PGS-TSKH TRẦN HOÀI LINH:
“Tôi tự hào là người Bình Định”
14:36', 23/2/ 2008 (GMT+7)

Tiến sĩ khoa học (TSKH) Trần Hoài Linh (Phó Trưởng khoa Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội) hiện là một trong hai Phó giáo sư (PGS) trẻ tuổi nhất (33 tuổi) trong các PGS đang làm việc tại Việt Nam. Trò chuyện với PV Báo Bình Định, vị PGS trẻ nhất nước này tự hào: “Tôi là người Bình Định”…

 

Vợ chồng PGS-TSKH Trần Hoài Linh (thứ ba và thứ tư từ trái qua) và các đồng nghiệp Ba Lan. Ảnh: T.X

 

* Học hàm, học vị chỉ là mốc thẩm định lại mình

Năm 1990, đang là học sinh chuyên Toán tại Khối A0 (Đại học Tổng hợp Hà Nội), Trần Hoài Linh đoạt giải Nhì Tin học Quốc tế tại kỳ thi tổ chức tại Minsk (Liên Xô cũ). Năm 1991, anh sang Ba Lan học tin học ứng dụng tại Đại học Bách khoa Vacsava. Tốt nghiệp đại học 1997; năm 2000, anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ; năm 2005, quay lại Ba Lan bảo vệ học vị TSKH. Tháng 12.2007, anh được công nhận học hàm PGS.

* Để đạt những thành công trên đường khoa học như vậy, hẳn anh đã vượt qua không ít khó khăn?

- Theo tôi, nếu nhìn một cách tích cực thì khi đã đi qua một chặng đường, ta có cảm nhận rằng nó không chông gai và khó khăn như mình tưởng ban đầu. Quá trình học tập của tôi cũng vậy. Trên con đường khoa học, mà phần lớn do mình vạch ra, đã có rất nhiều khó khăn, trắc trở, nhưng đến nay tôi vẫn lạc quan. Còn học hàm, học vị đã đạt được, thì với tôi, chỉ là những cột mốc thẩm định trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu chứ không phải mục tiêu. Tôi quan niệm là một khi có hội đồng để xem xét, đánh giá về các kết quả của mình, thì đó sẽ là cơ hội để mình nhận được những ý kiến đóng góp quý báu. Nếu được chấp nhận, thì mình thêm vững tin về những phương hướng và công việc của mình; nếu chưa được chấp nhận, thì mình cũng biết thêm những khiếm khuyết để tiếp tục phát triển.

13 năm học tập và nghiên cứu ở Ba Lan, Trần Hoài Linh được làm học trò của nhiều GS Ba Lan trong lĩnh vực điện. Họ ảnh hưởng tới anh ở tính nghiêm túc, cẩn trọng; cũng như thói quen nghiên cứu như một công việc thường xuyên. Cũng do vậy, đến nay, Trần Hoài Linh đã có 45 bài báo khoa học được đăng trên nhiều kỷ yếu hội thảo quốc tế cũng như tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước...

* Theo anh, những bài báo khoa học có chất lượng quốc tế có vai trò thế nào trong công tác nghiên cứu khoa học?

- Theo tôi, một bài báo khoa học tuy không sâu sắc và đầy đủ như một luận văn, nhưng sẽ được nhiều nhà khoa học chuyên ngành biết và tìm đọc. Còn báo cáo tại Hội nghị thì cũng có nhiều người nghe hơn Hội đồng chấm luận văn nên mặc dù các đóng góp có thể không chuyên sâu, nhưng tác giả sẽ thu được nhiều ý kiến rộng rãi hơn. Đây là những yếu tố rất quan trọng, góp phần vào công tác nghiên cứu khoa học.

Tại Ba Lan, từ năm 1999, Trần Hoài Linh đã tham gia giảng dạy 12 môn học thuộc lĩnh vực kỹ thuật điện, đo lường và tin học công nghiệp. Hiện các kết quả nghiên cứu của Trần Hoài Linh đã được tổng hợp thành tài liệu giảng dạy hệ Đại học và Cao học ở Đại học Bách khoa Vacsava.

* Tại sao anh không ở lại Ba Lan, cũng như đã bỏ qua nhiều lời mời giảng dạy tại Mỹ, Pháp, Đức để về Việt Nam?

