Chuyện về những người giữ rừng nguyên sinh
Để những cánh rừng nguyên sinh của vùng cao An Toàn (huyện An Lão) luôn tươi xanh bạt ngàn, không thể không nhắc đến sự đóng góp của lực lượng quản lý rừng đặc dụng An Toàn - những người miệt mài với các cuộc tuần tra, giữ rừng nơi đây.
Cán bộ, nhân viên Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn tuần tra bảo vệ rừng nguyên sinh.
Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn (thuộc Sở NN&PTNT) quản lý hơn 26.000 ha rừng nguyên sinh tại xã vùng cao An Toàn nằm ở độ cao hơn 1.200 m so với mặt nước biển. Bên cạnh việc phối hợp tăng cường tuần tra bảo vệ rừng giáp ranh với huyện Hoài Ân, Vĩnh Thạnh và tỉnh Gia Lai, Quảng Ngãi, đơn vị lập 6 chốt trạm, gồm: 3 trạm xã An Toàn; 2 trạm tại xã Đắk Mang, Bok Tới (huyện Hoài Ân); 1 trạm xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) và phân công từ 3 - 5 cán bộ trực mỗi trạm để chốt chặn kiểm soát lâm sản.
Năm 2017, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng An Toàn (trực thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn) để thực hiện chức năng bảo vệ và phát triển rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn. Ông Nguyễn Thanh Điều, cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng An Toàn, cho hay: “Trước đây, tình hình xâm hại rừng đặc dụng diễn biến rất phức tạp, đặc biệt tại các vùng rừng giáp ranh. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, cùng với hàng tháng đơn vị tổ chức 2-3 đợt tuần tra bảo vệ rừng nên tình trạng xâm hại rừng vùng giáp ranh được hạn chế”.
Rừng đặc dụng An Toàn là khu rừng nguyên sinh hiếm hoi còn lại, ở sát ngay khu dân cư của đồng bào dân tộc thiểu số. Theo chân các cán bộ, nhân viên của đơn vị vào rừng tuần tra, dù đứng giữa những tán cây rừng cổ thụ, cùng tiếng suối chảy róc rách xen lẫn tiếng muông thú kêu vang, chúng tôi vẫn nghe được tiếng phương tiện đang lưu thông, tiếng người gọi nhau í ới dưới chân núi.
Chỉ tay về phía những cánh rừng xa tít tắp trên các đỉnh đồi, anh Huỳnh Văn Quốc, cán bộ Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, tâm sự: “Mỗi đợt tuần tra anh em phải ăn ở trong rừng khoảng 10 ngày mới về, đường đi thì đèo dốc hiểm trở, chúng tôi thường nhắc nhở nhau phải cẩn thận đề phòng cây ngã đổ, rắn cắn… Như năm 2014, trong một lần tuần tra gặp trời mưa lớn, tôi trượt chân ngã xuống suối và bị nước cuốn trôi, may nhờ anh em kịp thời ứng cứu. Vất vả, khó khăn là vậy, nhưng nhìn những cánh rừng ngày càng thêm xanh là chúng tôi thấy rất vui!”.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, đơn vị đã giao khoán 7.500 ha rừng cho 210 hộ dân của xã An Toàn với mức khoán bảo vệ rừng gần 400 nghìn đồng/ha/hộ/năm. Nhờ đó, người dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở đây gắn bó với rừng, chung tay bảo vệ “lá phổi xanh” cho cả dân làng.
Ông Đinh Văn Kem, ở thôn 1, xã An Toàn, bộc bạch: “Cả khu rừng nguyên sinh nơi đây là căn cứ địa cách mạng trong thời kỳ kháng chiến. Người dân giữ rừng lại được giao nhận khoán bảo vệ rừng vừa có thêm thu nhập, vừa được khai thác các sản vật dưới tán rừng, như: mật ong, nấm, trái sim, mây rừng… nên rất tích cực. Chung tay giữ rừng cũng là giữ nguồn sống của bà con”.
Năm 2013, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn đến năm 2020, với mục tiêu bảo vệ các mẫu rừng với tính đa dạng sinh học cao, các loài động thực vật có nguồn gen đặc hữu, quý hiếm; bảo vệ và phục hồi môi trường, cân bằng sinh thái, tăng độ che phủ rừng; cải thiện và nâng cao đời sống người dân.
Ông Nguyễn Hùng Nam - Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, cho biết: Từ năm 2016 đến nay, diện tích rừng của đơn vị quản lý không xảy ra cháy rừng; nhiều loại cây gỗ quý hiếm hàng trăm năm tuổi, như: Trắc, hương, lim… cùng nhiều loại động vật nằm trong sách Đỏ, như: Cầy hương, gấu ngựa, voọc chà vá chân xám, vượn má vàng… được bảo vệ và phát triển tại Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn, độ che phủ rừng đạt 95,74%. Trong tương lai, An Toàn sẽ được đầu tư phát triển du lịch, hy vọng rằng đời sống đồng bào sẽ phát triển và ổn định hơn nhờ tiềm năng của rừng được đánh thức.
NGỌC NHUẬN