Tín hiệu vui từ giáo dục nghề nghiệp
Việc sắp xếp, tinh gọn các cơ sở đào tạo, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, phát triển một số ngành, nghề trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo động lực phát triển cho hệ thống này.
Sinh viên nghề điện công nghiệp Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn thực hành trên thiết bị, đồ dùng dạy nghề tự làm trong một tiết giảng dự thi Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2018. Ảnh: NGUYỄN MUỘI
ĐẦU TƯ CÓ TRỌNG ĐIỂM
Giữa tháng 7.2019, tại tỉnh Khánh Hòa, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm (2016 - 2018) thực hiện Dự án “Đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN”, đánh giá về một giai đoạn thực hiện Dự án và đề ra kế hoạch thực hiện tiếp theo. Theo thông tin từ Hội nghị, qua 3 năm triển khai, Dự án đã phân bổ hơn 3.218 tỷ đồng để thực hiện trên toàn quốc, trong đó tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, phát triển chương trình đào tạo thí điểm, chú trọng đầu tư đồng bộ cho các ngành, nghề trọng điểm, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động giảng dạy, học nghề…
Trên cơ sở đổi mới chung đó, tại Bình Định, qua 3 năm thực hiện, Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN” đã mang lại nhiều tác động tích cực. Trong 3 năm (2016 - 2018), UBND tỉnh đã tập trung phân bổ nguồn vốn thực hiện Dự án cho Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn - trường nghề được ưu tiên đầu tư tập trung, đồng bộ theo tiêu chí trường nghề chất lượng cao - với tổng số tiền 26 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn này, Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn tập trung đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ đào tạo thí điểm cho các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế được chuyển giao từ Đức và Úc. Trong đó, đã đầu tư mua sắm thiết bị đào tạo cho 2 nghề: cơ điện tử và điện công nghiệp với 1.542 thiết bị được mua sắm. Do làm tốt công tác khảo sát thực tế, nên máy móc, thiết bị phục vụ đào tạo được mua sắm so với danh mục thiết bị theo chương trình đào tạo đạt từ 85 - 90%.
Với cơ sở vật chất được đầu tư lớn, Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn đã tập trung triển khai công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo các nghề trọng điểm đạt kết quả cao. 3 năm qua, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp đạt 88 - 94%; tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp đạt 84% trên tổng số học sinh, sinh viên được tuyển sinh học nghề.
TIẾP TỤC QUAN TÂM
Có thể nói, công tác GDNN ngày càng khẳng định được vai trò và nhận sự quan tâm lớn của lãnh đạo tỉnh. Trong Chỉ thị số 51-CT/TU ngày 13.3.2019 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác GDNN trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tập trung nguồn lực đầu tư cho các cơ sở GDNN, nhất là cơ sở GDNN chất lượng cao, ngành, nghề trọng điểm đã được quy hoạch theo các cấp độ (quốc tế, khu vực, ASEAN và quốc gia).
Cùng với đó là thực hiện rà soát, chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học nghề; đẩy mạnh xây dựng phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa, hệ thống thiết bị thực tế ảo và các phần mềm mô phỏng thiết bị dạy học thực tế trong các cơ sở GDNN; tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững…
Thực hiện Kế hoạch số 35-KH/TU ngày 4.6.2018 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập Trung tâm GDNN Bình Định trên cơ sở hợp nhất 3 trung tâm: GDNN và giới thiệu việc làm thanh niên Bình Định, GDNN của Hội LHPN tỉnh, GDNN và hỗ trợ nông dân tỉnh. UBND tỉnh cũng quyết định sáp nhập 4 trường trung cấp (Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Hoài Nhơn, Trung cấp Thủ công mỹ nghệ Bình Định, Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bình Định và Trung cấp VHNT tỉnh) vào Trường CĐ Bình Định.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, việc quy hoạch và hợp nhất các trung tâm dạy nghề của hội, đoàn thể là để thu gọn đầu mối, tránh lãng phí. Từ đó, UBND tỉnh có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên. Tương tự, sáp nhập 4 trường trung cấp vào Trường CĐ Bình Định sẽ tạo sức bật mới cho công tác dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh ổn định tổ chức, bộ máy, công tác điều chỉnh, bổ sung ngành, nghề trọng điểm trên địa bàn tỉnh cũng được chú trọng. Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, tiếp tục chú trọng gắn kết đào tạo GDNN với nhu cầu xã hội, thị trường lao động, Sở đã đề xuất cấp trên điều chỉnh, bổ sung ngành, nghề trọng điểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Trường CĐ Y tế Bình Định được đề nghị bổ sung 2 ngành, nghề trọng điểm (ngành Điều dưỡng ở cấp độ khu vực ASEAN và ngành Dược sĩ cao đẳng ở cấp độ quốc gia). Trường CĐ Bình Định được đề xuất điều chỉnh, bổ sung 5 ngành, nghề trọng điểm. Cụ thể, nghề chế biến và bảo quản thủy sản ở cấp độ quốc gia được đề nghị chuyển tiếp từ Trường Trung cấp Kỹ thuật công nghệ Hoài Nhơn; 4 ngành, nghề bổ sung là: ngành hướng dẫn du lịch ở cấp độ quốc tế, ngành quản trị khách sạn và nghề kỹ thuật chế biến món ăn cấp độ khu vực ASEAN, ngành nghệ thuật biểu diễn dân ca ở cấp độ quốc gia.
TƯỜNG MINH