- Từ khi bắt đầu du học, tôi chưa bao giờ có ý định ở lại lâu dài tại nước ngoài nên sau khi kết thúc học tập, sau khi cảm thấy kiến thức tạm thời của mình đã có thể sử dụng được, thì tôi quay trở về Việt Nam làm việc. Tôi quan niệm rằng cơ hội thì ở đâu cũng có, quan trọng là mình nắm bắt thực hiện nó như thế nào. Có thể nói, điều kiện nghiên cứu ở Việt Nam chưa thể bằng được nước ngoài, nhưng về Việt Nam thì mình được đóng góp công sức nhỏ bé vào giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học tại quê nhà. Tuy nhiên, đối với nghiên cứu khoa học thì có hai khó khăn chính. Một là khối lượng giảng dạy quá lớn, chiếm nhiều thời gian. Hai là điều kiện vật chất để nghiên cứu còn hạn chế. Mà tôi thiên về nghiên cứu thực nghiệm nên cũng khá vất vả. Nhưng đây là tình hình chung nên mình phải tìm cách khắc phục thôi.

Khi còn học tại Ba Lan, Trần Hoài Linh đã tham gia 3 đề tài cấp Nhà nước. Về Việt Nam, anh đã là Chủ nhiệm một đề tài khoa học cấp Bộ, đồng Chủ nhiệm một đề tài cấp cơ sở.

* Đề tài nghiên cứu mà anh ấp ủ nhiều nhất hiện nay là gì?

- Tôi đã có khá nhiều kết quả nghiên cứu về lý thuyết. Vì vậy, hiện tôi đang tìm cách để đưa những kết quả này ứng dụng vào thực tế. Lĩnh vực nghiên cứu của tôi là xử lý tín hiệu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các bài toán liên quan tới lĩnh vực điện, đo lường và tin học công nghiệp. Hiện tôi đã hoàn thiện các sản phẩm đo - kiểm tra dựa trên phân tích các khí thoát ra từ đối tượng nghiên cứu (tương tự như chúng ta sử dụng mũi để ngửi mùi, nên các sản phẩm này có tên là mũi nhân tạo). Tôi đang tiếp tục mở rộng các nghiên cứu của mình cho các bài toán nhận dạng hình ảnh và âm thanh để xây dựng những giải pháp mắt và tai nhân tạo. Tất cả những vấn đề trên đều thuộc về ngành Trí tuệ nhân tạo. Hiện ngành này vẫn còn nhiều công việc để làm, do con người chúng ta vẫn còn rất nhiều khả năng mà máy  tính chưa thể so sánh được.

 

PGS-TSKH Trần Hoài Linh. Ảnh: T.X

 

* Ảnh hưởng từ gia đình

PGS-TSKH Trần Hoài Linh là con trai của GS-Viện sĩ, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Đình Long (Báo Bình Định từng có bài giới thiệu), người được xem là “kiến trúc sư trưởng” công trình đường dây điện 500kV…

* Anh theo học ngành Điện, đơn thuần để theo nghề của ba mẹ, hay là một cơ duyên?

- Chắc là “duyên” nhiều hơn, vì tôi theo học đại học là ngành Tin học ứng dụng và Tin học công nghiệp. Tuy nhiên, do GS hướng dẫn tốt nghiệp đại học, cũng là GS hướng dẫn tôi làm Nghiên cứu sinh lại là người khoa Điện, nên sau này, tôi làm nghiên cứu sinh và thực tập sinh tại khoa Điện. Khi về nước, tôi đã lựa chọn về khoa Điện vì theo tôi, đây là khoa tiếp cận gần nhất với công nghiệp nặng.

* Cả bố và mẹ anh đều làm khoa học. Hẳn anh chịu ảnh hưởng nhiều từ người bố và mẹ?

- Cả hai bố mẹ tôi đều là nhà giáo lâu năm tại khoa Điện. Nhìn chung, tôi đang học từ bố tính cẩn thận, nghiêm túc trong công việc, cần mẫn lao động mà không cần yêu cầu gì cho bản thân; học từ mẹ tính “quyết liệt” trong công việc, đối với mỗi công việc cần có kế hoạch thực hiện và cố gắng giữ được kế hoạch đó. Còn về công việc, tôi thường hay hỏi bố mẹ về các vấn đề lớn, mang tính định hướng nhiều hơn là mang tính chi tiết. Cần nói thêm rằng bố mẹ tôi luôn tôn trọng các quyết định của tôi, luôn dành cho tôi những “khoảng thoáng” để tôi có thể tự phát huy và định hướng. Ví như việc chọn ngành học, đề tài nghiên cứu, ngay kể cả về Việt Nam công tác như thế nào... thì bố mẹ cũng chờ quyết định của tôi.

