Mắc kẹt ở "thiên đường"
12:13', 4/8/ 2004 (GMT+7)

. Phóng sự của Trần Đăng

Tay nhân viên hải quan nơi cửa khẩu giữa Lào và Thái Lan cầm tấm "giấy thông hành", nhìn tôi một lượt từ đầu đến chân rồi lắc: "Người này ở lại!". Anh ta quay sang người phiên dịch: "Nếu tôi đồng ý cho người này đi, sang bên cửa khẩu Thái, họ cũng bắt quay về thôi. Vô ích".

Nhà trọ của Việt "liều"

Biết tôi là nhà báo bị rớt lại trên đất Lào do không có hộ chiếu, ông Đào Hữu Lạn, cán bộ Lãnh sự nước ta tại Savẳn tỏ ra ái ngại: "Anh để tôi tính, sang bên Mục (Mụcđahản) thì khó khăn gì". Suy nghĩ một lúc, ông rút lui ý định xin cho tôi sang đất Thái bằng một lời an ủi: "Thôi,  ở lại bên này đi. Nhiều chuyện hay ra phết đấy". Rồi ông vỗ vào vai tôi, cười cười: "Tiếng Lào, Savẳnnakhẹt có nghĩa là "thiên đường" đấy nhà báo ạ!".

Tôi nhìn các đồng nghiệp bước xuống phà qua sông Mê Kông để sang bên đất Thái mà lòng đầy ấm ức. Chuẩn bị cho "Nhịp cầu xuyên Á" này, cả ba nước Thái, Lào và Việt Nam đã giảm các thủ tục hành chính đến mức không thể giảm hơn được nữa để tạo điều kiện cho các du khách "xuyên Á" thuận lợi nhất, nhưng "giữ chân" tôi ở lại đất Lào không phải từ các cửa khẩu mà là do… chính mình. Tôi phải đợi 7 ngày mới nhận được quyết định "cử đi công tác" thì hộ chiếu hộ mền gì làm cũng không kịp! Tôi nhìn dòng Mê Kông ngầu đục lần cuối rồi xách túi lủi thủi tìm chỗ trọ.

Mấy anh cán bộ của Công ty Thương mại Quảng Trị đang công tác tại Savẳn hỏi tôi sau bữa cơm chiều: "Chừ anh thích chi?". Tôi thì chẳng biết mình thích gì trong lúc này nên nước đôi: "Thứ gì cũng được!". Một anh nhanh nhảu: "Ở Savẳn có hai "đối tượng"  rất tốt cho nghề nghiệp của anh nếu anh muốn tìm hiểu họ. Một là Việt kiều, hai là Việt "liều". Anh đồng ý không?". Tôi O.K ngay.

* Việt kiều

Chùa Thacinghang - một trong những điểm đến của tour "xuyên Á"

Savẳn là thủ phủ của tỉnh Savẳnnakhẹt có khoảng 6 vạn dân. Dù trong các văn bản hành chính của Lào, Savẳn chưa bao giờ được gọi "thành phố", song người dân ở "thiên đường" này luôn tự hào rằng đây là thành phố lớn thứ hai sau Viên Chăn. Họ nói rằng vai trò của Savẳn ở Lào như TP. Hồ Chí Minh của Việt Nam vậy. Thoạt nghe cứ tưởng đến Savẳn sẽ bắt gặp những tòa nhà chọc trời, những đại lộ thênh thang, những siêu thị sầm uất; song đặt chân đến đây, cảm nhận đầu tiên của tôi về thành phố bên dòng Mê Kông này là một đô thị yên ắng đến lạ lùng. Thế nhưng, tiếp xúc với những công dân định cư lâu năm ở đây thì Savẳn quả thật là "thiên đường" với họ, ít ra là đối với những Việt kiều từng mặn ngọt mấy mươi năm qua tại mảnh đất này. Ông  Đào Hữu Lạn mở sổ tay: "Ở Savẳn có 561 gia đình Việt kiều với khoảng gần 3.000 người. Họ thuộc thế hệ thứ 2, 3 và 4. Gần như thế hệ đầu tiên trôi dạt sang đây sinh cơ lập nghiệp hiện không còn ai nữa". Cũng theo ông Lạn, dù ở Savẳn không có trường đại học, song đã có 25 Việt kiều tốt nghiệp đại học, 53 người đang là sinh viên, trong đó có 21 người đang du học nước ngoài. Ở Savẳn còn có một trường tiểu học dành riêng cho con em Việt kiều. Hàng năm, Việt Nam cử  7 giáo viên sang đây dạy tiếng Việt cho số học sinh này vì các cháu thuộc thế hệ Việt kiều thứ 4 nên hoàn toàn không biết tiếng Việt.

