Già làng với phong trào "ba không"
14:14', 31/5/ 2004 (GMT+7)

Ba không về an ninh trật tự: "Không để Fulrô, Đề ga xâm nhập móc nối hoạt động; không để tôn giáo phát triển trái phép; không để tập tục lạc hậu phục hồi phát triển và giải quyết tranh chấp khiếu kiện, mâu thuẫn trong buôn làng" là một phong trào đang phát triển rộng khắp ở địa bàn miền núi Bình Định. Sức lớn mạnh của phong trào, ngoài những nỗ lực của các cấp chính quyền và lực lượng Công an, còn phải kể đến vai trò của các già làng, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS)...

* Uy tín già làng

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương tặng quà cho các đại biểu dự Hội nghị gặp mặt những người có uy tín trong đồng bào DTTS

Đinh Thị Gay (hiện ở tổ 3, xã An Quang) là người thường xuyên uống rượu. Các đoàn thể trong xã đã nhiều lần giáo dục nhưng chị ta vẫn không tiến bộ. Tháng 11-1999, chị ta uống rượu cùng chị dâu là Đinh Thị Tim. Hai chị em chén tạc chén thù đến say khướt. Rượu vào lời ra, chị Gay bảo bà Tim: "Hay là chị chết đi, em cho một con bò và 10 lít rượu". Bẵng đi một thời gian, tháng 8-2000, bà Tim chết. Vậy là chị Gay bị nghi cầm đồ. Những người nghi kỵ tập trung lại, đòi mổ bò của chị Gay như đã hứa. Nhiều người còn đòi đuổi chị Gay đi, nếu không cả làng sẽ dọn đi nơi khác và nhân lúc UBND xã chưa giải quyết, đã có người đánh đập chị Gay.

Trước tình hình đó, cụ Đinh Văn Nháo, già làng ở thôn 3, xã An Quang, đã cùng với Hội Phụ nữ cùng các vị có uy tín trong làng làm công tác tuyên truyền, giải thích vận động đồng bào, không ngược đãi, không xua đuổi chị Gay. Cụ đề xuất với chính quyền xã kiên quyết không để mọi người mổ bò để đảm bảo sản xuất. Công an xã gọi bà Gay lên kiểm điểm, giáo dục và kịp thời xử lý hành chính những người có hành vi đánh đập chị Gay. Chị Gay nhận ra lỗi lầm, cam đoan sẽ không uống rượu say, phát ngôn bừa bãi. Vừa kiên trì giải thích, vừa kiên quyết đấu tranh với cái xấu, đến hai tháng sau thì tình hình đã tạm ổn.

Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp cụ Nháo tham gia cùng với chính quyền giữ gìn an ninh trật tự địa phương. Đặc biệt, năm 2000, cụ Nháo đã trực tiếp hòa giải trên 20 vụ việc mâu thuẫn nhỏ trong dân, giải quyết ổn định một vụ nghi kỵ cầm đồ, ngăn chặn không để xảy ra trường hợp tự tử nào ở địa bàn cư trú. Năm nay đã 71 tuổi, nhưng cụ Nháo vẫn rất nhiệt tình với việc chung.

Một ví dụ khác, tháng 8-2001, Mang Lịch (quê ở làng Da Dù, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) theo vợ về cư trú ở làng Hiệp Hà (thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh). Lịch đã lôi kéo 13 người dân tộc Chăm H’roi vào đạo trái phép. Trước tình hình này, những người có uy tín ở làng Hiệp Hà, nhất là cụ Đoàn Văn Téo, Lơ O Đông, đã dùng lý lẽ của mình, đấu tranh buộc chúng phải nhận sai trái và tự nguyện cam kết từ bỏ việc truyền đạo trái phép.

Khi một số người ở Gia Lai, Phú Yên đến địa bàn miền núi Bình Định tuyên truyền phát triển đạo trái phép, cũng chính những người có uy tín đã phát hiện và phối hợp với Công an kịp thời ngăn chặn. Trong đó, điển hình phải kể đến là các cụ Phạm Vân ở làng Canh Phước và Bá Sức ở làng L6 (thuộc xã Canh Hòa, huyện Vân Canh).

