Tình hình thế giới trong năm 2007 có nhiều biến động lớn, song nhìn chung là tích cực. Dưới đây là 10 sự kiện quốc tế nổi bật do Báo Bình Định bình chọn.
1. Hiến chương ASEAN
Ngày 20.11, lần đầu tiên sau 40 năm thành lập, lãnh đạo 10 nước ASEAN tham gia Hội nghị thượng đỉnh thứ 13 ở Singapore đã đặt bút ký kết bản Hiến chương, định ra các nguyên tắc và điều lệ của khối. Với bản hiến chương này, ASEAN sẽ có đủ tư cách pháp lý ký các công ước quốc tế, cho phép nâng cao vai trò của khối.
|
Các nhà lãnh đạo ASEAN trao Hiến chương ASEAN cho Tổng thư ký Ong Keng Yong.
|
2. Biến đổi khí hậu trở thành đề tài nóng
Chưa bao giờ vấn đề biến đổi khí hậu được quan tâm mạnh mẽ như năm vừa qua. Giải Nobel Hòa bình 2007 đã được Ủy ban Nobel Norway (Na Uy) quyết định trao cho Ủy ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu (IPCC) và cựu Phó tổng thống Mỹ Al Gore, nhằm hướng sự tập trung nhiều hơn của thế giới vào quá trình bảo vệ khí hậu trong tương lai, giảm nhẹ mối đe dọa đối với an ninh của nhân loại. Tiếp đó, Hội nghị về nông nghiệp và biến đổi khí hậu ở Hyderabad (Ấn Độ) kết luận, biến đổi khí hậu tác động đến bữa ăn hàng ngày của chúng ta. Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của LHQ tại Bali (Indonesia) bàn bạc các mục tiêu cần thiết để giảm khí thải nhà kính và hướng đến một thỏa thuận mới thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012.
3. CHDCND Triều Tiên đồng ý giải trừ hạt nhân
Bình Nhưỡng đã đóng cửa nhà máy hạt nhân chính Yongbyon, đồng thời cam kết sẽ công khai và ngừng toàn bộ chương trình hạt nhân vào cuối năm nay.
Bước đột phá quan trọng này đã tạo tiền đề thúc đẩy quan hệ liên Triều cải thiện tích cực, với một loạt các sự kiện: các gia đình được đoàn tụ, nối lại các cuộc đối thoại kinh tế liên Triều, các cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, nối lại tuyến đường sắt chở hàng giữa hai miền. Quan trọng hơn, động thái này đã mở ra một cánh cửa tươi sáng giúp họ tiếp cận với thế giới.
4. Kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng
Mặc dù bị tác động lớn từ cuộc khủng hoảng tín dụng và thế chấp ở Mỹ, cộng với việc giá dầu thô và giá vàng tăng ở mức kỷ lục (gần 100 USD/thùng dầu thô và vàng gần 850 USD/ounce), kinh tế thế giới vẫn duy trì được tốc độ phát triển ở mức 3,4%, đánh dấu năm tăng trưởng thứ 5 liên tiếp. Những nền kinh tế mới nổi như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ (chiếm 50% tăng trưởng kinh tế toàn cầu của năm 2007) đã bù đắp cho sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ.
5. Quan hệ Nga - Mỹ xấu đi
Quan hệ Nga - Mỹ rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh do kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ của Mỹ tại Đông Âu. Biện pháp đáp trả được coi là mạnh mẽ nhất của Nga là quyết định ngừng tham gia Hiệp ước vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE). Sự trở lại của “gấu” Nga đang đặt Mỹ đứng trước những thách thức mới.
6. Biến động lớn trên chính trường châu Á
Pakistan đối mặt với nguy cơ nội chiến sau sự trở về của hai cựu lãnh đạo lưu vong và cái chết bất ngờ của bà Benazir Bhutto (hôm 27.12). Ông Musharraf đã trở thành tổng thống dân sự, dỡ bỏ lệnh khẩn cấp quốc gia và khôi phục lại Hiến pháp, nhưng diễn biến chính trường Pakistan sẽ còn phức tạp và khó dự đoán.
Tại Thái Lan, đảng Đảng Quyền lực nhân dân (PPP), hiện thân của đảng Người Thái yêu người Thái (TRT) bị giải thể của cựu Thủ tướng Thaksin chắc chắn sẽ lên nắm quyền điều hành đất nước, một sự đảo ngược số phận đầy ấn tượng sau cuộc đảo chính quân sự năm ngoái.
Còn tại Nhật Bản, hàng loạt các vụ bê bối liên tiếp trong nội các khiến đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền thất bại tại cuộc bầu cử Thượng viện, dẫn đến sự ra đi của Thủ tướng Shinzo Abe khi cầm quyền chưa đầy một năm. Một thành viên khác của LDP, ông Yasuo Fukuda, 71 tuổi lên thay thế, song chính trường Nhật Bản vẫn chưa hết sóng gió.
|
Hiện trường vụ nổ tại thành phố Rawalpindi hôm 27.12 khiến bà Bhutto thiệt mạng.
|
7. Trung Đông tiếp tục là “chảo lửa” của thế giới
Mỹ tiếp tục “sa lầy” tại Iraq và ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các chiến dịch quân sự ở miền bắc Iraq tiêu diệt đảng Công nhân người Kurd (PKK). Lãnh thổ Palestine bị chia cắt và Hamas bị cô lập tại Gaza. Hội nghị quốc tế Annapolis do Mỹ tài trợ nhằm tiến tới một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine kết thúc trong sự hoài nghi về cơ hội thành công của nó.
8. Nguy cơ chiến tranh Iran
Mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Iran được đẩy lên cao độ, có lúc tưởng chừng cuộc chiến đã sắp xảy ra. Trong khi Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự lớn nhất từ trước đến nay ở vùng Vịnh và vận động LHQ thông qua nghị quyết siết chặt cấm vận Iran, Iran vẫn tỏ ra thách thức, không chịu nhượng bộ.
9. Sự khẳng định của lực lượng cánh tả ở Nam Mỹ
Tổng thống Venezuela Hugo Chavez tiếp tục dẫn đầu tiếng nói của các nền kinh tế mới nổi trong các cuộc hội đàm quốc tế về thương mại. Đầu tháng 12 này, Ngân hàng Phương Nam ra đời, một định chế tài chính cho các nước đang phát triển, nhằm cạnh tranh với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
10. Thiên tai, thảm họa
Lũ lụt tồi tệ tại Nam Á, trong đó bão lốc xoáy ở Bangladesh làm 3.300 người thiệt mạng. Động đất ở Peru, 540 người chết, hơn 1.000 người bị thương. Những vụ tai nạn hầm mỏ gây thương vong lớn ở Trung Quốc, Nga và Ukraine. Các vụ tai nạn máy bay thảm khốc trong đó có vụ mất tích của 102 người trên máy bay Boeing 737-400 (Indonesia); tai nạn máy bay Airbus 320 (Brazil) làm chết 199 người; máy bay MD-82 của One-Two-Go Thái Lan đâm xuống đường băng làm 90 người chết.
|