Hỗ trợ nhiều mặt để nâng cao chất lượng giáo dục
Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIII đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng liên quan đến các vấn đề xã hội. Báo Bình Định trân trọng giới thiệu 2 nghị quyết liên quan đến trường chuyên và cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp.
1. Nghị quyết Quy định chính sách khuyến khích đối với học sinh, giáo viên, viên chức quản lý các trường THPT chuyên thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 20.12.2022, áp dụng cho hai trường chuyên của tỉnh là THPT chuyên Lê Quý Đôn và THPT chuyên Chu Văn An, cùng đội ngũ viên chức quản lý, giáo viên, học sinh của hai trường, cán bộ khoa học, giảng viên có trình độ cao và giáo viên dạy giỏi ở ngoài trường được các trường mời về tham gia giảng dạy các lớp chuyên trong năm học.
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn triển khai hệ thống chấm điểm tự động và tổ chức kiểm tra trực tuyến môn Tin học. Ảnh: MAI HOÀNG
Nghị quyết quy định cụ thể nội dung chi và mức chi dành cho các đối tượng được áp dụng. Theo đó, học sinh lớp chuyên ở nội trú được hỗ trợ điện và nước sinh hoạt theo mức hỗ trợ tối đa 25 kWh điện/ học sinh/tháng và 4 m3 nước/ học sinh/tháng. Thời gian hỗ trợ không quá 10 tháng trong năm học.
Học sinh giỏi được xét nhận học bổng khuyến khích học tập có hai diện. Một là diện học sinh có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi trở lên và có điểm môn chuyên của học kỳ xét cấp học bổng từ 8,5 trở lên, được xét nhận mức học bổng bằng 3 lần mức thu học phí/tháng của nhà trường. Hai là những em trong đội tuyển tham gia thi học sinh giỏi cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế, nhận học bổng bằng 5 lần mức thu học phí/tháng của nhà trường. Thời điểm xét cấp học bổng vào cuối học kỳ hoặc cuối năm học. Học sinh chỉ được hưởng 1 mức học bổng cao nhất trong một năm học.
Đội tuyển học sinh giỏi Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đạt thành tích cao tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi các trường THPT chuyên khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc bộ lần thứ XIII (năm 2022). Ảnh: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn
Viên chức quản lý và giáo viên trường chuyên trực tiếp bồi dưỡng học sinh giỏi sẽ được thanh toán không quá 150 tiết/ môn học/lớp. Mức thanh toán áp dụng theo chế độ trả lương dạy thêm giờ quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/ TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8.3.2013 của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính.
Cán bộ khoa học, giảng viên có trình độ cao hoặc giáo viên dạy giỏi được hiệu trưởng trường chuyên mời tham gia giảng dạy sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của Giám đốc Sở GD&ĐT (không phải là viên chức quản lý, giáo viên của nhà trường) thì sẽ được chi trả mức thù lao giảng dạy là 2 triệu đồng/người/ngày (8 tiết/ngày) và được thanh toán chi phí đi lại, ăn, ở theo chế độ công tác phí hiện hành.
Nghị quyết quy định nguồn kinh phí thực hiện chính sách khuyến khích đối với học sinh, giáo viên, viên chức quản lý các trường THPT chuyên thuộc Sở GD&ĐT do ngân sách nhà nước đảm bảo và được bố trí trong dự toán hằng năm cho Sở GD&ĐT. Khi các văn bản quy định về chế độ, định mức chi dẫn chiếu để áp dụng tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì sẽ áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
* Phó trưởng Phòng Tổ chức - Cán bộ (Sở GD&ĐT) TRỊNH HOÀNG NHA:
Tạo nguồn động lực cho giáo viên, học sinh
Chính sách khuyến khích đối với học sinh, giáo viên, viên chức quản lý các trường THPT chuyên trực thuộc Sở GD&ĐT trước đây áp dụng theo Quyết định 39/2015/ QĐ-UBND của UBND tỉnh. Những năm gần đây, cơ quan Kiểm toán yêu cầu việc thực hiện chính sách phải thông qua nghị quyết HĐND tỉnh. Sở GD&ĐT đã họp với hai trường chuyên của tỉnh cùng tất cả bộ phận liên quan của Sở để phân tích các công việc đã làm trước đây, rồi làm tờ trình đề xuất các mức khuyến khích, gửi Sở Tài chính, Sở Tư pháp để làm căn cứ xây dựng chế độ ưu đãi dành cho loại hình trường THPT đặc biệt này; UBND trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua. Các chính sách đã được các bên liên quan bàn bạc kỹ lưỡng, tham chiếu mọi quy định hiện hành nhằm tạo nguồn động lực hỗ trợ giáo viên cũng như học sinh để đảm bảo chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh.