* Anh có thể bật mí đôi chút về gia đình?

- Tôi còn một người anh trai cũng công tác trong ngành Điện. Vợ tôi học đại học ở Anh về kinh tế và tài chính, hiện đang công tác trong các lĩnh vực này. Trước đây, vợ tôi cũng là “dân chuyên toán”, nên hai vợ chồng có thể nói chuyện thoải mái về các lĩnh vực nghiên cứu của tôi. Vợ tôi luôn tôn trọng công việc của tôi, nhất là về thời gian và công sức. Vợ tôi rất chăm lo cho sức khỏe của tôi, nên thỉnh thoảng vẫn nhắc là đi dạy nhiều thì phải giữ cổ họng, làm nghiên cứu nhiều thì phải… chăm lo cho cái đầu (cười). Tôi đã có một bé gái hai tuổi.

* Sau khi nhận chức danh PGS, anh vẫn tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu hay có hướng gì khác, như cộng tác với các doanh nghiệp chẳng hạn?

- Vẫn như bình thường thôi, có khác chăng là định mức lao động nhà trường giao cho sẽ cao hơn (cười). Còn với các doanh nghiệp, tôi luôn mong được cộng tác chặt chẽ. Liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ không chỉ giúp ích cho các doanh nghiệp, các thầy giáo, mà hưởng lợi chính vẫn là sinh viên. Bên cạnh đó, các nghiên cứu lý thuyết nếu được áp dụng trên thực tế thì sẽ phát huy tác dụng. Nhưng nhà trường hiện vẫn là môi trường làm việc chính của tôi.

* “Người Bình Định có nhiều tố chất tôi cần học hỏi”

* Khi tham gia chương trình “Ai là triệu phú”, anh từng tự hào nói: “Tôi là người Bình Định”; trong khi, anh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, học ở nước ngoài?

- Tôi nghĩ mình là một người mong có mối liên hệ chặt chẽ với gia đình nói riêng và quê hương nói chung. Đây có lẽ cũng là một trong những lý do để tôi không có ý định tìm việc làm ở nước ngoài. Người Bình Định có rất nhiều tố chất tốt mà tôi sẽ còn phải tiếp tục học hỏi. Chẳng hạn, tinh thần tiên phong mở đường ở những vùng đất mới, hẳn sẽ vẫn là bài học, không chỉ cho riêng tôi mà có lẽ là cho cả những người làm nghiên cứu khoa học khác.

* Anh có hay theo dõi thông tin về Bình Định?

- Tôi đã về quê được hai lần. Quê tôi ở xã Cát Chánh (nay là Cát Tiến), huyện Phù Cát. Trước đây, đường sá vất vả, nay có đường mới đi dễ hơn. Khi nào có dịp đi công tác tại Quy Nhơn hoặc một số tỉnh lân cận, tôi lại thu xếp để về quê. Có lẽ, ngay trong năm nay, tôi sẽ lại về quê. Thông tin về Bình Định thì tôi theo dõi thường xuyên. Những người thân trong gia đình mỗi khi ra Hà Nội đều là nguồn thông tin thường xuyên của tôi về tình hình trong quê. Đợt rồi lũ lụt nặng, ở Hà Nội, mọi người thường xuyên trao đổi hơn với quê nhà.

* Xin cảm ơn PGS.

  • Lê Viết Thọ (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chăm mai sau Tết  (18/02/2008)
Tôi luôn biết cân bằng giữa việc học và cuộc sống…  (16/02/2008)
Trên những dặm đường xuân  (12/02/2008)
Tôi rất tự hào là đảng viên Đảng Cộng sản  (02/02/2008)
Vĩnh Thạnh mùa xuân này  (01/02/2008)
Định Bình những ngày cuối năm  (28/01/2008)
Dù ở đâu, làm gì, tôi vẫn nhớ về Quy Nhơn  (26/01/2008)
Vượt “cổng trời” Canh Liên  (21/01/2008)
Tôi luôn tâm niệm mình phải sống có trách nhiệm với người đã khuất  (19/01/2008)
Đi trong lòng biển  (14/01/2008)
Trò chuyện với “nhạc sĩ của tuổi học trò”  (12/01/2008)
Cổ tích của mái ấm gia đình  (07/01/2008)
Không chịu học là không thoát khỏi đói nghèo đâu!  (05/01/2008)
Nhơn Lý bình yên  (31/12/2007)
“Chúng tôi muốn trao niềm tin để cùng phát triển”  (29/12/2007)