Bình Định bắt nhịp chuyển đổi số
Với sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền và sự vào cuộc mạnh mẽ của DN, người dân trên địa bàn tỉnh, bức tranh tổng quan về chuyển đổi số ở Bình Định được kỳ vọng phủ nhiều gam màu sáng, tạo đòn bẩy cho sự phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian tới.
Chương trình hỗ trợ các DN vừa và nhỏ chuyển đổi số thời gian qua được tỉnh quan tâm đẩy mạnh với nhiều giải pháp. Trong khi đó, xác định chuyển đổi số là “kim chỉ nam” cho sự phát triển, là động lực quan trọng trong thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa, nhiều DN trong tỉnh đã tiên phong thúc đẩy chuyển đổi số với tư duy mới, cách làm mới.
Đánh giá được tiềm năng và thế mạnh riêng của Quy Nhơn và Bình Định nói chung, ngay từ khi thành lập, ngoài cung cấp các dịch vụ phần mềm và chuyển đổi số, FSOFT Quy Nhơn (thuộc Tập đoàn FPT) định hướng phát triển Quy Nhơn trở thành một trung tâm công nghệ AI mang tầm quốc tế. Đến nay, FSOFT Quy Nhơn đã cho ra đời hàng chục nền tảng, giải pháp, sản phẩm và dịch vụ được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ lõi như AI, Blockchain, Cloud, IoT. Các sản phẩm công nghệ do FSOFT Quy Nhơn phát triển giúp đơn vị tối ưu vận hành, tăng năng suất lao động và doanh thu, đồng thời tăng trải nghiệm cho khách hàng; được một số thị trường lớn đón nhận.
Ngoài ra, FSOFT Quy Nhơn còn tích cực thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện tại Bình Định thông qua việc đưa vào hoạt động Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Bình Định (IOC); đưa vào sử dụng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung của tỉnh… Đơn vị cũng đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch nhân sự tập trung vào AI. Nhìn chung, các nền tảng số “Made in Vietnam” và nguồn nhân lực số từ FSOFT Quy Nhơn sẽ là cơ sở quan trọng để Bình Định thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững trong thời gian tới.
Nhiều DN vừa và nhỏ trong tỉnh sẵn sàng đón nhận công nghệ mới và chủ động tham gia quá trình chuyển đổi số. Ảnh: H.H
Ngoài FSOFT Quy Nhơn, Công ty TMA Solutions Bình Định cũng đang triển khai hiệu quả các dự án R&D (nghiên cứu và phát triển) về AI, IoT nhằm nghiên cứu và thiết kế các sản phẩm công nghệ “Made in Vietnam”; đồng thời, thực hiện nhiều chính sách có tính đón đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao, góp phần đưa Quy Nhơn trở thành trung tâm KHCN hàng đầu tại Việt Nam.
Các DN trong tỉnh cũng bắt đầu có ý thức trách nhiệm, sẵn sàng đón nhận công nghệ mới và chủ động tham gia quá trình chuyển đổi số. Trong nhiều năm qua, PC Bình Định tập trung cải tiến và số hóa hệ thống quản lý, mạng lưới điện; đồng thời, ứng dụng các công nghệ số mới như AI, Bigdata, Cloud, Blockchain nhằm thay đổi các mô hình vận hành cũ, hình thành các mô hình mới, giúp tối đa hóa hiệu suất làm việc và doanh thu, mang lại cho khách hàng sử dụng điện những trải nghiệm về dịch vụ tiện ích nhất.
Các lĩnh vực y tế, du lịch, nông nghiệp, văn hóa, giáo dục… cũng tích cực triển khai các giải pháp chuyển đổi số, xây dựng dữ liệu số để có thể kết nối sâu rộng; qua đó, nâng cao chất lượng hoạt động của ngành, phục vụ tốt hơn cho người dân và nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Các DN được hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm trên môi trường mạng, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm. Theo thống kê của Bưu điện Bình Định, đến giữa tháng 11.2022, toàn tỉnh có khoảng 1.600 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart của đơn vị, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP.
Với tỷ lệ phủ sóng thông tin di động 3G, 4G đạt 100% tại trung tâm các xã, thị trấn trên toàn tỉnh; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ 99,3% tới các xã, phường cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ chuyển đổi số; đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng CNTT của người dân và DN trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, người dân cũng tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại thông qua các hoạt động như: Giao dịch điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử…
Tuy vậy, chuyển đổi số là một quá trình lâu dài và phức tạp; cần sự vào cuộc quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu. Chuyển đổi số chỉ thành công nếu có sự tham gia của toàn dân, của tất cả cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.
HỒNG HÀ