Toàn bộ quy định về chính sách khuyến khích đối với học sinh, giáo viên, viên chức quản lý các trường THPT chuyên được HĐND tỉnh thông qua lần này đều lấy ở mức cao nhất và đảm bảo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính. Đáng chú ý, có chính sách ưu đãi dành cho giáo viên trường chuyên phải cắt bỏ vì lâu nay thực hiện trùng lắp. Tương tự, mức thù lao trả cho giảng viên ngoài trường dạy đội tuyển học sinh giỏi đã bị giảm xuống nhằm thực hiện theo đúng mức chi trong Thông tư 02/2015/TT-BLĐTBXH ngày 12.1.2015 quy định mức lương đối với chuyên gia tư vấn trong nước làm cơ sở dự toán gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn áp dụng hình thức hợp đồng theo thời gian sử dụng vốn Nhà nước.
* Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn HUỲNH LÊ MINH:
Khuyến khích học sinh phấn đấu nhiều hơn
Nghị quyết đã điều chỉnh mức nhận học bổng khuyến khích học tập theo hướng có lợi cho học sinh với giá trị bằng 3 - 5 lần mức thu học phí/tháng của nhà trường. Trong đó, mức học bổng bằng 5 lần mức thu học phí/tháng của nhà trường khuyến khích các em phải phấn đấu nhiều hơn.
Các trường chuyên có đặc thù là học sinh đến từ nhiều huyện, thị xã, thành phố khác nhau, theo quy định mức thu học phí dành cho học sinh nông thôn và học sinh thành thị có chênh lệch. Dù vậy, Nghị quyết đã thống nhất lấy mức học phí áp dụng cho trường đóng trên địa bàn thành phố làm chuẩn trong quá trình xét cấp học bổng cho học sinh chuyên để mức học bổng có giá trị cao nhất.
* Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An DƯƠNG TRỌNG ANH:
Mong phụ huynh chung tay khi mời giảng viên chất lượng cao
Theo Nghị quyết, mức chi trả thù lao giảng dạy cho cán bộ khoa học, giảng viên có trình độ cao hoặc giáo viên dạy giỏi được mời tham gia giảng dạy tại nhà trường là 2 triệu đồng/người/ngày (8 tiết/ngày). Mức chi mới này thấp hơn mức chi trước đây (hơn 700 nghìn đồng/tiết).
Thực tế ở trường chuyên, việc mời cán bộ khoa học, giảng viên có trình độ cao tham gia đứng lớp cho đội tuyển học sinh giỏi là hết sức cần thiết và quan trọng; bởi dạy học nâng cao, có những chuyên đề chuyên sâu không phải giáo viên chuyên nào cũng có thể dạy tốt được. Nhà trường rất mong thời gian tới, khi thực hiện xã hội hóa việc mời giảng viên chất lượng cao, phụ huynh sẽ chung tay với nhà trường, hỗ trợ các em được học cùng giáo sư để đạt thành tích thi học sinh giỏi cao hơn.
* Tổ trưởng Tổ Toán Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn TRƯƠNG NGỌC ĐẮC:
Phấn khởi khi áp dụng một mức thanh toán cho cả 3 khối lớp
Trước đây, quy định thù lao dành cho giáo viên dạy bồi dưỡng trực tiếp học sinh giỏi của ba khối lớp (10, 11, 12) có sự khác nhau. Theo đó, mức thanh toán cho giáo viên dạy bồi dưỡng khối 10 và 11 không quá 150 tiết/ môn học/lớp trong cả năm học; còn giáo viên dạy bồi dưỡng học sinh lớp 12 trong học kỳ I để chuẩn bị tham dự kỳ thi quốc gia thì được thanh toán không quá 100 tiết/ môn học/học kỳ.
Theo quy định mới từ Nghị quyết, chỉ áp dụng một mức thanh toán cho cả 3 khối lớp là 150 tiết/ môn học/lớp. Đây là điều rất phấn khởi với nhiều giáo viên.
2. Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non, giáo viên mầm non và cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định
Thời gian qua, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8.9.2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non đã góp phần tăng tỷ lệ trẻ đến trường, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ trên địa bàn tỉnh. Nghị định này cũng đặt ra vấn đề ban hành các chính sách hỗ trợ từ địa phương.
Giờ học thể dục buổi sáng của trẻ mầm non tại Trường Mầm non Sơn Ca - trường mầm non tư thục đóng chân trên địa bàn phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, nơi có Khu công nghiệp Phú Tài. Ảnh: Trường MN Sơn Ca
Căn cứ tình hình thực tế và quy định tại Điều 5, Điều 8, Điều 10 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non, giáo viên mầm non và cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Việc ban hành Nghị quyết là rất cần thiết, nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn khu công nghiệp; góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Theo Nghị quyết, có 3 nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách.
