Có một Đội văn nghệ tuyên truyền lưu động về tác hại HIV/AIDS và cách phòng chống. Đêm diễn của họ cũng giống như các đội văn nghệ nghiệp dư khác, cũng có các tiết mục hát, múa, đơn ca... nhưng sinh động hơn là có tiết mục "kể chuyện người thật việc thật". Trong tiết mục này người kể chuyện dũng cảm công khai trước khán giả họ là người đã bị nhiễm HIV/AIDS. Tất cả diễn viên của đội đều là những người từng được coi là "thành phần bất hảo" trong xã hội...
* Một đêm diễn
|
Một vở kịch ngắn của các học viên |
"Gia đình tôi có đông anh em, gia đình sống rất hạnh phúc. Năm tôi 14 tuổi, mẹ đột ngột qua đời. Một năm sau ba tôi đi bước nữa. Ở cái tuổi 16, tôi nổi loạn và quyết định đi hoang. Bị bạn bè rủ rê, tôi sa vào con đường nghiện hút. Chỉ một thời gian sau, tôi bị đau bệnh và biết khó lòng qua khỏi, tôi tìm về gia đình cầu mong ba tha thứ. Với tấm lòng của người cha, ba tôi đã cưu mang tôi. Tôi quyết tâm từ bỏ ma túy và thể hiện quyết tâm đó bằng cách chặt đứt một ngón tay út của mình. Thế nhưng nọc của ma túy rất dai dẳng, tôi vật vã chống cự và một lần nữa lại bỏ nhà ra đi. Trong một lần đói thuốc, tôi đã dùng bơm kim tiêm chung với nhiều người nghiện khác. Hậu quả là tôi đã bị nhiễm HIV. Tôi không biết rằng tôi đã bị nhiễm từ ai... Đây là câu chuyện có thật về cuộc đời tôi...".
Dưới ánh đèn sân khấu tại trụ sở UBND phường Trần Phú, TP. Quy Nhơn, trước hàng trăm khán giả, chị Lê Thị Nuôi với giọng từ tốn, chậm rãi kể về cuộc đời mình. Ở trong cánh gà, các cô gái (đều là gái mại dâm bị đưa về Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh) đang sốt sắng chuẩn bị cho vai diễn của mình. Mai, một trong những cô gái nhỏ tuổi nhất trong số hơn gần chục cô, đang loay hoay không biết trang điểm ra sao để cho giống bà già. Mặc dù cô cố tình vẽ thêm nhiều nếp nhăn ở trán và đuôi mắt, rồi bôi phấn lên tóc mình để giả người già nhưng vẫn không giấu được vẻ tươi trẻ lồ lộ. Cô chỉ mới hai mươi tuổi. "Diễn trước đám đông vậy có ngượng không?" - tôi hỏi "Ngượng gì mà ngượng. Mình là người tốt mà", Mai cười vô tư.
Trong đêm giao lưu văn nghệ về phòng chống HIV/AIDS ấy, không chỉ có một mình chị Nuôi mà còn có nhiều người khác nữa ở Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh. Ngoài chị Nuôi, còn có là anh Châu, anh Quang - những người bị nhiễm HIV từ nhiều năm nay; còn có các cô gái mại dâm và những người nghiện đang ở Trung tâm. Họ diễn rất sôi nổi và hào hứng. Trong những giây phút đó, họ tạm quên đi mình là những người đang bị tử thần bám sát, tạm quên đi thân phận của mình để sống trọn với vai diễn của mình.
* Đội văn nghệ "Người thật việc thật"
Đội tuyên truyền văn nghệ của Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh được thành lập từ năm 2000. Đây là hoạt động do Tổ chức Chăm sóc sức khỏe gia đình Quốc tế (FHI) tài trợ. Mới đầu, các hoạt động chỉ là để phục vụ cho anh em ở Trung tâm. Nhưng bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Giám đốc Trung tâm, thì lại có suy nghĩ khác: "Tại sao lại không đi diễn bên ngoài. Như vậy hiệu quả tuyên truyền mới cao". Không ngờ, ý kiến của bà lại được ông Peter, đại diện Tổ chức FHI rất tán thành và góp thêm ý kiến. Vở kịch đầu tiên ra mắt hàng ngàn khán giả trước Hội Trường Quang Trung nhân ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS (năm 2001) là vở "Tiếng nói của lương tâm" do anh Trương Quốc Hùng viết kịch bản và lời thoại, kể về chính cuộc đời anh. Dàn diễn viên đều là các học viên ở Trung tâm, có cả người nhiễm HIV lẫn gái mại dâm. "Lúc đầu chúng tôi run lắm, chỉ sợ diễn viên bỏ trốn hoặc gặp những người quá khích. Nhưng khi vở diễn kết thúc, nghe hàng ngàn tiếng vỗ tay tán thưởng thì chúng tôi biết mình đã thành công" - bà Cúc tâm sự.
