Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XI, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã mang những ý kiến, kiến nghị của cử tri Bình Định phản ảnh với Quốc hội. Những ý kiến, kiến nghị của cử tri Bình Định tập trung vào các vấn đề như: giá vật tư nông nghiệp, thuế, đầu ra sản phẩm nông nghiệp… và đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời. Cụ thể như sau:
|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng |
- Về vấn đề giá vật tư nông nghiệp không ổn định, chi phí sản xuất nông nghiệp cao, sản phẩm nông nghiệp khó tiêu thụ, thông qua nhiều khâu trung gian bị ép giá ..., Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời: Hiện nay, nền kinh tế nước ta đang vận hành theo cơ chế thị trường theo định hướng XHCN; giá cả hầu hết các sản phẩm hàng hóa được hình thành trên thị trường do quan hệ cung - cầu, thỏa mãn giữa người mua và người bán. Nhà nước chỉ giữ quyền quyết định giá cả một số ít sản phẩm đặc biệt quan trọng, sản phẩm mang tính độc quyền, và có thể áp dụng một số biện pháp cần thiết để bình ổn định giá thị trường một số mặt hàng chủ yếu, trong đó có sản phẩm vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và nông sản hàng hóa nhằm bình ổn giá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng (đặc biệt là đời sống của người nông dân) và lợi ích của Nhà nước.
Trong các vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, Nhà nước thực hiện bình ổn giá đối với mặt hàng phân bón. Tuy nhiên, khác với các mặt hàng như điện, xăng dầu…, Nhà nước không qui định giá bán thực tế phân bón, mà chỉ định hướng điều hành giá thị trường 1 kg phân U-rê không vượt quá giá 2 kg thóc cùng thời điểm. Ngoài ra, tại một số thời điểm, Nhà nước cũng tiến hành can thiệp thị thường như tăng nhập khẩu, cung ứng phân bón dự trữ… nhằm tạo ra cân bằng về cung cầu, đưa giá cả cả phân bón trở về mức ổn định.
Tuy nhiên, do hàng năm nước ta vẫn phải nhập một số lượng lớn phân bón và các sản phẩm vật tư nông nghiệp khác để phục vụ sản xuất trong nước. Vì vậy, giá bán các sản phẩm này trong nước chịu ảnh hưởng không nhỏ của sự biến động giá bán trên thị trường thế giới. Để hạn chế tính tự phát của thị trường gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và để nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam, hàng năm Nhà nước quy định giá bán than cho sản xuất phân bón thấp hơn nhiều so với giá thị trường; qui định giá bán điện cho nông thôn không được quá 700 đồng/KWh; chi ngân sách hỗ trợ giá cho các loại giống gốc, giống mới; qui định mức thu lệ phí thấp hơn nhiều so với chi phí thực tế; Nhà nước không đánh thế nhập khẩu phân U-rê,Ka-li, DAP, SA; hỗ trợ tạm trữ phân bón khi cung cầu phân bón mất cân đối; hỗ trợ các doanh nghiệp và người sản xuất có hợp đồng tiêu thụ nông sản; áp dụng phổ cập nhanh (kể cả nhập khẩu) các loại giống gốc, cải tạo nâng cấp các cơ sở sản xuất và nhân giống cây trồng, giống vật nuôi. Đối với các tỉnh miền núi, hải đảo, vùng đồng bằng dân tộc còn được hưởng chính sách trợ giá trợ cước vận chuyển theo quy định của Chính Phủ.
Về tiêu thụ nông sản, để tránh cho nông dân có nông sản cần tiêu thụ phải qua nhiều khâu trung gian, bị chèn ép giá, tại Quyết định 80/2002/QĐ-TTg ngày 24-6-2002 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ký hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa với người sản xuất (bao gồm nông sản, lâm sản, thủy sản và muối) nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa để phát triển sản xuất ổn định và bền vững. Doanh nghiệp ký hợp đồng mua nông sản hàng hóa với người sản xuất theo phương thức giá sàn bảo đảm sản xuất có lợi, doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả. Thực tế trong 2 năm thực hiện, đã khẳng định quyết định số 80/2002/QĐ-TTg là đúng đắn và mang lại lợi ích cho người sản xuất và doanh nghiệp.