Tôi đi dọc theo các phố chính ở Savẳn, thỉnh thoảng lại thấy những ngôi biệt thự rất sang trọng chìm trong các vườn cây sum suê hoa trái. Anh Sơn, nhân viên của Công ty Thương mại Quảng Trị, nói: "Nhà của Việt kiều đấy. Ở Savẳn này có khoảng 200 "đại gia" như thế". Tình cờ tôi gặp ông Nguyễn Lao, một trong 200 "đại gia" ấy, trong một quán cóc. Bố ông Lao quê Quảng Bình sang đây năm 1940, còn ông thì sinh ở Savẳn. Thấy tôi ngạc nhiên cho vốn tiếng Việt của ông, ông cười: "Tôi thừa hưởng vốn tiếng Việt của cha mẹ nhưng con tôi thì chỉ nói được "tiếng chợ" (tiếng Việt thông thường), còn cháu tôi thì mù tịt tiếng của… ông cố nội nó!". Những "đại gia" này, tài sản của họ, đếm không xuể. Tôi không hiểu họ làm những gì mà giàu đến thế, song khi tiếp xúc với ông Lao, tôi đã hiểu ra. Nghe tôi kể về ngôi chùa Thatinghang, cách Savẳn chừng 13 cây số, ông Lao cứ tròn mắt. Đây là ngôi chùa thiêng nhất của người Lào và người Thái ở vùng đông bắc nhưng ông Lao thì chẳng biết gì về nó. "Người Việt mình qua đây là chúi mũi vào kiếm tiền, ai để tâm chi đến chùa với chiền mà biết!". Ông Lao nói. Còn người Lào thì khác: "Anh coi trọng nhất khi làm việc; còn tôi coi trọng nhất khi… chơi!".

* Việt "liều"

Dancing ở "Thiên đường"

Ông Lạn thống kê: "Số Việt "liều" lúc đỉnh điểm ở Savẳn là hai ngàn người. Họ làm đủ thứ nghề, nhưng vất vả và nghèo lắm". Tiếng "nghèo lắm" được ông kéo dài ra, nghe thật xa xót. Làm thuê cho anh nhà giàu thì còn có thể chấp nhận được, đàng này lại đi làm thuê cho anh nhà nghèo, nghe cứ tưng tức! Tôi đã đột nhập vào một "xóm liều" và chợt lặng người khi thấy trong các căn lán tồi tàn và ẩm mốc ấy, người nào cũng treo ảnh các con của họ trên những tấm vách rách nát. Anh Hiền quê ở Huế, nói: "Hai đứa nhỏ tôi gửi cho các xơ rồi. Nhớ chúng lắm nên treo tấm ảnh này cho đỡ nhớ con". Anh Nguyễn Lưu, người Hải Dương, sang đây được 5 năm, làm nghề thợ xây, chua chát: "Bên mình thiếu ruộng đất nên mới sang đây kiếm ăn chứ khốn nạn lắm anh à. Sang bằng hộ chiếu, hết thời hạn: phạt! Sang bằng giấy thông hành, sau vài tháng: phạt! Đi "chui", càng bị phạt nặng. Tháng kiếm vài triệu, nộp phạt mấy trăm rồi, lấy gì mà giàu?".

Trong lúc trò chuyện với nhóm thợ xây, tôi nghe tiếng leng keng ngoài ngõ. Anh Lưu chỉ vào một Việt "liều": "Thằng đó qua đây bán cà rem. Mỗi ngày nó phải băng khoảng 80 cây số đường rừng vào các thôn bản để kiếm tám chục ngàn". Anh Phước "cà rem" lấy tay áo lau mặt: "Mưa quá, kem ế sình ra đây. Chuyến này lỗ nặng". Quay sang tôi, anh phân bua: "Em thì đỡ hơn các anh này vì nhẵn mặt công an Lào rồi. Các anh ấy nói "phạt làm gì cái thằng "leng keng" ấy. Ở bên mình không biết làm gì cho có tiền nên đành "liều" sang đây kiếm sống chứ cực nhục lắm. Trăm thứ phiền phức nó trút lên đầu mình. Đưa con sang đây cho đỡ nhớ thì phải chịu cảnh thất học, mà muốn nó có cái chữ thì cha con đành chia cách thôi". Vẫn mang tiếng là Việt "liều", song nom mặt ai cũng hiền lành chất phác. Miếng cơm manh áo đã đẩy họ sang đây chứ nào ai muốn. Cái cảm giác mặn đắng trong tôi đã được an ủi phần nào khi nghe họ nói, khi nhìn những việc họ làm hàng ngày. Họ không từ nan bất cứ một việc gì dù là nặng nhọc nhất, trừ việc phạm pháp - điều rất khác biệt với một số lao động của ta đang làm việc ở các nước. Tôi cứ tiêng tiếc cho những giả định của mình: Giá như Nhà nước ta có hẳn một tổ chức chuyên quản lý số lao động tại Savẳn thì số Việt "liều" này đỡ khổ biết bao nhiêu!