Thứ nhất là cơ sở giáo dục mầm non độc lập (nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập) ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập theo đúng quy định, có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.
Thứ hai là trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định, có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được DN ký hợp đồng lao động theo quy định.
Thứ ba là giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định ở địa bàn có khu công nghiệp. Nhóm đối tượng này phải bảo đảm những điều kiện: Có trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non theo quy định; có hợp đồng lao động với người đại diện theo pháp luật của cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ/lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.
Cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục được hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 1 lần, bao gồm: Trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục quy định của Bộ GD&ĐT và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Mức hỗ trợ là 20 triệu đồng/cơ sở.
Trẻ em mầm non được hỗ trợ 300 nghìn đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.
Giáo viên mầm non được hỗ trợ 800 nghìn đồng/tháng. Số lượng giáo viên trong cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục được hưởng hỗ trợ được tính theo định mức quy định đối với các cơ sở giáo dục mầm non công lập hiện hành. Thời gian hưởng hỗ trợ tính theo số tháng dạy thực tế trong năm học, không quá 9 tháng/năm học. Mức hỗ trợ này nằm ngoài mức lương thỏa thuận giữa chủ cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục với giáo viên và không dùng tính đóng hưởng BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp.
Nghị quyết quy định nguồn kinh phí thực hiện chính sách từ nguồn ngân sách nhà nước, được giao trong dự toán hằng năm cho ngành GD&ĐT theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành.
*Chủ tịch LĐLĐ tỉnh NGUYỄN MẠNH HÙNG:
Chính sách nhân văn, giúp người lao động yên tâm sản xuất
Cùng với Nghị định 105/2020/NĐ-CP, Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non, giáo viên mầm non và cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định là những chính sách hết sức nhân văn, thể hiện sự quan tâm đến thế hệ tương lai, góp phần chăm lo đời sống người lao động ở các khu công nghiệp.
Đặc biệt, tỉnh Bình Định có mức hỗ trợ khá cao dành cho nhóm trẻ mầm non là con em của người lao động, công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp (300 nghìn đồng/trẻ/ tháng), cao hơn so với mức hỗ trợ tối thiểu mà Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định (160 nghìn đồng/trẻ/tháng). Đây là sự nỗ lực của tỉnh nhằm đảm bảo an sinh xã hội.
Khi chính sách có hiệu lực, Công đoàn các cấp trong tỉnh sẽ đồng hành với các ngành liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đoàn viên, người lao động hiểu, nắm rõ được quyền lợi của mình và chủ động làm các thủ tục đề nghị hỗ trợ theo đúng quy định; đồng thời tham gia giám sát việc thực hiện chính sách trong thực tiễn, góp phần đưa chính sách đi vào cuộc sống.
Cùng với đó, LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp để góp phần chăm lo tốt hơn nữa đời sống của công nhân, người lao động.
*Chị NGUYỄN THỊ LỄ DIỆN, 36 tuổi, công nhân Công ty TNHH JAWIN (Khu công nghiệp Phú Tài):
Mong chính sách sớm đi vào thực tiễn, trợ lực cho công nhân
Vợ chồng tôi đều là công nhân, hiện có 2 con nhỏ, một bé học tiểu học, một bé học mầm non. Mỗi ngày, tôi đều từ nhà (thôn An Hòa 2, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước) chở con xuống cơ sở Mầm non Họa Mi (ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) để gửi con, sau đó vào công ty làm việc. Chiều, sau giờ tan ca, tôi vội vã quay về đón con. Tôi chọn cơ sở mầm non tư thục để gửi con vì thuận lợi trên đường đi làm, thời gian gửi con cũng linh hoạt hơn, nhất là có thể gửi đến thứ Bảy để ba mẹ yên tâm đi làm.
Hiện tại, mỗi tháng tiền học mầm non của con tôi dưới 2 triệu đồng. Bên cạnh tiền gửi trẻ, chi phí ăn uống của cả nhà, lo cho con đang học tiểu học và các sinh hoạt khác cũng làm vợ chồng tôi khá vất vả. Khi nghe về chính sách hỗ trợ cho trẻ mầm non là con em của người lao động, công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trong tỉnh, tôi rất háo hức, chờ đợi. Tôi mong con mình sẽ đủ điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ, như vậy mình phần nào bớt được một ít khó khăn. Quan trọng nhất là cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đối với lực lượng công nhân, người lao động và con em của chúng tôi. Mong chính sách sớm đi vào thực tiễn để nhiều gia đình công nhân đang làm việc ở các khu công nghiệp có con học mầm non ở các cơ sở tư thục, dân lập được thụ hưởng chính sách.
NGỌC TÚ - NGUYỄN MUỘI (Thực hiện)