* Cơm bụi: Nhanh, gọn, rẻ!
|
Cơm bụi |
Là một viên chức độc thân sống xa nhà nên tôi và những người bạn cùng quê là khách ruột của các quán cơm bụi. Sau mỗi giờ tan tầm, chỉ cần nhấc điện thoại lên hẹn địa điểm thế là sẽ có ngay một bữa cơm với đầy đủ các món mà chẳng phải lo việc bếp núc hay chợ búa gì cả. Có thể nói cơm bụi là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại.
Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn TP Quy Nhơn có không dưới 100 quán cơm bụi với giá từ bình dân đến “super bình dân”. Nghĩa là giá cả dao động từ 2.000 đồng/đĩa đến 10.000đồng/1 đĩa. Các quán cơm bụi này chủ yếu là ở những con đường gần với trường học, gần khu nhà trọ như: đường Ngô Mây, Nguyễn Lữ, Vũ Bảo, Diên Hồng, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Thị Minh Khai… Đối tượng chủ yếu của các quán cơm này là sinh viên, CBCNVC sống xa nhà, tài xế xe ôm, công nhân… Trong cơm bụi còn có thêm cơm bụi mặn và cơm chay. Bạn N.T.Tùng, sinh viên trường ĐHSP Quy Nhơn cho biết: “Trước đây mình và một số bạn trong phòng cũng sắm bếp dầu, mua nồi cơm điện về để tự nấu ăn, nhưng chỉ được vài tháng lại phải ra ăn cơm bụi. Vì các tiết học của mình đâu phải lúc nào cũng được về sớm để đi chợ mua thức ăn, nấu nướng, bên cạnh đó học xong buổi thì người mệt phờ ra không còn hứng thú gì đến việc nấu nướng…”
Không chỉ có thế, cơm bụi còn giúp các bạn sinh viên, nhất là các bạn nam chủ động về mặt tài chính. Bạn T.Minh kể: “Lúc trước, khi còn nấu ăn ở phòng chúng tôi thường rơi vào cảnh: đầu voi đuôi chuột, lúc gia đình vừa gởi tiền vô thì ăn sang một tý, cuối tháng lại đói, còn khi ăn cơm bụi, ngay từ đầu tháng chúng tôi nộp tiền ăn cho chủ quán, còn lại bao nhiêu xài bấy nhiêu, không bao giờ sợ đói”.
* Cơm bụi - Cơm và bụi
Bản thân 2 tiếng “cơm bụi” đã hàm chứa tất cả bản chất của loại hình ẩm thực này. Thật ra, cơm bụi mang ý nghĩa: cơm dành cho những người lỡ vận, sống không có gia đình. Nhưng ngày nay cơm bụi được nâng cấp lên thành một dịch vụ “fast food” (thức ăn nhanh) để đáp ứng với nhịp độ của cuộc sống hiện đại. Ai cũng thấy được những ưu điểm của cơm bụi, nhưng đằng sau nó là cái gì thì chưa chắc ai cũng biết. Điều mà chúng tôi muốn nói đến đó là vấn đề: cơm và bụi, hoàn toàn theo nghĩa đen. Dạo quanh hầu hết các quán cơm bụi, chúng tôi chưa thấy một nơi nào thực sự đảm bảo vệ sinh. Khách hàng chỉ thấy được những món ăn ngon, hấp dẫn bày trên đĩa chứ mấy ai hiểu được nó được chế biến như thế nào, địa điểm chế biến ra sao? Vào một số quán ăn, tôi có dịp ra phía sau xem chuyện bếp núc. Đó là những nơi tồi tàn, nước thải dơ bẩn từ việc rửa cá, thịt, rau rác chảy tràn lan. Chén đũa sau khi khách hàng dùng xong bỏ bề bộn trên sàn nhà và được rửa một cách cẩu thả. Vì đối tượng phục vụ là bình dân, túi tiền không nhiều, nên các chủ quán thường ra chợ chỉ mua các loại thực phẩm không thuộc loại tươi ngon để về chế biến. Chị Th, buôn bán ở chợ Khu 6 cho biết: “Phần lớn các chủ quán cơm ra chợ này mua các loại thực phẩm rẻ tiền để về chế biến, cái mà họ quan tâm là làm sao giá rẻ mà vẫn có lời chứ không phải là vấn đề an toàn thực phẩm cho khách hàng…”.
Đó là chuyện hậu trường, còn chuyện trong quán thì phần lớn các quán này đều có không gian khá chật chội nên khách hàng phải chen lấn nhau, thức ăn thì bày biện trống trải, mỗi khi có một chiếc xe chạy qua thì cả đám bụi mịt mù bay thẳng vào đồ ăn. Nói như thế không phải là “vơ đũa cả nắm” bởi trên thực tế cũng có những người chủ quán có “cái tâm” với khách hàng, họ xem khách hàng như người trong gia đình, chính vì thế họ chế biến thức ăn cho khách hàng như chính cho gia đình mình. Theo cách nói của những người khách thì “khuất mắt thì ăn chứ biết gì.”
Có thể nói, hiện nay, vấn đề vệ sinh và an toàn thực phẩm tại các quán cơm bụi là vấn đề còn thả nổi. Trước khi cơ quan chức năng có biện pháp chế tài, chúng ta chỉ trông chờ vào cái gọi là “lương tâm của chủ quán”.
. Lưu Nguyễn
|