Người làm báo cần dùng mạng xã hội có trách nhiệm
Ðó là chia sẻ của Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Ðỗ Nguyên Hùng khi trao đổi với PV Báo Bình Ðịnh ngay sau khi Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam được công bố chiều 25.12.2018 và có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2019. Nhà báo Ðỗ Nguyên Hùng cũng cho rằng, Quy tắc này sẽ góp phần tạo chuyển biến tích cực cho hoạt động báo chí.
Quy tắc sử dụng mạng xã hội (MXH) của người làm báo (NLB) Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng trên cơ sở các quy định của Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp NLB Việt Nam. Quy tắc gồm 3 chương và 7 điều, được áp dụng với tất cả NLB Việt Nam, bao gồm hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, người đã được cấp thẻ nhà báo, người chưa được cấp thẻ đang làm việc tại các cơ quan báo chí, cộng tác viên các cơ quan báo chí và người hoạt động trong lĩnh vực báo chí nói chung.
Cẩn trọng trên môi trường ảo
* Quy tắc sử dụng MXH của NLB nêu rõ 4 điều cần làm và 8 điều không được làm. Đâu là nội dung ông tâm đắc nhất?
- Để xây dựng Quy tắc, Hội Nhà báo Việt Nam đã có bước chuẩn bị rất cẩn trọng, công phu. Cả 4 điều cần làm và 8 điều không được làm khi tham gia MXH đều rất súc tích. Trong những điều nhà báo cần làm, tôi tâm đắc nhất là “Đăng tải bình luận, ý kiến nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm”. Ở chiều ngược lại, một trong những điều không được làm là phát tán hoặc bình luận, cổ xúy “thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động KT-XH, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước, gây tổn hại thể chất, danh dự, nhân phẩm của công dân…”.
Cùng với đó là không được bình luận, nhận xét, chia sẻ các thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… có yếu tố phức tạp, nhạy cảm đang cần tạo cách nhìn, thái độ tích cực mang tính xây dựng của cộng đồng và sự đồng thuận xã hội.
Những quy tắc này được đúc kết từ thực tiễn, bởi đã và đang có tình trạng thông tin trên MXH do chính những NLB đăng tải gây hoang mang trong dư luận, thật giả khó phân biệt. Thậm chí, có nhà báo sử dụng MXH như là công cụ để phục vụ lợi ích cá nhân, “lèo lái” dư luận theo chiều hướng xấu, gây mất uy tín của tổ chức, xúc phạm danh dự của công dân.
Với ưu thế về tiếp cận thông tin và phương tiện truyền tải, nhà báo cần kịp thời lên tiếng trên MXH với thái độ đúng mực, có văn hóa để cung cấp thông tin đáng tin cậy, giúp người khác hiểu đúng bản chất vấn đề.
- Trong ảnh: Các nhà báo tác nghiệp trong một sự kiện diễn ra tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn). Ảnh: LỆ HẰNG
* Theo ông, Quy tắc sử dụng MXH của NLB Việt Nam sẽ có tác động như thế nào đến đời sống báo chí?
- Tôi tin rằng, với Quy tắc sử dụng MXH cùng 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp NLB Việt Nam được ban hành trước đó, các nhà báo sẽ hiểu sâu sắc hơn về đạo đức nghề báo, các cơ quan báo chí có công cụ để quản lý phóng viên, cộng tác viên của mình tốt hơn, từ đó tạo ra những chuyển biến tích cực trong hoạt động báo chí.
Nhà báo cần thể hiện trách nhiệm khi dùng MXH
* Được biết, Bộ TT&TT cũng đang xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên MXH của người dân. Rõ ràng, dùng MXH như thế nào đang là mối quan tâm lớn của xã hội.
- Đúng vậy. MXH đã trở thành một phần quan trọng đối với đời sống của chúng ta. Song, bên cạnh rất nhiều tiện ích là không ít mặt trái với sự lan tỏa nhanh chóng của thông tin xấu, độc.
Không “viết một đằng, nói một nẻo”
Trong 8 điều không được làm, đáng chú ý còn có “Ðăng tải các tin, bài, hình ảnh, âm thanh trên MXH, đưa ra các bình luận, chia sẻ quan điểm cá nhân hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước; trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân người làm báo đó đã viết và đăng tải, trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác”.
Với đặc thù nghề nghiệp, nhà báo có trách nhiệm lớn trong việc cung cấp, định hướng thông tin, thậm chí là dẫn dắt dư luận xã hội. Do đó, ý kiến trên MXH của các nhà báo khác hẳn những người dân bình thường. Khi tham gia MXH, mỗi người làm nghề phải nhận thức được trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của mình không chỉ dừng lại trên những ấn phẩm chính thức, mà còn ở trên trang mạng cá nhân.
* Sau khi được ban hành, việc thực hiện những quy tắc này sẽ được giám sát như thế nào, thưa ông?
- Quy tắc sử dụng MXH của NLB Việt Nam được các cấp Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí trong cả nước phối hợp tổ chức triển khai; đầu tiên là một đợt học tập trong toàn bộ các cấp Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí. Từng cơ quan báo chí có thể cụ thể hóa thành bộ quy tắc riêng dựa trên cơ sở Quy tắc chung và đặc thù của cơ quan để điều chỉnh hành vi NLB do mình quản lý.
Các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đánh giá và kiểm điểm việc thực hiện; có thể đưa vào xếp loại thi đua hằng năm. Bên cạnh đó, từng cấp Hội đều có hội đồng xử lý vi phạm có trách nhiệm giám sát trực tiếp việc thực hiện quy tắc của hội viên trên MXH.
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)