Kiên Mỹ, làng văn hóa
16:54', 24/6/ 2003 (GMT+7)

Biểu diễn trống trận tại Bảo tàng Quang Trung (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Kiên Mỹ, một làng quê hiền hòa nằm bên bờ sông Côn được cả nước biết đến, bởi đấy là quê hương của 3 vị lãnh tụ phong trào nông dân Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Vì vậy có thể gọi Kiên Mỹ là "đất thang mộc".

Kiên Mỹ nằm phía dưới đèo An Khê thuộc vùng Tây Sơn hạ đạo, là miền giáp ranh giữa núi và đồng bằng. Làng gồm 7 xóm nằm song song dọc theo tả ngạn sông Côn và Quốc lộ 19 đi Tây Nguyên, nên rất thuận tiện giao thông thủy bộ. Sông Côn thời cổ có những người Hoa theo dòng buôn bán, lập nên các phố thị sầm uất như Phú Phong, An Thái… Nhiều tướng sĩ nhà Minh sang lánh nạn, lập các lò võ tập luyện với ý đồ "phản Thanh phục Minh". Người Việt ở Kiên Mỹ, Phú Phong, An Thái theo học và xây dựng các lò võ thuật Tây Sơn nổi tiếng.

Đất Kiên Mỹ không có thế "hổ bàn long cứ" nhưng lại là nơi "địa linh nhân kiệt" phát tích đế vương với sự nghiệp lẫy lừng làm rạng rỡ non sông đất nước, khiến cho mấy kẻ ngoại bang mỗi khi nhắc đến quân Tây Sơn còn "tim đập chân run". Nhưng Kiên Mỹ lại là làng quê hiền lành rất đỗi Việt Nam với nghề làm ruộng là chính, cùng các nghề thủ công, buôn bán phát triển. Kiên Mỹ có các xóm mang những tên nôm biểu trưng của nghề nghiệp, như xóm Ươm chuyên ươm tơ, kéo sợi; xóm Bún, xóm Rèn, xóm Đậu, xóm Mía, xóm Chợ... Ngoài tên nôm, mỗi xóm có một tên chữ rất hay, là Hưng Bửu, Hưng Nguyên, Hưng Thạnh, Hưng Hòa, Hưng Nhơn, Hưng Hóa…

Ngày nay, Kiên Mỹ nhập vào thị trấn Phú Phong và trở thành khối 1. Các xóm trước kia cũng được "thay tên đổi họ", trở thành tổ 1, 2, 3…7 của thị trấn. Tuy là dân thành thị, nhưng người Kiên Mỹ cho đến bây giờ vẫn rất thuần hậu chất phác, chưa hề pha tạp lối sống thị thành dù cách thị trấn chỉ một dòng sông Côn. Cả Kiên Mỹ hiện có 724 hộ dân với gần 4.000 nhân khẩu, chia thành khối 1 và 1A, 8 tổ dân phố với 1 HTXNN, chi bộ có 27 đảng viên và các đoàn thể quần chúng, mặt trận… cùng chung lo lãnh đạo nhân dân sản xuất, xây dựng đời sống.

Qua hai cuộc kháng chiến, nhân dân Kiên Mỹ hết lòng ủng hộ cách mạng. Hiện cả làng có 22 liệt sĩ, 2 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng (đều đã mất) hàng trăm người hưởng chế độ chính sách đãi ngộ, gia đình có công với nước, người nghỉ hưu, mất sức lao động.

Kiên Mỹ có bảo tàng Quang Trung xây dựng ngay trên đất của gia đình Nguyễn Huệ (ở tổ 5 - Hưng Bửu). Trong khuôn viên bảo tàng, hai cây me cổ thụ có từ thời Nguyễn Nhạc còn để chỏm vẫn xanh tốt, đầy trái chín. Cái giếng khơi thăm thẳm, nước ngọt mát từ thuở ấy vẫn được nhân dân Kiên Mỹ gìn giữ đến ngày nay. Điện thờ "3 ngài Tây Sơn" do nhân dân Kiên Mỹ bí mật dựng lên hồi trước, nay được trùng tu thật to đẹp đàng hoàng.