Tháng 4-2001, khi ngành Công an tiến hành thí điểm thu hồi vũ khí, vật liệu nổ tại xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), tổ công tác đã vận động và hướng dẫn nhân dân kê khai, giao nộp vũ khí. Tuy nhiên, phần lớn người dân vẫn cảm thấy luyến tiếc, không chịu kê khai. "Súng mình sắm chỉ để bắt con chim, con thú trên rừng thôi. Sao lại phải nộp" - họ nghĩ vậy. Trước khó khăn đó, cụ Đinh Nhương (làng K2, Vĩnh Sơn) đã tự nguyện giao nộp hai khẩu súng và thuyết phục người dân cùng giao nộp. Kết quả, nhân dân đã giao nộp cho đội công tác 105 khẩu súng các loại. Rút kinh nghiệm từ Vĩnh Sơn, khi triển khai công tác này trên toàn huyện Vĩnh Thạnh và các huyện miền núi, trước tiên, các đội công tác đã vận động người có uy tín, rồi thông qua họ để vận động người dân và đã đạt kết quả tốt.

* Đến sự phát triển của một phong trào

Người có uy tín trong đồng bào DTTS là những người được bà con tín nhiệm, suy tôn, tiếng nói của họ rất có trọng lượng với đồng bào. Thời gian qua, họ đã thường xuyên phối hợp cùng lực lượng công an giải quyết ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; cũng là người gương mẫu thực hiện và vận động người dân thực hiện đúng chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Hiện nay, trên địa bàn DTTS vẫn còn tồn tại một số tập tục lạc hậu, đặc biệt là tệ nghi cầm đồ thuốc độc, tự tử, nên nảy sinh các mâu thuẫn, gây mất ổn định. Bằng uy tín của mình, lại biết dựa vào luật tục, người có uy tín đã hòa giải được nhiều mâu thuẫn trong nhân dân, làm cho các đối tượng liên quan "tâm phục khẩu phục". Thông qua họ, lực lượng công an nắm chắc được tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Điều đáng mừng là hiện nay, vùng DTTS trong Bình Định chưa phát hiện có những hoạt động xâm phạm đến an ninh quốc gia.

Mỗi già làng, người có uy tín đều có cách làm của mình để thuyết phục bà con. Chẳng hạn, để đấu tranh với tập tục lạc hậu, bok Đinh Quyên (làng K8, xã Vĩnh Thịnh) đã cho người dân được tận mắt chứng kiến, xác nhận những điều mê tín đó là không có thật. Sau đó, bok Quyên mới tuyên truyền cho dân hiểu và tiến hành kiểm điểm những đối tượng liên quan trước dân, nên có sức thuyết phục rất nhanh.

Không chỉ đóng vai trò trong việc giữ gìn an ninh trật tự, không ít người có uy tín còn là những tấm gương sáng trong việc phát triển kinh tế gia đình, vượt qua đói nghèo và từng bước làm giàu, góp phần xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp. Bok Đinh Sinh (xã Bok Tới, huyện Hoài Ân) là một ví dụ. Mỗi năm, bok thu trên dưới 20 triệu từ kinh tế trang trại.

Có thể nói, vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS là một nét văn hóa đặc thù, rất cần được tiếp tục phát huy. 

. Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"Chúng tôi đang cố gắng giải quyết vụ việc"  (28/05/2004)
Người đi lao động tại Malaysia buộc phải trở về: Có lý do khách quan nhưng…  (28/05/2004)
Vĩnh biệt người lính già Trần Kiên!   (27/05/2004)
Những chuyện rắc rối quanh cái họ, cái tên  (27/05/2004)
Những kiến nghị tâm huyết của cử tri  (26/05/2004)
Chuyện ghi ở khu tàn tật của bệnh nhân phong Quy Hòa   (26/05/2004)
Bộ Tài chính trả lời những ý kiến, kiến nghị của cử tri Bình Định   (25/05/2004)
Có một Đội văn nghệ "Người thật việc thật"   (24/05/2004)
Thực hiện Quy định số 209-QĐ/TU: Để cán bộ sát dân, gần cơ sở   (24/05/2004)
Đi "Chợ tình hàng quốc"  (23/05/2004)
Hãy xây cho mẹ anh hùng liệt sĩ Vũ Bảo một ngôi nhà tình nghĩa  (21/05/2004)
Sẽ tiếp tục làm rõ động cơ đánh anh Lẹ  (21/05/2004)
Tiếp tục thông tin về nạn lấn chiếm, sang nhượng đất trái phép ở Phú Hậu - Cát Chánh: "Chân dung" một trùm đất  (21/05/2004)
Bệnh viện đa khoa tỉnh: Quản lý kê toa từ đơn thuốc  (20/05/2004)
Xung quanh việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Y tế ở Bình Định: Không dễ triển khai   (19/05/2004)