Khu tàn tật của bệnh nhân phong Quy Hòa (Quy Nhơn) đang điều trị cho 126 bệnh nhân phong bị tàn tật nặng, việc đi lại cũng như sinh hoạt hàng ngày của họ rất khó khăn. Chính vì thế, những y tá, hộ lý đang làm việc ở khu này phải vất vả gấp bội phần.
Hiện nay, tại Khu tàn tật của bệnh nhân phong chỉ có 1 y sĩ, 6 y tá và 7 hộ lý nhưng phải chăm sóc cho ngần ấy bệnh nhân. Người thâm niên nhất là y sĩ Trần Thị Kỷ năm nay đã gần 50 tuổi, chị bắt đầu làm việc tại đây từ năm 1976 cho đến nay. Còn người trẻ nhất cũng đã trên 30 tuổi. Dù Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa đã đưa ra nhiều chế độ ưu đãi đặc biệt để "kéo" số y, bác sĩ trẻ mới ra trường về Khu tàn tật công tác nhưng trong nhiều năm trở lại đây, vẫn không có một y, bác sĩ trẻ nào chịu về. Có lẽ, do công việc ở Khu này phải hàng ngày tiếp xúc với bệnh nhân phong bị tàn tật và thu nhập lại không cao (thu nhập bình quân hàng tháng của y tá, hộ lý ở đây từ 700-900 ngàn đồng/người/tháng).
Được bác sĩ Nguyễn Thanh Tân, Giám đốc Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa trực tiếp dẫn đi thăm các chị y tá, hộ lý ở Khu tàn tật, nhưng khi tôi hỏi về công việc của các chị thì hầu như chẳng chị nào chịu nói. Mãi sau, với sự động viên của bác sĩ Tân, các chị mới chịu thổ lộ chút ít về mình. Người đầu tiên "chịu nói" là chị Trần Thị Kim Liên, 34 tuổi, ở Quy Nhơn. Sau khi tốt nghiệp lớp sơ cấp trường Trung học y tế Bình Định, chị Liên xin vào đây làm việc từ năm 1994 đến nay. Làm việc được 4 năm thì Bệnh viện cho chị học tiếp lớp trung cấp. Tốt nghiệp, chị tiếp tục về đây làm việc. Chị Liên tâm sự: "Nhiều người chưa hiểu thấu đáo bệnh phong, nên khi biết chúng tôi làm việc ở đây họ có vẻ né tránh. Cũng may là chồng con hiểu và thông cảm, động viên".
Điều khiến chị Liên gắn bó với công việc ở Khu tàn tật vì chị cũng là con của một bệnh nhân phong. Lúc ba chị Liên bị bệnh và được điều trị tại đây, hàng ngày vào thăm ba, nhìn thấy cảnh các chị y tá, hộ lý ở đây chăm sóc ba mình khá chu đáo, trong chị đã xuất hiện ý nghĩ sẽ trở thành y tá và xin vào làm việc tại Bệnh viện phong để chăm sóc người khác như ba mình đã từng được chăm sóc. Và chị đã thực hiện ý nguyện của mình, để rồi gắn bó với công việc này từ 10 năm nay.
Chị Trần Thị Hương, 40 tuổi, quê gốc ở Quảng Nam, bắt đầu công việc chăm sóc bệnh nhân phong tàn tật từ năm 1983 cho đến nay, hiện gia đình chị cũng sống trong Bệnh viện này. Chị Hương cho biết: "Nhìn thấy cảnh những bệnh nhân phong bị tàn tật cụt tay, cụt chân không thể tự sinh hoạt được, chúng tôi cảm thấy đau lòng lắm. Chia sẻ với nỗi đau bệnh tật của họ, hằng ngày chúng tôi lo giặt giũ, tắm rửa, đút cơm, băng bó vết thương, khi họ đi ngủ thì móc từng chiếc mùng...".
Trong số những người mắc bệnh phong, có người còn mang theo chứng bệnh tâm thần, thường xuyên bỏ trốn đi lang thang. Thế là các y tá, hộ lý phải đi tìm về, có lần còn bị họ đánh lại. Cứ thế, tình cảm và sự chia sẻ của các y tá, hộ lý đối với bệnh nhân phong đã dần tạo ra sự quan hệ gắn bó với nhau và đã được đền đáp. Bà Nguyễn Thị Cháu, 62 tuổi, ở Tây Sơn, một bệnh nhân phong tâm sự: "Tôi bị phát bệnh và đưa vào điều trị ở đây từ trước ngày giải phóng. Giờ đây, hai tay tôi bị cụt nên việc sinh hoạt hàng ngày phải nhờ vào các y tá, hộ lý. Nhiều lúc tôi muốn chết đi cho rồi, vì từ khi tôi bị bệnh đến nay có người thân nào đến thăm đâu. May mà có được tấm lòng của các cô y tá, hộ lý chăm sóc, khuyên bảo nên tôi mới sống đến giờ". Rồi bà luôn miệng âu yếm gọi các chị y tá, hộ lý là con.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tân cho biết: "Hầu hết 126 bệnh nhân phong ở khu tàn tật này có độ tuổi trung bình 60-70 tuổi, có trường hợp đến 95 tuổi. Đa số không có thân nhân nên không thể nào trả về cộng đồng được, phải chăm sóc và điều trị tại bệnh viện, nên công việc của các y tá, hộ lý ở đây khá vất vả".
Dẫu rằng hiện nay, bệnh phong không còn là chứng bệnh nan y vô phương cứu chữa nhưng mặc cảm về thứ bệnh này vẫn đè nặng trong suy nghĩ của những người mắc phải, nhất là những người bị bệnh nặng. Nhưng ở Khu tàn tật, những bệnh nhân phong tàn tật đã và đang vượt qua những mặc cảm bệnh tật để vui sống vì những y tá, hộ lý ở đây đã thực sự đến với họ bằng cả một tấm lòng.
. Nguyễn Phúc
|