Quanh Kiên Mỹ còn khá nhiều di tích liên quan đến phong trào Tây Sơn. Đó là bến Trường Trầu trên sông Côn (thuộc xóm Hưng Hòa). Đó là Gò Đá Đen ngoài cánh đồng Hưng Bửu...

Do có nguồn lịch sử văn hóa phong phú, hàng năm lại được đón du khách khắp nơi về vui dự lễ hội Đống Đa, nên nhân dân Kiên Mỹ đã sớm ý thức xây dựng cho mình một nếp sống văn hóa. Ngày 24-9-1999, nhân dân Kiên Mỹ đăng ký xây dựng "làng văn hóa", cùng nhau đoàn kết đẩy mạnh mọi mặt hoạt động, đưa cuộc sống mới ngày một đi lên. Sản xuất nông nghiệp, đưa năng suất từ 50 tạ/ha/năm tăng dần lên 51-52 tạ và năm 2002 đạt 56 tạ/ha/năm. Lương thực bình quân 571 kg/nhân khẩu. Có nông dân sản xuất giỏi cấp huyện như anh Trần Ngọc Anh ở tổ 5 Hưng Bửu, 1 năm thu nhập 60-70 triệu đồng.

Sự nghiệp giáo dục của Kiên Mỹ ngày một phát triển. Làng có 1 trường THCS 1.100 học sinh, 3 trường tiểu học 1.700 học sinh và 1 trường mẫu giáo. Hầu hết đường làng ngõ xóm Kiên Mỹ đã được bê tông hóa. Hàng chục năm nay Kiên Mỹ không hề có các tệ nạn xã hội như trộm cướp, cờ bạc, xì ke ma túy, mại dâm, say rượu quậy phá… Cưới hỏi ở đây cũng rất giản dị, tiết kiệm. Ma chay mang đầy tính nhân văn của tình làng nghĩa xóm. Nhà ai không may có người qua đời, ông tổ trưởng đánh 3 hồi 9 tiếng kẻng là bà con biết hiệu, mỗi nhà cử một người đến giúp sức cùng gia đình lo việc tang lễ. HTX giúp 2 xe tang và viếng một vòng hoa. Bà con giúp công và nhang đèn rồi ai về nhà nấy chứ không bày vẽ ăn uống.

Ngày 28-6-2002, làng Kiên Mỹ chính thức được UBND tỉnh công nhận là "làng văn hóa". Nhân dân Kiên Mỹ rất phấn khởi lao động sản xuất, xây dựng làng xóm ngày càng no ấm văn minh, xứng đáng là làng văn hóa, là quê hương của các vị lãnh tụ Tây Sơn và Anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ.

. Nguyễn Văn Chương

                                               

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Không đoạt Huy chương, đội Bình Định vẫn làm vui lòng khán giả  (22/06/2003)
Đội Bình Định đoạt giải nhất toàn đoàn  (22/06/2003)
Bình Định đoạt Huy chương đồng, tại sao không?   (20/06/2003)
3 gương mặt xuất sắc qua Liên hoan Tiếng hát Phát thanh - Truyền hình lần thứ 4  (19/06/2003)
Cơ hội đoạt cúp lần đầu tiên của đội Bình Định  (17/06/2003)
Nghịch lý Cúp Quốc gia  (16/06/2003)
Bình Định mơ huy chương đồng  (16/06/2003)
Bình Định hướng tới mục tiêu tranh Huy chương đồng?  (13/06/2003)
"Thể thao đã giúp chúng tôi lấy lại cân bằng trong cuộc sống…"  (12/06/2003)
Ghi nhận từ Liên hoan tiếng hát Phát thanh - Truyền hình Bình Định lần thứ 4  (12/06/2003)
Vòng chung kết Cúp quốc gia 2003 sẽ là một bữa tiệc bóng đá  (11/06/2003)
Gia phong trong văn hóa gia đình người Việt  (10/06/2003)
Bình Định đòi được nợ!  (08/06/2003)
Cuộc tái đấu giữa cặp kỳ phùng địch thủ  (06/06/2003)
Gò Cây Ké - Một địa chỉ gốm Champa tiềm ẩn  (05/06/2003)