. Ghi chép của Trần Đăng
Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc đến tướng Nguyễn Chánh như sau: "Anh qua đời, quân đội mất đi một vị tướng tài năng, tôi mất đi một người bạn chí thiết". Đó không phải là lời "ai điếu" đơn thuần mà xuất phát từ một tấm lòng quí trọng thật sự của vị Tổng Tư lệnh đối với thuộc cấp của mình.
|
Nhà lưu niệm vẫn còn dở dang sau 4 năm xây dựng |
Năm 1957, một cơn đau tim đột ngột đã khép lại cuộc đời của vị tướng thao lược này ở tuổi 43, nhưng những gì mà ông để lại cho quân đội cũng như giới văn nghệ sĩ trên đất Liên khu V thời kháng Pháp thì vẫn trinh nguyên như ngày nào. Ngày 5-8 tới đây, tướng Nguyễn Chánh tròn 90 tuổi.
* Giai thoại
Sau Hiệp định Genève 1954, có một viên tướng người Pháp tên là De Beaufort nhờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho ông ta gặp bằng được người chỉ huy đánh bại chiến dịch At-lan-te trên chiến trường Tây Nguyên năm 1953-1954. Tướng Giáp đã đồng ý và sắp xếp một cuộc gặp riêng giữa tướng De Beafort và Nguyễn Chánh. Viên tướng bại trận người Pháp đã không tin rằng ngồi trước mặt mình là "một vị tướng đã làm cho tôi điêu đứng trên chiến trường" - như hồi ký sau này ông ta đã thuật lại. Nguyễn Chánh giản dị và khiêm nhường đến không ngờ. Chia lửa với Điện Biên, quân ta giải phóng Kon Tum và bắc Tây Nguyên, đánh bại xụi chiến dịch At-lan-ta, tiêu diệt toàn bộ binh đoàn cơ động số 100 - binh đoàn tinh nhuệ bậc nhất của quân viễn chinh Pháp rút về từ Triều Tiên. Người chỉ huy trận đánh "để đời" ấy là tướng Nguyễn Chánh - vị thủ lĩnh của đội Du kích Ba Tơ từ ngày còn trứng nước, quê ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Lâu nay, rất nhiều cuốn sách viết về tài thao lược của vị tướng lừng danh này. Vì vậy, nhiều người chỉ biết ông với tư cách là nhà chiến lược quân sự nhưng Nguyễn Chánh còn là một người rất am tường về văn hóa, nhất là cách hành xử đối với anh em văn nghệ sĩ. Ai đã một lần tiếp xúc với ông là cả đời không quên được. Nhà văn Nguyên Ngọc là một trường hợp như thế. Ông kể rằng chính Nguyễn Chánh là người nâng đỡ ông ngay từ khi còn chập chững bước chân vào làng báo! Là Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu V nhưng Nguyễn Chánh vẫn dành rất nhiều thời gian cho văn nghệ. Có lần ông xin với Đoàn tuồng Liên khu V cho ông đóng một vai tuồng. Anh em nghệ sĩ khuyên ông không nên làm việc này vì rất mất công. Cuối cùng ông xin được cầm chầu trong đêm diễn. Người cầm chầu phải là người rất am tường về tuồng tích của vở diễn, thế mà Nguyễn Chánh, không hiểu ông đã thuộc tuồng từ bao giờ, buổi diễn hôm ấy, tiếng trống chầu của ông đã làm cho không ít nghệ sĩ phải ngỡ ngàng!
* Ở xóm Vạn đò
|
Tượng tướng Nguyễn Chánh |
Ông Nguyễn Ngoan, nay đã 77 tuổi, gọi tướng Chánh bằng chú ruột, chỉ ra phía sau vườn - nơi có ngôi nhà sinh ra 8 anh em Nguyễn Chánh, nói: "Ông nội tôi chỉ có cái ao sau nhà là đáng giá nhất thôi". Tôi hỏi: "Vậy, ổng lấy gì để nuôi 8 người con?". "Ổng làm thợ xe nước". Một cụ ông hàng xóm góp chuyện: "Dân xe nước ở đất Sơn Tịnh này, ai mà chẳng biết ông Nguyễn Hàm Chức. Ổng là một thợ xe nước bậc thầy". Ngay tại bến đò xóm Vạn từng có một bờ xe nước mang tên ông. Hàng năm, cứ sau vụ gặt, những người có ruộng được hưởng nguồn nước từ bờ xe này đã nộp thóc cho chủ xe. Cái bờ xe nước ấy đã trở thành nguồn thu nhập chính cho cả gia đình. Nó đã góp phần nuôi Nguyễn Chánh và nuôi luôn những đồng chí của ông hoạt động cách mạng.
Trong ký ức mù sương của ông lão Nguyễn Ngoan vẫn còn nguyên hình bóng của các nhà cách mạng tiền bối như Nguyễn Nghiêm, Phan Thái Ất, Tôn Diêm… vẫn thường lui tới căn nhà này. Đến sau khởi nghĩa bốn lăm, ngôi nhà tranh ấy đã thành tổng hành dinh của các nhà lãnh đạo Khu V. Tuy không phải là người giàu có trong làng nhưng ông Nguyễn Hàm Chức là người rất có uy tín. Thuở trai tráng, ông từng là nghĩa quân của Lê Trung Đình. Cuộc khởi nghĩa của họ Lê bị dìm trong bể máu, ông trở về quê rồi gắn đời mình với các bờ xe nước sông Trà và kỳ vọng vào lớp con cháu, trong đó có người con út Nguyễn Chánh. Và cái xóm Vạn đò bên bờ sông Trà - nơi người cha đã từng lỡ vận vì việc lớn ấy đã thành bến đỗ cho các nhà cách mạng.
