Đổi thay vùng bãi ngang
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung sức của người dân, đến nay, 13/18 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, bãi ngang, ven biển trong tỉnh đã đạt chuẩn xã nông thôn mới và có xã lên thị trấn.
Diện mạo khởi sắc
Tháng 7.2021, xã Cát Hải (huyện Phù Cát) nhận Quyết định công nhận về đích nông thôn mới. Để vực dậy một xã nghèo, điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, nằm ở vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng về giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa, đồng thời triển khai những giải pháp phù hợp thực tế để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống tinh thần người dân.
Đến xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), xe chạy bon bon trên những con đường nhựa, đường bê tông liên thôn, liên xóm. Trên địa bàn xã có một số công trình mở rộng làn đường, làm trục đường lớn ở trung tâm xã cùng hai cây cầu rất to. Chủ tịch UBND xã Đinh Thành Tiến cho biết, cây cầu Đề Gi - Mỹ Thành dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay, sẽ nối thông xã Cát Khánh với xã Mỹ Thành của huyện Phù Mỹ, tạo thêm thuận lợi cho việc thông thương, phát triển kinh tế trong tương lai. “Cát Khánh đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới vào năm 2019 và đang nỗ lực đáp ứng đủ các điều kiện của một đô thị loại V vào cuối năm 2021 này”, ông Tiến cho hay.
Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn huyện Phù Mỹ có 7 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển được Chính phủ hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Tổng số công trình được đầu tư là 180 hạng mục gồm: Đường giao thông nông thôn, bến cá, công trình thủy lợi, công trình văn hóa với tổng kinh phí trên 175 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, các cơ sở hạ tầng đã góp phần đáng kể thay đổi bộ mặt nông thôn các xã, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Trong những năm qua, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh được Nhà nước hỗ trợ đầu tư nên đã từng bước thoát khỏi tình trạng nghèo, khó khăn. - Trong ảnh: Một góc xã bãi ngang xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ). Ảnh: NGỌC TUẤN
Ông Nguyễn Ngọc Lên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lợi (huyện Phù Mỹ) cho biết, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, hệ thống giao thông kết nối tất cả các thôn cùng với hệ thống thủy lợi gồm trạm bơm, đập dâng, kênh mương… đã thay đổi đáng kể diện mạo của xã, tạo ra rất nhiều thuận lợi cho việc phát triển sản xuất. Theo thống kê, trong số 7 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang, ven biển, đã có 3 xã thoát nghèo, đạt chuẩn nông thôn mới và dự kiến cuối năm 2021, hai xã Mỹ Thành và Mỹ An sẽ tiếp tục “cán đích” nông thôn mới.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Xuyên suốt quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn thị xã, TX Hoài Nhơn luôn chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm nghèo của người dân, cộng đồng và đề cao tính thiết thực của phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. UBND thị xã chỉ đạo đưa các mục tiêu giảm nghèo vào các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương, thực hiện lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài các giải pháp như hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, UBND thị xã đã tập trung triển khai các chính sách giảm nghèo như: Tín dụng ưu đãi, hỗ trợ mua thẻ BHYT, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ tiền điện...
Ghi nhận tại các xã khó khăn về đích nông thôn mới, dù chưa toàn diện nhưng phần lớn người dân đã không còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước mà tự tìm kiếm cơ hội, mạnh dạn vay vốn, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo. Năm 2020, huyện Phù Cát đã triển khai 5 mô hình giảm nghèo, trong đó có 3 mô hình tại các xã bãi ngang với tổng kinh phí thực hiện hơn 2 tỷ đồng, có 90 hộ nghèo, 29 hộ cận nghèo tham gia. Kết quả thống kê số hộ thoát nghèo sau khi kiểm tra các mô hình là 25 - 30%.
Tại Hội nghị tổng kết việc thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh và đề xuất chính sách, giải pháp thực hiện chương trình này giai đoạn 2021 - 2025, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, để các mục tiêu giai đoạn tới đạt được, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của toàn xã hội. Phó Chủ tịch tỉnh đề nghị, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, hội, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về công tác xóa đói giảm nghèo, để người dân luôn trăn trở, nung nấu ý chí thoát nghèo, có cuộc sống ổn định và làm giàu.
NGỌC NGA