* Xuyên Á với Việt…du lịch

Các cửa khẩu sang Lào và Thái vừa bỏ visa, lập tức các tour "xuyên Á", giảm xuống còn 750 ngàn cho hai ngày một đêm. Sáng còn ngồi phì phèo thuốc lá ở Đông Hà, trưa đã ăn cá nướng bên dòng Mê Kông. Hành trình "xuyên ba nước" trong một buổi như thế, quả là lý tưởng. Công ty Thương mại Quảng Trị mở màn cho việc giảm giá ấy bằng tour đầu tiên này. Tôi bị văng ra khỏi tour như đã kể, đâm ra lại… sướng. "Thiên đường" mà tôi đã trải qua đêm ở Savẳn không chỉ là những thân phận bọt bèo của người Việt mình. Những thân phận ấy có thể chỉ có ý nghĩa với nghề nghiệp của tôi, còn với khách du lịch, điều họ muốn khám phá là ở khía cạnh khác. Tôi ra "đón đoàn" bên này sông Mê Kông. Một đồng nghiệp lắc đầu: "Sang Mục cho biết thế thôi chứ "chơi" thì chưa sướng!". Anh ta hỏi tôi: "Bên Lào thế nào?". Tôi lại ỡm ờ, học mót cách nói của ông Lạn: "Savẳn là "thiên đường" mà lỵ!". Nghe thế, ông bạn nổi sướng đột xuất, yêu cầu anh hướng dẫn viên Trần Hữu Phước: "Ở lại "thiên đường" đi!". Là sướng lên mà nói thế thôi, ở thêm thế nào được, dù là ở "thiên đường". Tôi hỏi anh Phước: "Nếu du khách yêu cầu tour hai đêm hai ngày thì sao?". Phước quả quyết: "Ở mấy đêm mà chẳng được. Thật ra đi hai ngày một đêm như ri là cực cho tui lắm. Nếu ở hai đêm, tour sẽ dành một đêm ở "thiên đường", một đêm bên Mục. Muốn biết bên Mục thế nào thì anh hỏi các đồng nghiệp, còn bên "thiên đường" thì như anh biết rồi đấy!". Nói rồi, Phước tủm tỉm cười. Còn tôi thì vẫn thấy thiêu thiếu một điều gì. Có phải vì hai chữ "thiên đường" chỉ là kỳ vọng của người Lào chăng?

. T.Đ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tây Sơn: Cán bộ cấp huyện về thôn, làng đã lơi dần   (04/08/2004)
Bạn đọc được phục vụ tốt hơn   (03/08/2004)
Chuyện ở quê tướng Nguyễn Chánh   (02/08/2004)
Ghi nhận ngày đầu tiên ra quân lập lại trật tự an toàn giao thông  (02/08/2004)
Vì sao không tuyển được lớp chuyên Lịch sử và Địa lý?  (01/08/2004)
Những chặng đường lịch sử của ngành Tư tưởng - Văn hóa   (30/07/2004)
Người thương binh được dân kính mến   (30/07/2004)
Mỹ Đức có một ông... "quan"   (29/07/2004)
Sôi động thị trường mũ bảo hiểm   (28/07/2004)
Công hội đỏ và những cuộc đấu tranh đầu tiên của CNLĐ Bình Định  (28/07/2004)
Sôi nổi và hiệu quả  (28/07/2004)
Chuyện một người làm công tác đền ơn đáp nghĩa   (27/07/2004)
Uống nước nhớ nguồn   (27/07/2004)
Tấm lòng của Bác Hồ đối với thương binh, liệt sĩ  (26/07/2004)
Ghi nhận qua phong trào thi đua của công nhân, lao động tỉnh Bình Định   (26/07/2004)