Xuân nào vang tiếng bài chòi…
21:0', 28/1/ 2008 (GMT+7)

Hô bài chòi là một sinh hoạt dân gian đặc sắc ở Bình Định. Nhiều năm qua, loại hình này tưởng đã mất trên đất sinh. Vậy nhưng, hô bài chòi vẫn được âm thầm tổ chức trong dân gian…

 

Các con bài trong trò chơi đánh bài chòi. Ảnh: N.T

 

* Nơi câu bài chòi trụ lại

Điều quan trọng nhất giúp hô bài chòi duy trì được trong suốt một thời gian dài là sự mến mộ của người Bình Định với nó. Có thể thấy rõ điều này qua hoạt động của Câu lạc bộ (CLB) Bài chòi cổ Dân gian Bình Định do NSƯT Phan Ngạn làm Chủ nhiệm. Cứ mỗi độ xuân về, CLB vẫn được các địa phương ở các huyện trong tỉnh như Tuy Phước, Phù Cát, An Nhơn… mời về tổ chức hô bài chòi. Có năm, một xã ở tận Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) cũng ra mời; ngay đến một người Sài Gòn chính hiệu như Giám đốc Khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn cũng nghe tiếng bài chòi Bình Định, nên vào dịp 30.4.2006 đã mời CLB tổ chức trò chơi này tại Khu du lịch Ghềnh Ráng.

NSƯT Phan Ngạn cho biết: Có năm, CLB nhận được 2, 3 lời mời cùng lúc. Nhưng do số thành viên của CLB có hạn, nên chỉ có thể đáp ứng cho nơi nào mời trước nhất. Thông thường, các địa phương sẽ chịu trách nhiệm về phần cơ sở vật chất, CLB chỉ cử người về hướng dẫn họ cách dựng chòi. Đến ngày diễn ra trò chơi, các nghệ nhân của CLB sẽ sắm vai người điều khiển chương trình (anh hiệu). Xuân Mậu Tý này, CLB đã chính thức nhận lời của xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tổ chức hô bài chòi tại chân tháp Cánh Tiên. 

Trò chuyện với chúng tôi, NSƯT Phan Ngạn vẫn nhớ mãi ấn tượng về lần đầu tiên CLB tổ chức đánh bài chòi ở chùa Thập Tháp (An Nhơn). Đó là vào năm 2000. Lần đó, các thành viên trong Ban Tổ chức, ai cũng đều lo lắng là sẽ không có người đến tham gia. Lo lắng ấy là dễ hiểu, bởi đã bẵng đi một thời gian quá dài, hô bài chòi đã không còn được tổ chức trên đất Bình Định. Thế nhưng, khi những câu bài chòi được hô lên, mọi người lại náo nức đến tham gia.

Ngay như hiện tại, kinh phí cho một lần tổ chức hô bài chòi ngót nghét gần chục triệu đồng, chủ yếu do người dân tự đóng góp. Vậy nhưng, xuân nào, bà con cũng háo hức đề nghị tổ chức hô bài chòi. Không có tiền thì ai có gì góp nấy. Người góp bụi tre, người đem vài miếng tranh, người một ôm lá dừa… rồi cùng nhau dựng chòi. Mong cho câu bài chòi trở lại.

* Đi tìm câu hát

Sau khi CLB Bài chòi cổ Dân gian Bình Định ra đời năm 1998, đến năm 2000, NSƯT Phan Ngạn đã tiến hành thực hiện đề tài “Sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi bài chòi dân gian cổ truyền Bình Định” nhằm tìm về cội nguồn của bài chòi và khôi phục trò chơi đánh bài chòi ở Bình Định.

Những khó khăn trong những ngày đi sưu tầm con bài và tìm kiếm nghệ nhân bài chòi thì không kể hết. Những người còn lưu giữ các con bài bằng chữ Nôm thường là các bậc cao niên hay các thầy thuốc Bắc trong và ngoài tỉnh. Họ rất quý và coi đấy như những vật kỷ niệm. Dù khi ấy, NSƯT Phan Ngạn phải mua với giá khá cao (20.000 đến 40.000 đồng/con), nhưng không phải ai cũng muốn bán. Vậy là không ít lần, NSƯT Phan Ngạn phải “đối ẩm” cả buổi, hay tới lui nhiều lần để tạo thân tình, rồi họ mới đồng ý bán. Có lần, NSƯT Phan Ngạn phải vào tuốt Mũi Né (Bình Thuận) để mua cho được 8 con bài. Nhưng nhớ nhất là lần tìm ra 17 con bài trong nhà một thầy thuốc tên Hòa ở Chợ Dinh (Quy Nhơn). Mua được con bài đem về nhà rồi, lại phải thẩm định xem có đúng là các con bài xưa không. Có con chỉ nguyên phần trên, có con còn phần dưới. Điều thuận lợi là NSƯT Phan Ngạn đã chơi đánh bài chòi từ bé, nên ông nhớ mặt hết các con bài. Bởi vậy, việc phục hồi lại nguyên gốc những con bài, cũng có phần dễ dàng hơn. 

