng (64 tuổi, ở thôn Mỹ Long, xã Cát Hưng), tham gia du kích xã từ năm 1973-1975, khẳng định: “Chính từ các căn cứ dọc núi Bà mà lực lượng cách mạng được tập hợp ngày càng lớn mạnh, tổ chức các đợt tiến công tiêu diệt địch giải phóng các xã, huyện Phù Cát và các huyện lân cận, góp phần giải phóng Bình Định vào ngày 31.3.1975”.
Khu di tích Chiến thắng Núi Bà (xã Cát Tiến), nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: VĂN LƯU
Vươn lên từ gian khó
Sau chiến tranh, các xã nằm dọc núi Bà bị thiệt hại nặng nề, làng xóm xơ xác, ruộng đồng hoang hóa do chịu nhiều bom, đạn, chất hóa học của Mỹ dội xuống. Không cam chịu cảnh đói nghèo, người dân nơi đây tìm cách vượt qua khó khăn, bắt tay vào tái thiết quê hương, thi đua lao động sản xuất, từng bước thoát nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Ông Phạm Sỹ Nhơn (62 tuổi, ở thôn Hội Lộc, xã Cát Hưng) làm Bí thư chi đoàn liên thôn từ năm 1976 và làm Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hưng từ năm 1984 đến 2015, nhớ lại: Sau chiến tranh, người dân đi tản cư các nơi khác kéo về dựng lại nhà cửa, khai hoang, sản xuất. Nhưng vì lúc đó chưa có hồ thủy lợi nên làm vụ nào mất vụ đó, nhiều hộ dân thiếu đói, phải bỏ lên các tỉnh Tây Nguyên sinh sống. Đến năm 1990, huyện, tỉnh cho xây dựng hồ chứa nước Mỹ Thuận trên địa bàn xã, với dung tích 3,6 triệu m3. Thời đó, việc xây hồ chỉ bằng sức người là chính, với sự tham gia của khoảng 3.000 người dân trong xã và các xã khác. Trong vòng 2 năm, hồ chứa nước Mỹ Thuận hoàn thành, giải quyết nước tưới cho 370 ha đất nông nghiệp của xã và một số diện tích của các xã Cát Tiến, Cát Thắng. Nhờ có nguồn nước tưới, việc trồng lúa và các cây trồng cạn thuận lợi, đời sống của người dân dần dần ổn định và ngày càng phát triển.
Dẫn chúng tôi đi dọc núi Bà, chỉ tay về phía rừng keo lai bạt ngàn, ông Trần Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hưng, phấn khởi: “Năm 2006, xã giao khoán cho các hộ dân tổng cộng 226 ha rừng trồng theo dự án WB3, nhờ đó dọc dãy núi Bà đã được phủ xanh, người trồng rừng có thu nhập từ 50 - 200 triệu đồng/hộ/chu kỳ khai thác. Đời sống người dân đã khá hơn. Hiện xã đã đạt được 13/19 tiêu chí nông thôn mới, đang phấu đấu trong năm 2018 sẽ đạt chuẩn nông thôn mới”.
Còn ông Võ Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Cát Hanh, thì không giấu được niềm vui lẫn tự hào: Sau chiến tranh, xã đã vươn lên mạnh mẽ để phát triển KT-XH, đến năm 2016 tốc độ tăng trưởng đạt 12,6%, tỉ trọng nông nghiệp chiếm 30,5%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ chiếm 69,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 35 triệu đồng/người/năm. Trong năm 2016, xã đã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Huỳnh Huyện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Cát, khẳng định: “Từ ngày giải phóng đến nay, Đảng bộ và nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phù Cát nói chung và các xã nằm dọc núi Bà nói riêng đã đoàn kết, tự lực, tự cường. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương đã phát huy mọi tiềm năng thế mạnh của mình để tập trung phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và chăm lo tốt đời sống nhân dân, góp phần xây dựng quê hương Phù Cát ngày càng giàu đẹp”.
NGUYỄN PHÚC
Trong bài này có đoạn viết:"Núi Bà là dãy núi gồm 66 đỉnh cao thấp khác nhau, uốn lượn đan xen gấp nếp của các mạch dãy Trường Sơn đâm ra biển Đông; nằm về phía Đông - Nam huyện Phù Cát,"... dãy Trường Sơn của huyện Phù Cát không nằm ở phía Đông Nam huyện, mà nằm ở phía Đông Bắc của Trung tâm huyện.