Điện thoại di động: Thật - giả khó phân
16:43', 23/8/ 2004 (GMT+7)

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ) ở Quy Nhơn, hiện nay, người tiêu dùng đang đối mặt với những khó khăn trong việc chọn một chiếc ĐTDĐ "thật". Mặc dù với người tiêu dùng, ai cũng biết là "tiền nào của nấy", nhưng sự thật không hoàn toàn như vậy.

* Mua cũ, bán mới

Chọn mua điện thoại di động

Cầm trong tay chiếc ĐTDĐ Nokia 6610 còn mới cáu cạnh, anh bạn tôi khoe: "Vừa mua máy với giá 2.850.000 đồng, còn sim mới hết 400.000 đồng, mày xem thử thế nào.". "Máy mới à?" - tôi hỏi. "Ừ, máy mới 100% có đủ cả hộp, tai nghe và bảo hành một năm nữa đấy!". Chiếc ĐTDĐ Nokia 6610 có bộ vỏ màu xanh chưa một vết trầy xước. Tò mò, tôi mở vào thư mục danh bạ thì hỡi ôi, một loạt tên và số điện thoại lạ hiện ra. "Mày vừa lưu số ĐTDĐ vào à?" - tôi hỏi. "Vừa mua máy tức thì, làm gì có thời gian mà lưu số vào". Ngay sau đó, chúng tôi mang chiếc ĐTDĐ này đến thắc mắc với chủ cửa hàng ĐTDĐ vừa bán. Sau một lát chần chừ, chủ cửa hàng ĐTDĐ trả lời tỉnh bơ: "À, thì hôm trước tôi thử máy cho khách đấy mà". Không tin vào lời giải thích mập mờ đó, chúng tôi mang điện thoại đến một anh bạn tên T. - chủ một cửa hàng ĐTDĐ - nhờ xem giúp. Sau một vài thao tác "nghiệp vụ", anh bạn khẳng định: "Hàng xài rồi!".

Theo anh T., đây là chiếc ĐTDĐ vừa dùng được khoảng 1 tháng trở lại. Sở dĩ máy không trầy xước gì là vì người chủ trước đó đã dán keo và dùng khá cẩn thận. Đây có thể là người vừa đổi máy hoặc kẹt tiền nên bán. Với những chiếc ĐTDĐ như trên, thường nhiều cửa hàng kinh doanh ĐTDĐ ở Quy Nhơn thu vào với giá máy cũ (khoảng từ 2.200.000 - 2.300.000 đồng) nhưng sau đó "tút" lại rồi bán ra với giá máy mới.

* ĐTDĐ "hợp chủng quốc"

Bên cạnh những chiếc ĐTDĐ "tút", thị trường ĐTDĐ ở Quy Nhơn còn có nhiều loại hàng "ráp". Được lắp ráp từ nhiều loại, nhiều nguồn linh kiện nhập lậu khác nhau. Thậm chí, có nhiều chiếc ĐTDĐ được lắp ráp từ những bộ phận bo mạch (main), chíp (IC), pin, vỏ máy cũ, hoặc linh kiện lô (linh kiện hàng bị lỗi, kém chất lượng) không đồng nhất. Chính vì vậy, những chiếc ĐTDĐ này thường chất lượng khá thấp, nhưng giá bán thì như các ĐTDĐ "xách tay" bình thường. Ngoài ra, còn có nhiều loại ĐTDĐ ráp theo kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia". Những loại này được khoác trên mình lớp vỏ xịn của Phần Lan hoặc Đức…, nhưng linh kiện bên trong thì có lúc là của Hàn Quốc, Trung Quốc... Mặc dù có nhiều linh kiện "xịn" như vậy nhưng vì không hợp nhất nên chất lượng những loại ĐTDĐ kiểu này cũng khá bất ổn. Theo anh H., thợ sửa ĐTDĐ ở đường Phan Bội Châu (Quy Nhơn), ĐTDĐ Nokia hàng "ráp" thường bị thay vỏ, pin và lắp ghép IC nên hay bị mất sóng, chất lượng chuông và màn hình kém. Chính vì vậy nên những chiếc ĐTDĐ loại này được các cửa hàng kinh doanh điện thoại bán theo loại máy cũ nhưng còn khá mới để bảo hành một tháng theo loại máy cũ. Với những loại ĐTDĐ này, để tiêu thụ được, nhiều chủ cửa hàng ĐTDĐ thường lấy "mác" là hàng "xách tay" để bán ra trên thị trường.

ĐTDĐ là mặt hàng có giá trị tương đối cao, đa dạng về thể loại và khá phức tạp. Vì vậy, để có được chiếc ĐTDĐ "tiền nào của nấy", người tiêu dùng cần thận trọng khi lựa chọn.

. Lê Anh

 

Những cách phân biệt hàng "ráp"

Để tránh mua phải hàng "ráp", bạn nên áp dụng một số thủ thuật sau đây:

Thân và vỏ máy không khít, chân sạc điện thoại màu xám (đã có sử dụng nên không còn sáng). Kiểm tra số IMEI trong máy: chữ in trên mã vạch nhòe không sắc nét, vỏ hộp và sách hướng dẫn chỉ là in thủ công, nét chữ không sắc.

Điện thoại Nokia hàng "ráp" có độ phân giải màn hình không đều, các điểm trên màn hình chỗ sáng, chỗ tối. Ngoài ra, có thể kiểm tra bằng cách nhập mã: *#92702689#, khi đó máy sẽ hiện lên số IMEI, ngày sản xuất. Nếu ngày sản xuất từ năm 2003 trở về trước thì chắc chắn đó là hàng "ráp".

Pin và thân máy của điện thoại Samsung hàng "ráp" không đồng nhất. Tất cả điện thoại hàng "ráp" của Samsung được thay bằng pin "lô". Vì vậy, có thể phân biệt "pin lô" và pin chính hãng bằng cách quan sát chất liệu nhựa đúc trên vỏ pin (pin "lô" có màu sắc không thật). Ngoài ra, cũng có thể phân biệt pin qua giá: giá pin chính hãng và pin lô chênh nhau khoảng 300.000 đồng.

Một số dòng máy có hàng "ráp" hiện nay trên thị trường: Nokia: 6610, 6100, 7250i, 6620, 1100, 2300, 8250, 8310, 3100, 3120...; Samsung E700, T400, V200, T500, S200, S500; Sony Ericsson T610.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục  (22/08/2004)
Quy Nhơn: Những ngày đầu thực hiện bắt buộc đội mũ bảo hiểm  (20/08/2004)
Bát nháo nạn đào sắt phế liệu ở kho đạn Đèo Son   (19/08/2004)
Vùng đất dưới chân Đồi 10   (19/08/2004)
Những người lặng lẽ gìn giữ niềm vui  (19/08/2004)
Công an Bình Định không ngừng lớn mạnh trong phong trào học tập thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND  (19/08/2004)
Chị Bảy hòa giải   (18/08/2004)
Chú trọng công tác tư tưởng ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số   (18/08/2004)
Xây dựng cuộc sống mới ở Vân Canh  (18/08/2004)
Nghe nói chuyện thời sự thích lắm!   (17/08/2004)
Nhức nhối nạn lấn chiếm đất trái phép ở phường Quang Trung  (16/08/2004)
Hành trình lên đất thượng nguồn  (16/08/2004)
Hai khu dân cư tiên tiến điển hình của Bình Định   (15/08/2004)
Tiếng kêu khẩn thiết từ thôn Tân Hòa   (15/08/2004)
Tệ nạn mại dâm ở Quy Nhơn: Nhìn và thấy  (15/08/2004)