Việc tìm lại các nghệ nhân bài chòi cũng vất vả không kém. Lắm lúc, ông Ngạn phải ra tận Quảng Ngãi, Quảng Nam để tìm kiếm con cháu các nghệ nhân dò hỏi thông tin. Cứ thế, việc tìm kiếm diễn ra trong nhiều năm qua, để rồi đến hôm nay, CLB Bài chòi cổ dân gian Bình Định đã quy tập gần 50 thành viên. Tất cả họ, dù phần lớn đang vất vả bươn chải trong đời sống, nhưng thảy đều vẹn nguyên một tình yêu với bài chòi.

 

Người dân đang thưởng thức trò chơi đánh bài chòi. Ảnh: TX

 

* Ước hẹn với mùa xuân

Hỏi NSƯT Phan Ngạn có thấy sốt ruột, khi phong trào hô bài chòi ở Phú Yên và Quảng Nam đang được đầu tư để hồi sinh mạnh mẽ, còn Bình Định lại có phần im ắng, NSƯT Phan Ngạn tự tin cho rằng: dù được phổ biến ở nhiều nơi nhưng không nơi nào có thể đánh bài chòi đúng chất như ở Bình Định. Bởi Bình Định là đất của hát bội. Bài chòi Bình Định tiếp thu được những tinh hoa của hát bội và đã tạo một nét rất riêng cho mình. Có thể cách chơi ở các nơi đều tương tự nhau; nhưng những câu thai được góp nhặt trong suốt cuộc đời, từ lúc 5, 6 tuổi cho đến 70, 80 tuổi, như các chú hiệu ở Bình Định, thì không nơi nào có. Ông Trần Đức Hùng, cán bộ Phân viện Nghiên cứu Văn hóa - Thông tin TP. Hồ Chí Minh, từng tiến hành khảo sát việc hô, ca bài chòi ở khu vực miền Trung để phục vụ cho luận án Thạc sĩ của mình, cũng nhận xét rằng, không có bài chòi ở nơi đâu giống được Bình Định.

Vài năm gần đây, việc khôi phục lại trò chơi đánh bài chòi ở Bình Định đã bắt đầu được quan tâm. Điển hình như việc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh đang sưu tầm các vở bài chòi cổ và cách đánh bài chòi. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh cũng có ý định tổ chức bài chòi nhân dịp xuân Mậu Tý. Tiếc là kế hoạch này không được thực hiện, phần vì thời gian quá gấp gáp, không chuẩn bị kịp, nhất là khi nghệ nhân bài chòi cổ phần lớn đã cao tuổi, việc tập hợp sẽ khó khăn.

Ông Nguyễn An Pha, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh, cho biết, Sở sẽ tổ chức đánh bài chòi vào dịp Tết năm sau. Vậy là, những người đã trót nặng lòng với câu bài chòi lại đành phải đợi. Nhưng không sao, nếu đã lỡ “ghiền” câu bài chòi, xuân này, mời bạn ghé lên tháp Cánh Tiên…

  • Ngọc Tú
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khát vọng xanh  (28/01/2008)
Tầm sư học võ  (28/01/2008)
Chú tiểu Hiến và hành trình “tiếp thị” võ Việt  (28/01/2008)
Bóng đá Bình Định chờ ngày “thái lai”  (28/01/2008)
Để di tích “sống” lại  (28/01/2008)
Bên thềm xuân  (28/01/2008)
Vãn cảnh Eo Gió  (28/01/2008)
Đám cưới chuột - bức tranh Xuân hay và đẹp  (28/01/2008)
Ăn uống ngoài đồng  (28/01/2008)
Những cái Tết kỳ thú trên thế giới  (28/01/2008)
Câu lạc bộ Xuân Mậu Tý  (28/01/2008)
Giáo dục quốc phòng: Khơi dậy và phát huy lòng yêu nước của mỗi người  (19/01/2008)
Phong trào thi đua quyết thắng của lực lượng vũ trang huyện Tuy Phước  (19/01/2008)
Tình nguyện xung kích chung sức cùng cộng đồng khắc phục hậu quả lũ lụt  (19/01/2008)
Nơi kết nối những ý tưởng  (19/01/2008)