IOC kết nối chính quyền với người dân, doanh nghiệp
Sau 9 tháng đi vào hoạt động, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Bình Định (IOC) đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, hướng đến xây dựng một chính quyền điện tử phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Đến nay, IOC đã triển khai 8 dịch vụ, gồm Phản ánh hiện trường; Giám sát, điều hành giao thông; An ninh trật tự đô thị; Giám sát thông tin trên môi trường mạng; Giám sát an toàn thông tin; Bảng điều khiển tổng hợp giám sát, điều hành; Hệ thống giám sát dịch vụ công; Hệ thống thông tin KT-XH.
Có thể nói, dịch vụ đô thị thông minh đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
KÊNH THÔNG TIN KẾT NỐI
Hiện nay, IOC vận hành theo nguyên tắc hạ tầng dùng chung và cơ sở dữ liệu tập trung. Các hệ thống cảm biến cùng 74 bộ camera giám sát tầm cao, trung, thấp… lắp đặt ở các vị trí trọng điểm, trên các tuyến đường chính thu thập thông tin, truyền dữ liệu về IOC, xử lý thành những dữ liệu lớn để phân tích, nhận diện chính xác các vấn đề của đô thị.
Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT, cho biết: Đến thời điểm hiện tại, dịch vụ phản ánh hiện trường là mô hình mẫu về chuyển đổi số, thông qua môi trường mạng, sử dụng các phương tiện di động, ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số. Mọi thao tác phản ánh của người dân và xử lý của cơ quan Nhà nước đều được thực hiện trên môi trường mạng. Thông qua ứng dụng Bình Định SmartCity, người dân có thể phản ánh các thông tin, ý kiến về cho chính quyền một cách nhanh nhất và các cơ quan chức năng có trách nhiệm trả lời các ý kiến của người dân sớm nhất.
Giám đốc Sở TT&TT Trần Kim Kha giới thiệu về IOC. Ảnh: T.L
Để nâng cao hiệu quả, chất lượng trong xử lý các nội dung phản ánh hiện trường, Sở TT&TT đã tạo tài khoản cho 44 đơn vị (cấp tỉnh đến địa phương) thuộc lĩnh vực tiếp nhận phản ánh của người dân. Việc này đã hỗ trợ kịp thời cho cơ quan, chính quyền địa phương trong việc nắm bắt, xử lý các nội dung được công dân phản ánh. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 10 phản ánh của người dân được tiếp nhận xử lý, trong đó có 4 phản ánh đủ điều kiện xử lý theo quy định, đã công khai kết quả trên trang smartcity.binhdinh.gov.vn.
“Tôi thấy dịch vụ phản ánh qua hiện trường khá tiện ích, phục vụ lợi ích thiết thực cho người dân, DN trên địa bàn tỉnh. Với những tồn tại về hạ tầng giao thông, cáp viễn thông…, người dân đều có thể dễ dàng phản ánh đến IOC. Từ đây, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ sớm có biện pháp khắc phục”, anh Nguyễn Văn Dũng, một người dân ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn, chia sẻ.
Giám sát và điều hành giao thông cũng là dịch vụ hữu ích của IOC, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân trong và ngoài tỉnh. Theo thống kê, đầu năm 2022 đến nay, Phòng CSGT, CA tỉnh đã tiếp nhận 945 thông tin, hình ảnh vi phạm ATGT từ IOC. Trong đó, có 662 trường hợp đủ điều kiện để xử lý vi phạm. Đến nay, Phòng CSGT đã lập biên bản ra quyết định xử phạt hành chính đối với 90 trường hợp/400 triệu đồng.
PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH ĐÔ THỊ THÔNG MINH TIÊN TIẾN
Theo ông Trần Kim Kha, nhiệm vụ quan trọng nữa của IOC là giám sát biến động các chỉ tiêu KT-XH, xu hướng tăng, giảm, biến động của các chỉ tiêu này, nhằm tham mưu, cung cấp dữ kiện cho lãnh đạo tỉnh. Từ đó, lãnh đạo kịp thời đưa ra các quyết định, chính sách. Hoặc, từ kết quả giám sát, điều hành dịch vụ hành chính công cũng giúp lãnh đạo nắm sát diễn biến giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính và mức độ hài lòng của người dân để sớm có phương án chỉ đạo, giải quyết kịp thời.
Bước đầu, IOC đã tạo ra kênh thông tin kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước, chính quyền và người dân, DN, tổ chức nhằm phục vụ, lắng nghe phản hồi của người dân để xử lý, điều chỉnh kịp thời, đáp ứng nhu cầu của người dân, xã hội.
Từ nay đến cuối năm 2022, IOC tiếp tục được xây dựng và mở rộng hệ thống giám sát các tiện ích. Cụ thể, Sở TT&TT phối hợp với Công ty CP FPT lắp đặt mới 23 vị trí/39 camera quan sát, xử lý vi phạm và đo đếm lưu lượng, kiểm soát phương tiện ra vào tại các nút giao thông qua TP Quy Nhơn, TX Hoài Nhơn, các huyện Vân Canh, Tây Sơn. Đồng thời, từng bước hoàn thiện hệ thống giám sát và quản lý an ninh trật tự đô thị và hệ thống quản lý, điều hành mạng lưới giao thông công cộng trên địa bàn toàn tỉnh. Triển khai giám sát an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp; xây dựng kho dữ liệu số để phục vụ việc lưu trữ dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích, cảnh báo và hỗ trợ ra quyết định nhằm phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh. Tích hợp giám sát toàn diện các lĩnh vực y tế, giáo dục, nguồn lực vào IOC nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Bình Định trở thành đô thị thông minh tiên tiến, kiểu mẫu vào năm 2025.
IOC đã được xây dựng lắp đặt 74 camera giám sát, gồm: 2 camera tầm xa đặt tại tòa nhà TMS Quy Nhơn; 9 camera tầm trung tại trung tâm ngã năm Bến xe, ngã năm Đống Đa, ngã ba Phú Tài, ngã sáu Nguyễn Tất Thành và Quảng trường Nguyễn Tất Thành; 6 camera tại các vị trí trọng điểm, như: Trước Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Tiếp công dân tỉnh, Đài PT-TH Bình Định, vòng xuyến Mũi Tấn đường Xuân Diệu, ngã năm Lê Lợi - Trần Cao Vân - Nguyễn Huệ; 39 camera tại các ngã tư và ngã năm: Lê Hồng Phong - Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Tất Thành - Trần Thị Kỷ, Võ Liệu - Tây Sơn, Hoàng Văn Thụ - Tây Sơn…; 4 camera giám sát lũ lụt đặt ở các vị trí, gồm: Khu dân cư tổ 3 và 23, khu phố 3, phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn); trụ đèn tỉnh lộ 640 (ngã tư thôn Lương Bình, xã Phước Thắng đi xã Cát Chánh, huyện Phù Cát) và đập Bà Ưa, thôn Kim Đông, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước.
TRỌNG LỢI