- Về việc kiến nghị Chính phủ xem xét miễn giảm thủy lợi phí cho nông dân? Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời: Thủy lợi phí được thực hiện từ vụ mùa năm 1984 theo Nghị định 112- HĐBT năm 1984 của Hội đồng Bộ trưởng. Đến nay (năm 2004) mới bắt đầu thực hiện theo qui định mới tại Nghị định 143/2003/NĐ-CP ngày 28-11-2003 của Chính phủ. Theo đó, đối với các địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn thì được miễn thủy lợi phí. Đối với các địa bàn có điều kiện kinh tế -xã hội khó khăn thì giảm 50-70% mức thủy lợi phí. Thủy lợi phí thu đối với đất trồng lúa với mức thấp nhất là 220.000 đồng/ha/vụ. Trường hợp tưới, tiêu chủ động một phần thì thu bằng 50-70% mức trên. Trường hợp chỉ tạo nguồn tưới, tiêu thì thu bằng 40-60% mức trên. Trường hợp lợi dụng thủy triều để tưới tiêu thì thu bằng 70% mức tưới tiêu bằng trọng lực ở vùng không chịu ảnh hưởng của thủy triều. Đối với diện tích trồng rau, màu, cây công nghiệp ngắn ngày, kể cả cây vụ đông, thì mức thu thủy lợi phí tối thiểu thu bằng 30-50% mức thu tưới lúa. Thủy lợi phí áp dụng đối với việc sản xuất muối tính bằng 2% giá trị muối thành phẩm.
Thực tế, mức thu thủy lợi phí như trên vẫn chưa đủ bù đắp chi phí bỏ ra. Hàng năm, ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương vẫn phải bố trí một khoản ngân sách khá lớn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi trong trường hợp thu thủy lợi phí không đủ bù đắp chi phí sửa chữa, vận hành của các công trình thủy lợi... Ngoài ra, Nhà nước cũng thực hiện hỗ trợ gián tiếp cho bà con nông dân thông qua việc điều tiết giá bán điện, qua đó giúp duy trì thủy lợi phí ở mức thấp.
- Về kiến nghị Bộ Tài Chính xem xét giảm thuế ngư nghiệp và bỏ thuế môn bài đối với nghề đánh bắt hải sản? Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời: Xét trên qui mô đầu tư, doanh thu, chi phí và phương thức hoạt động thì phương thức khai thác đánh bắt thủy, hải sản của hộ ngư dân hoàn toàn khác với hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của hộ nông dân. Chính vì vậy, phương thức quản lý thuế và chính sách miễn giảm thuế đối với các đối tượng này hoàn toàn khác nhau. Các hộ ngư dân khai thác tài nguyên là thủy, hải sản phải nộp thuế tài nguyên trên sản lượng thủy sản khai thác đánh bắt được theo Pháp lệnh thuế tài nguyên (sửa đổi). Việc thu thuế tài nguyên đối với hộ ngư dân nhằm khuyến khích việc khai thác và sử dụng tài nguyên có hiệu quả nguồn tài nguyên thủy sản. Mặc dù không thực hiện miễn thuế tài nguyên cho ngư dân như trường hợp miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với một số đối tượng nông dân, nhưng Nhà nước đã chú ý phân loại hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản, qua đó giảm bớt gánh nặng thuế cho phần lớn đối tượng ngư dân.
Về thuế Môn bài, để khuyến khích các tổ chức, cá nhân hoạt động đánh bắt, khai thác thủy, hải sản phát triển; theo quy định của Chính phủ, các hộ đánh bắt, khai thác thủy hải sản tạm thời được miễn 50% mức thuế môn bài. Với phương thức quản lý thuế và các chính sách miễn, giảm thuế đối với các hộ ngư dân như quy định hiện hành là phù hợp.
- Về kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, nghiên cứu giao dự toán thu ngân sách cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ổn định nguồn thu là 5 năm để tạo cho địa phương khôi phục và nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài? Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời: Trước hết, cần phân biệt việc ổn định tỉ lệ phần trăm chia các khoản thu phân chia và bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới được ổn định từ 3 đến 5 năm - còn gọi là thời kỳ ổn định ngân sách. Hiện tại, giai đoạn ổn định ngân sách được quy định là 3 năm, bắt đầu từ năm 2004. Việc giao dự toán thu ngân sách hàng năm của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Quốc hội quyết định, bao gồm các khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%, các khoản thu phân chia theo tỉ lệ phần trăm phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương và các khoản thu bổ sung từ ngân sách Trung ương (bao gồm cả bổ sung cân đối và bổ sung có mục tiêu).
Ngoài số bổ sung cân đối được ổn định trong thời kỳ ổn định ngân sách, các khoản thu khác phụ thuộc vào khả năng huy động ngân sách của từng địa phương, mà chủ yếu phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng và mở rộng của các hoạt động kinh tế trên từng địa bàn. Như vậy, không thể giao ổn định dự toán thu ngân sách hàng năm cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
. Nguyễn Huỳnh Huyện (lược ghi)
|