“Pháo đài” cơm nhà
1. Lòng nao nao nhớ nhà khi một lần lướt facebook, đọc mẩu chuyện của cô giáo đại học chia sẻ về mâm cơm gia đình. Status của cô viết: Cả nhà cùng cơm tối thôi. Hôm nay các anh, chị, em tôi ăn gì nào?! Kèm theo là hình ảnh bàn ăn gia đình mình và cô “tab” (gắn thẻ) 4 anh chị em ruột vào. Trùng hợp thú vị là cả 4 đều trả lời ngay sau đó bằng bức ảnh về mâm cơm gia đình mình. Rồi họ an ủi nhau: Thời Covid-19, đoàn viên, ăn cơm chung từ xa vậy.
Lời họ động viên nhau làm tôi nhớ đến câu chuyện báo chí gần đây đưa những hình ảnh xúc động về một cô gái Trung Quốc ăn cơm “cùng” gia đình qua khung cửa kính phòng cách ly, để đảm bảo an toàn hơn ngay khi cô không có triệu chứng mắc Covid-19 sau thời gian cách ly. Và tôi hình dung, ngay thành phố mình sống, bữa cơm đoàn tụ đầu tiên của gia đình một nữ du học sinh sau khi chính quyền địa phương trao quyết định kết thúc áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà chắc hẳn là bữa cơm vỡ òa thương nhớ.
2. Tối qua, chị tôi ở Sài Gòn nhắn qua zalo nhóm 4 chị em ruột: Ngoài mình bình yên lắm phải không, thật mừng, trong này “căng” quá, thèm về nhà...
Chị tôi - rắn rỏi và nội tâm, kiệm lời; lo lắng hay nhớ nhung đều để trong lòng. Nay, đến mức thốt ra “thèm về nhà” là biết chị đang ở ngưỡng chịu đựng. Ngay sau tin nhắn của chị, mềm lòng tôi nhanh nhảu: Hay cả nhà chị cùng về nghỉ ngơi một thời gian, ngại bay thì thuê xe riêng. Chị lập tức tỉnh táo: Không được. Không nghe à - “không gặp nhau cũng là góp phần lớn chống dịch”. Là chị đang làm theo khuyến cáo về tăng cường phòng, chống dịch bằng việc hạn chế tiếp xúc, di chuyển, nhất là từ vùng đã có dịch, nhiều nguy cơ hơn. Trách nhiệm công dân của mỗi người dân trong thời điểm cả đất nước căng mình chống dịch trong đó có việc gác lại tình cảm cá nhân, vì lợi ích chung.
Sau cú phát tín hiệu nhớ nhà của chị, mỗi ngày sau khi xong việc công, chúng tôi năng liên lạc hơn. Trùng hợp là cả 4 hay gửi cho nhau ảnh những bữa cơm nhà. Trong đó, cơm nhà mỗi đứa, không chỉ là những món mà các thành viên mỗi gia đình nhỏ thích, còn có món một vài thành viên đại gia đình thích. Chị Hai nhắn: Hôm nay chị nấu món bà ngoại thích nè! Tức thời zalo báo tin nhắn mới - là anh Tư: Lần đầu cho tụi nhỏ thưởng thức mắm thu chưng gu ông nội... Rồi 4 mâm cơm 4 nhà đều được chuyển tiếp đến một “địa chỉ gốc” - zalo ba má. Cứ thế, bên gia đình nhỏ, trong cách trở tạm thời vì đại dịch, chị em chúng tôi còn nhớ nghĩ về gia đình lớn qua bữa cơm đoàn viên tưởng tượng, bằng cách tự tay nấu, ăn thay những món ăn ưa thích của nhau.
3. Suốt thời gian qua trong đại dịch Covid-19, biết bao bà nội trợ lại càng tăng cường bảo vệ sức khỏe cho gia đình bằng nhiều cách, trong đó có “pháo đài” cơm nhà, vừa bồi bổ sức khỏe, thiết thực phòng dịch bệnh và vừa vun đắp tình cảm. Covid-19 ngăn mọi người đến những nơi hội hè, quán sá đông vui, đồng thời như thúc giục bước chân mỗi người trở về mái ấm gia đình nhỏ hưng phấn hơn. Và ngay cả khi không thể đoàn viên thực sự, tình thân vẫn được kết nối. Lẽ thường là vậy, với Covid-19 hiện tại hay trước một giai đoạn khó khăn nào, tình cảm gia đình tốt đẹp luôn trỗi dậy mạnh mẽ. Đó cũng chính là “pháo đài” vững chắc của mỗi người trước giông bão cuộc đời.
TƯỜNG MINH