* Trong ký ức của người thân
Cụ Ngoan nhớ lại: "Chú Chín (tên thân mật thuở nhỏ của Nguyễn Chánh) là người điềm đạm, lành tính nhưng rất quyết đoán. Ông làm việc gì cũng đến đầu đến đũa, lại là người có tài hùng biện, ăn nói lưu loát, thấu tình đạt lý nên ai cũng phải nghe". Mười sáu tuổi, Nguyễn Chánh đã đến với cách mạng. Các nhà tù đế quốc đã thành trường học lớn rèn luyện cho ông. Một tài năng thiên bẩm cộng với môi trường khốc liệt của các nhà tù đế quốc và cuộc chiến tranh thần thánh của nhân dân đã làm nên vị tướng thao lược sau này.
"Lúc ấy tôi khoảng 9 tuổi, cha tôi từ nhà tù ở Huế về, ghé qua đêm thăm gia đình rồi lên luôn Ba Tơ. Ông cứ thoắt ẩn thoắt hiện bằng những chuyến đi-về như thế, anh em tôi chẳng biết ông làm gì. Mãi sau này, tôi mới biết ông làm cách mạng". Ông Nguyễn Chí Trực - 68 tuổi - con trai đầu tướng Chánh hồi tưởng về người cha mình bằng những ký ức đứt nối như thế. Ông nói: "Cha tôi là người giàu tình cảm. Ông ít khi ở nhà, song mỗi lần về là ông ôm tất cả anh em vào lòng, hỏi han từng đứa rất kỹ lưỡng. Em gái tôi - Giáo sư Tuyết Minh - là người được ông cưng nhất. Chả là, lúc mẹ tôi ở tù tại nhà lao Quảng Ngãi, bà bế em tôi theo luôn trong tù. Mấy người bạn tù cứ trêu em tôi rằng mày là con ông "bảy đáp" (mổ heo). Không ngờ những lời trêu chọc ấy đã ám ảnh cô bé đến lúc cách mạng thành công rồi, cha tôi về xưng "ba" với nó, nó vẫn không cho bế! Thương yêu con cái nhưng ông cũng là người cực kỳ nghiêm khắc với con. Có lần ông thấy tôi mặc chiếc áo xa xị màu nâu vải ngoại, ông buộc tôi phải cởi ra và đốt giữa sân nhà. Ông nói: "Ba đang hô hào toàn dân Khu V "bài" hàng ngoại, con mặc áo vải ngoại như thế, ai còn nghe ba nữa!". Đó là hồi kháng chiến chống Pháp, nhà nước mình hô hào chống hàng ngoại nên mới có tình trạng ấy".
Gần 50 năm kể từ ngày tướng Chánh tạ thế nhưng hình bóng người cha vẫn nguyên vẹn trong lòng người con trai trưởng: "Tối hôm ấy (1957), ông dặn với người cần vụ rằng sáng hôm sau ông đi Quảng Ninh, nhân tiện ghé thăm mấy đứa em tôi đang học ở trường học sinh miền Nam. Nhưng chuyến thăm những đứa em của cha tôi vĩnh viễn không bao giờ thực hiện được. Bốn giờ sáng hôm ấy, trái tim ông đã ngừng đập, khép lại một chặng đường đầy gian nan nhưng cũng rất hào hùng của ông".
* Một chút băn khoăn
Trước khi mất, Nguyễn Chánh giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục cán bộ Quân đội, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông mất trước khi Nhà nước phong quân hàm cho các tướng lĩnh nên chưa một ngày cầu vai trên áo ông được lấp lánh ngôi sao. Ông đã đóng góp một cách xuất sắc vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Khu V. Công lao ấy hoàn toàn xứng đáng để Nhà nước đầu tư xây dựng tại làng ông một nhà lưu niệm. Ông Trực, con trai trưởng của ông thông báo với tôi rằng ông đã sưu tầm trên 100 hiện vật gồm thư từ, hình ảnh, tư trang liên quan đến cuộc đời hoạt động của Nguyễn Chánh nhưng cho đến nay (cuối tháng 7-2004), vẫn chưa biết sẽ trưng bày vào đâu (?). Năm 2000, tỉnh Quảng Ngãi có đầu tư 100 triệu để xây nhà lưu niệm cho ông nhưng sau 4 năm rồi, hàng cau trước nhà đã cho quả, song nhà thì vẫn trống huơ trống hoác. Mới đây, tỉnh lại rót tiếp 300 triệu nữa để "hoàn thành" nhà, song một "núi" tiền như thế mà nhà lưu niệm của vị tướng vẫn rất vá víu, chẳng tương xứng chút nào với số tiền đầu tư.
Ngày 5-8 năm nay là kỷ niệm 90 năm ngày sinh Nguyễn Chánh nhưng đường về nhà ông thì vẫn gập ghềnh như thuở còn ở chiến khu Nước Lá - Ba Tơ. Tôi nghe nói tướng Chánh là người rất ghét hình thức, song không vì thế mà chúng ta hời hợt với tiền nhân, nhất là một vị tướng lừng danh như ông.
. T.Đ |