KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27.7.1947 - 27.7.2022)
Lặng thầm mạch “Uống nước nhớ nguồn”
Âm thầm cống hiến sức mình, gắn bó với công tác chăm sóc người có công, nhiều chị em miệt mài hằng ngày lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các cụ, thể hiện ý thức trách nhiệm của thế hệ sau với những người đi trước, vừa bầu bạn, xoa dịu phần nào nỗi cô đơn tuổi già.
Gia đình là mạch nguồn
5 giờ hằng ngày, chị Đặng Thị Mỹ Vương, điều dưỡng của Trung tâm Chăm sóc và điều dưỡng người có công (NCC) tỉnh, lại bắt đầu ngày làm việc mới. Cẩn thận đo huyết áp cho cụ Nguyễn Thị Sang (SN 1926), chị tranh thủ trò chuyện, lắng nghe những lời ê a quen thuộc hằng ngày của cụ. Hỏi ra mới biết, cụ Sang tuổi đã cao nên ít nhiều “lú lẫn”, có khi còn gói ghém đồ đạc rồi đi loanh quanh khắp nơi. Cụ luôn miệng lặp đi lặp lại câu quen thuộc: “Đánh Mỹ, đánh Pháp, giặc cứ đến là đánh” mà không cần biết người đối diện đang nói về vấn đề gì.
Chị Đặng Thị Mỹ Vương, điều dưỡng của Trung tâm Chăm sóc và điều dưỡng người có công tỉnh, ân cần chăm sóc cụ Nguyễn Thị Sang (SN 1926) bằng sự kính trọng và tình yêu thương. Ảnh: D.L
“Tôi chăm sóc cụ gần 5 năm nay, đã quen với thói quen ấy nên không hề thấy khó chịu mà thương cụ nhiều hơn. Thời trẻ, cụ đã cống hiến cho đất nước, khi về già lại cô đơn. Thế nên, tôi mong sự kề cận, quan tâm của mình sẽ giúp cụ phần nào khuây khỏa, có cảm giác đang ở gần con cháu”, chị Vương tâm sự.
Cũng theo lời chị, gia đình là nguyên nhân giúp chị thấu hiểu và gắn bó với công tác chăm sóc NCC. Bố mẹ ruột đều là liệt sĩ, bố mẹ chồng là thương binh nên từ rất sớm, chị đã mong muốn được gần gũi, chăm sóc các cụ lớn tuổi. Không nề hà khó khăn, thậm chí làm gấp đôi công việc từ điều dưỡng đến nuôi dưỡng, chị vẫn tươi cười với suy nghĩ “coi ông bà như người thân trong nhà”.
Cũng giống chị Vương, chị Lê Ái Phượng, Trưởng Phòng Chăm sóc và điều dưỡng, Trung tâm Chăm sóc và điều dưỡng NCC tỉnh, đã có 17 năm gắn bó với nghề với nhiều vị trí khác nhau: Từ phục vụ trực tiếp đến gián tiếp, rồi làm công tác quản lý. Vào nghề khi mới ngoài 20 tuổi, chị Phượng đã “dành dụm” cho mình nhiều kinh nghiệm. Xuất thân là con thương binh, chị Phượng hiểu những khó khăn và nỗi niềm của những cụ ông, cụ bà mang trong mình nhiều tâm sự, có khi còn là nỗi mất mát cả về thể chất lẫn tinh thần. Do đó, dù gặp nhiều khó khăn như khác biệt thế hệ, lối sống, cách nói chuyện…, chị Phượng vẫn từng bước vượt qua và được các cụ trong Trung tâm coi như con cháu.
Chị chia sẻ: “Gia đình là nơi làm nảy mầm trong tôi tình yêu, sự kính trọng với bậc cha ông đi trước, truyền thêm động lực để tôi gắn bó với công việc này. Nếu không có tình yêu đó, có lẽ, tôi đã không thể tiếp tục “mối duyên” với các cụ trong khoảng thời gian dài đến vậy”.
Thấu hiểu, gắn bó
Với đặc tính chu đáo, tỉ mỉ đặc trưng của nữ giới, chị em có nhiều thuận lợi trong việc tìm hiểu và hỗ trợ NCC, nhất là ở tuyến cơ sở. Tại huyện Tuy Phước, người dân không còn xa lạ với hình ảnh chị Nguyễn Thị Thanh Trúc, chuyên viên Phòng LĐ-TB&XH ghé thăm nhà của các mẹ Việt Nam Anh hùng và thương, bệnh binh. Ngoài trò chuyện, lắng nghe các cụ kể về những kỷ niệm thời “mưa bom khói đạn”, chị còn trở thành cầu nối, đưa những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đến gần với nhà hảo tâm, giúp chăm lo chu đáo cho các mẹ cả vật chất lẫn tinh thần. Nhờ đó, cả 4 mẹ trên địa bàn ngoài việc được hưởng đầy đủ chính sách, còn được nhà hảo tâm nhận phụng dưỡng suốt đời.
“Hơn 10 năm gắn bó, thường xuyên tiếp xúc với NCC, tôi có cơ hội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giúp họ hoàn thiện thủ tục, giấy tờ pháp lý cần thiết. “Quả ngọt” nhận lại làm tôi hạnh phúc khôn xiết: Đó là những cái ôm, nụ cười chào đón của các bà, các mẹ mỗi khi tôi ghé thăm. Thời gian càng trôi qua, tình cảm ấy càng lớn và bền chặt, thúc giục tôi phải năng nổ hơn nữa để không chỉ mẹ Việt Nam Anh hùng mà cả 17 thương, bệnh binh nặng trên 81% cũng sẽ được các cá nhân, đơn vị hỗ trợ, phụng dưỡng”, chị Trúc tâm sự.
Về phía NCC, việc được quan tâm, chăm sóc bởi thế hệ sau đã làm họ ấm lòng thêm. Trông thấy chị Vương tất bật từ phòng này sang phòng khác, hết kiểm tra huyết áp cho các cụ trong trung tâm đến “xắn tay” nêm nếm bữa trưa, cô Nguyễn Thị Tuyết Ngọc (78 tuổi, ở Trung tâm Chăm sóc và điều dưỡng NCC tỉnh) không nén được nụ cười trìu mến. Với cô, chị Vương như cô con gái nhỏ hiếu thảo với mẹ mình.
“Chăm nom người lớn tuổi khó lắm! Bởi tuổi cao nên tâm tính thay đổi, nhiều khi vì khó chịu trong người mà bẳn hẳn, không buồn nói cười. Đó là chưa kể, với trường hợp bị tai biến thì chăm sóc càng vất vả hơn. Thế nhưng, chưa khi nào tôi thấy Vương cáu gắt, bực dọc mà luôn ân cần hỏi han. Nhờ vậy, ngay cả người khó tính nhất cũng bị Vương chinh phục”, cô Ngọc trải lòng.
DƯƠNG LINH