Kể từ đó đến nay, đội văn nghệ của Trung tâm đã đi diễn ở nhiều nơi trong tỉnh. Đi đến đâu họ cũng được hoan nghênh. Khi Dự án của FHI kết thúc (2002), Trung tâm vẫn duy trì tiếp tục Đội văn nghệ và sau đó được Đại Sứ quán của Vương Quốc Hà Lan thông qua Trung tâm nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và phát triển (COHED) tài trợ.
Từ kịch bản đầu tiên "Tiếng nói lương tâm", họ đã dựng thêm nhiều vở diễn mới nữa: "Cái đồng hồ báo thức", "Lời truyền Diêm Vương", "Đưa con đi cai nghiện", "Vòng tay nhân ái", "Cô gái quê" và nhiều tiết mục ca múa khác. Mỗi lần đi diễn họ phải tập trước ở nhà cả hàng tháng. Tất cả đều là "cây nhà lá vườn", thậm chí đến phông, màn trang trí cũng đều do các trại viên tự dàn dựng. Đức và Hùng (nhiễm HIV và đã chết) là hai "họa sĩ nghiệp dư" rất có tài. Ngoài trang trí phông màn, họ còn vẽ cả ảnh minh họa trong các tờ rơi áp phích tuyên truyền về HIV/AIDS. Trước đây tiết mục "kể thật việc thật" đều do anh Trương Quốc Hùng đảm nhiệm. Năm 2003, anh Hùng chết, chị Nuôi đã tiếp tục đảm nhận vai trò này. Người này chết đi thì người khác thay, học viên cũ ra thì học viên mới vào thay chỗ. "Mỗi lần như vậy là phải tập lại vai diễn, rất mất công nhưng chúng tôi đều cố làm" - bà Cúc cho biết.
Tôi tiếp xúc với các "diễn viên nghiệp dư" này không chỉ một lần. Giữa họ không có sự ngăn cách giữa người bị nhiễm HIV và những người không bị nhiễm. Họ chơi đùa, nói chuyện với nhau, chung nhau điếu thuốc. Một học viên (gái mại dâm) tâm sự: "Khi chưa biết thì tưởng căn bệnh này ghê gớm lắm. Nhưng bây giờ thì em biết bệnh này không dễ lây qua các đường tiếp xúc thông thường. Với những người bị nhiễm, mình vui với họ thì họ vui, còn mình hắt hủi họ thì họ buồn lắm". Không chỉ riêng gì Đội văn nghệ mà cả ở Trung tâm, người nhiễm HIV/AIDS hòa đồng với người không bị nhiễm và ngược lại. Họ chung sống, vui đùa và cùng chơi thể thao với nhau.
* Lời kết
Từ gần 50 người bị nhiễm HIV/AIDS năm 1995-1998, hiện Trung tâm chỉ còn chưa tới chục người bị nhiễm căn bệnh quái ác này. Những người như chị Nuôi, anh Châu, anh Quang vẫn còn sống và họ gắng đến phút cuối cùng. Họ tích cực tham gia trong Đội văn nghệ. Anh Châu, người bị nhiễm HIV tâm sự: "Cứ sống vui vẻ yêu đời, buồn phiền chỉ làm cho người ta chóng chết. Mấy anh em bị sau tôi vậy mà lại đi trước tôi vì họ không lạc quan". Còn chị Nuôi thì giản dị nói về công việc mình đang làm: "Mình còn làm gì có ích hơn là điều này nữa đâu. Phải tuyên truyền cho mọi người biết mà tránh nhiễm HIV".
Những ngày này, các thành viên của Đội văn nghệ đang tích cực tập luyện các tiết mục văn nghệ để đi diễn một số nơi. Bà Cúc tâm sự: "Người ta mời chúng tôi diễn nhiều lắm chớ, nhưng vì kinh phí có hạn nên việc đi lưu diễn cũng không thể thường xuyên."
. Thu Hà
|