|
Lễ hội đâm trâu trước nhà rông tại Vĩnh Thạnh |
Nhà rông là nơi neo giữ của tâm thức cả cộng đồng, thực hiện nhiều chức năng trong đời sống chung của dân làng: tế lễ, hội họp, tiếp khách của cả làng. Nhà rông như vậy, thật sự là công trình kiến trúc và nghệ thuật tập thể của cộng đồng, trở thành niềm tự hào của cả làng.
* Nhà rông: Những thay đổi về chức năng
Nhà rông Bình Định đã có từ lâu, hay nói như các già làng, có từ khi con người biết làm nhà để ở. Tuy nhiên, trải qua chiến tranh, cùng sức hủy hoại của thời gian, nhà rông truyền thống đã hư hỏng nhiều. Đa số các nhà rông hiện tồn đều được xây dựng mới trong những năm gần đây. Một số địa phương đã sử dụng những vật liệu mới như tôn lợp thay cho tranh, bê tông cốt thép thay cột kèo bằng gỗ quý và cách điệu đôi chút đối với cấu trúc vách, sàn, có cửa sổ hai bên, mái thấp và dài.
Ông Nguyễn Thanh A, Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh:
Chúng tôi cho rằng, trong điều kiện hiện nay, nếu tách hẳn nhà rông truyền thống và nhà rông văn hóa là không phù hợp, mà cần kết hợp đưa các hoạt động văn hóa của bản làng vào nhà rông. Xây dựng mô hình nhà rông văn hóa không những phù hợp với kiểu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào, khôi phục lại một kiến trúc độc đáo đang bị mai một, mà còn có ý nghĩa rất lớn là các hoạt động hướng vào quỹ đạo bảo tồn những yếu tố nhân văn của văn hóa truyền thống sẽ được đẩy mạnh trên cơ sở các phương tiện hiện đại. Quan điểm gắn nhà rông truyền thống và nhà rông văn hóa cũng là một chủ trương nhất quán của tỉnh khi xây dựng thiết chế nhà rông - nhà rông văn hóa.
Để mỗi làng đồng bào dân tộc ít người có một nhà rông hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các địa phương xây dựng mỗi làng một nhà rông. Mục tiêu đề ra cho mỗi năm là xây dựng 2 - 3 nhà rông mới và tu sửa một số nhà rông hư hỏng để đưa vào hoạt động là một thiết chế văn hóa. |
Ngoài những thay đổi từ hình thức như vậy, nhà rông đã có những thay đổi về chức năng. Từ khi triển khai cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", nhất là phong trào xây dựng làng văn hóa, nhà rông đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của làng. Điển hình là làng Tơ Lok (Vĩnh Thịnh- Vĩnh Thạnh); Hà Văn Trên, Hà Văn Dưới (Canh Thuận- Vân Canh); Hiệp Hội (Canh Hiệp- Vân Canh)…
Làng Tơ Lok là một điển hình trong việc khôi phục nhà rông và xây dựng mô hình nhà rông văn hóa. Làng đã huy động sức người, sức của của các thành viên trong làng để khôi phục nhà rông. Nhà rông đã trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa- thể thao của làng. Ngoài những nội dung sinh hoạt văn hóa truyền thống, nhà rông của làng còn là nơi xem tivi, video, đọc sách báo, nghe thời sự, phổ biến một số công tác của làng.
Như vậy đến thời điểm này, nhà rông xét về tính cách, quy mô và chức năng đã có những thay đổi so với nhà rông truyền thống. Việc gắn nhà rông truyền thống và nhà rông văn hóa, đưa các hoạt động văn hóa vào nhà rông là một định hướng có tính khả thi trong điều kiện hiện nay. Nhà rông văn hóa sẽ giúp đồng bào nâng cao dân trí bằng chính những sinh hoạt văn hóa truyền thống của mình, kết hợp với nội dung và hình thức hiện đại.
Tuy nhiên, nói như vậy không phải là chúng ta làm mới nhà rông bằng những vật liệu hiện đại. Vật liệu hiện đại có thể được sử dụng một cách hạn chế, nhưng phải xây dựng theo hình thức truyền thống. Đưa mô hình nhà rông vào các khu sinh hoạt văn hóa tập trung ở trung tâm cụm xã là hoàn toàn không phù hợp với truyền thống sinh hoạt của đồng bào. Nhà rông tất yếu phải gắn với mỗi bản làng.
* Khôi phục nhà rông cho bản làng: Mục tiêu không còn xa
Theo ông Nguyễn Thanh A, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thông tin, Bình Định có khoảng trên 90 làng có từ 90-100% đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống và hiện có khoảng 55 nhà rông. Như vậy, hiện vẫn còn khoảng một nửa số bản làng chưa có nhà rông hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng.
Khôi phục nhà rông, không những chỉ để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống mà còn hội nhập những giá trị văn hóa mới. Mỗi nhà rông cần được đầu tư khoảng 100 triệu đồng. Trong điều kiện hiện nay, xây dựng nhà rông cần được tiến hành với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Hiện nay, Sở Văn hóa- Thông tin đã và đang phối hợp với các ngành liên quan và UBND các huyện miền núi tổng kiểm kê số lượng nhà rông hiện có và đang hoạt động tốt, số nhà rông hư hỏng cần tu sửa, số nhà rông cần xây dựng mới. Trong thời gian tới, sẽ phấn đấu xây dựng mỗi làng một nhà rông. Mục tiêu đề ra là xây dựng 2- 3 nhà rông mới và tu sửa một số nhà rông hư hỏng mỗi năm để đưa vào hoạt động là một thiết chế nhà rông văn hóa.
Và như vậy, mong muốn của đồng bào về việc khôi phục lại những mái nhà rông của bản làng sẽ không còn xa.
. Lê Viết Thọ
|