GS Nguyễn Minh Thọ với Quy Nhơn
Từ ngày 19 đến 20.7, Trường ĐH Quy Nhơn đăng cai tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc về Hóa học tính toán và ứng dụng. Nhận lời mời của trường, GS. TSKH Nguyễn Minh Thọ (ĐH KU Leuven, Vương quốc Bỉ) đã về dự. Gần 10 năm qua ông thường xuyên hướng lòng mình về với Quy Nhơn, trước tiên là với Trường ĐH Quy Nhơn.
GS. TSKH Nguyễn Minh Thọ sinh năm 1953, là người quê Quảng Nam, nhận học bổng quốc gia đi du học ở Bỉ vào cuối năm 1971. Ông được bổ nhiệm giáo sư Trường KU Leuven (Bỉ) vào năm 1989. Từ năm 1997, ông đều đặn trở về Việt Nam mỗi năm để tham gia giảng dạy các khóa đào tạo cao học chuyên sâu tại một số trường đại học ở Hà Nội, Huế và TP Hồ Chí Minh.
GS.TSKH Nguyễn Minh Thọ
* Ông có thể kể về lần đầu tiên đến Quy Nhơn không, thưa ông?
- Thời còn nhỏ sống ở TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, tôi thường nghe kể về Trường CĐ Sư phạm Quy Nhơn. Rồi quãng thời gian tôi hay gặp anh Nguyễn Tiến Trung (PGS.TS Nguyễn Tiến Trung, Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế Trường ĐH Quy Nhơn), lúc anh ấy đang là nghiên cứu sinh ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, anh ấy thường nhắc với tôi về Quy Nhơn. Nghe anh trò chuyện, tôi chỉ mang máng trong đầu, Quy Nhơn là thành phố ven biển, có mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử mà mình từng mong có dịp đến viếng, có không gian “Biển Nhớ” gợi buồn trong bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Giữa năm 2006, theo lời mời của anh Nguyễn Phi Hùng - khi đó là Trưởng khoa Hóa, ĐH Quy Nhơn, tôi đến Quy Nhơn và ấn tượng về thành phố này khiến tôi nhớ mãi - một thành phố hiền hòa, môi trường trong lành, con người chân chất, phong cảnh núi, biển và khí hậu tuyệt vời.
Trường ĐH Quy Nhơn mời ông về vì lúc đấy khoa Hóa đang tổ chức lại hoạt động. Ông đã tư vấn nhiều điều thiết thực và có những đóng góp hữu ích về sau, góp phần xây dựng khoa ngày càng lớn mạnh, khẳng định chất lượng đào tạo với xã hội. Bên cạnh đó, ông cùng với các giảng viên của khoa xây dựng và làm chủ nhiệm dự án đào tạo thạc sĩ rồi dự án đào tạo tiến sĩ tiên tiến đạt chuẩn châu Âu với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác đại học VLIR của vùng Flanders (Bỉ). Ông bỏ tiền túi lập quỹ học bổng cấp cho một số sinh viên đại học và cao học có đam mê nghiên cứu khoa học ở khoa Hóa Trường ĐH Quy Nhơn. Hiện tại, ông còn tham gia, tích cực kết nối Chương trình Erasmus (European Community Action Scheme for the Mobility of University Students, là một chương trình trao đổi sinh viên của Liên minh Âu Châu, thành lập năm 1987) và VLIR với ĐH Quy Nhơn.
GS.TSKH Nguyễn Minh Thọ đã hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh của Trường ĐH Quy Nhơn.
- Trong ảnh: Buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của giảng viên Huỳnh Minh Hùng.
* Nhiều người thắc mắc, ông là người Quảng Nam sao lại nặng lòng với Quy Nhơn?
- Xuất phát điểm là vì tôi muốn về Việt Nam giúp đồng nghiệp và các thế hệ trẻ hơn tôi. Vì tôi luôn thấy mình “mắc nợ”, một món-nợ-tự-nguyện do lúc tôi ra nước ngoài học tập, đất nước đang có chiến tranh khốc liệt. Thấy mình được yên tâm ngồi học trong lúc đất nước bị chiến tranh tàn phá, một số bạn bè, người thân giỏi hơn tôi nhiều nhưng đã không có điều kiện học tập, thậm chí không còn sống sau chiến tranh. Tôi muốn góp sức mình, nhỏ thôi, để quê hương, đất nước sớm bắt kịp với sự phát triển của thế giới.
Với Trường ĐH Quy Nhơn, tôi cho mình có duyên với nó, bởi tôi có nhiều học trò ở đây, được đồng nghiệp quý mến và tin cậy, nên tự tôi thấy mình có trách nhiệm với ngôi trường này. Mọi thứ diễn ra theo chiều hướng thuận lợi, tốt đẹp cứ cuốn tôi quay lại và tiếp tục. Trường ĐH Quy Nhơn cũng rất ưu ái khi trao tặng cho tôi bằng tiến sĩ danh dự đầu tiên của trường. Họ coi tôi như người của trường, người có trách nhiệm đến sự phát triển của trường và tôi rất vui với vai trò ấy.
* Là người tâm huyết với khoa học, ông nghĩ sao về việc Quy Nhơn đang nỗ lực xây dựng khu đô thị khoa học đầu tiên của Việt Nam?
- Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương đầu tư vào khoa học của tỉnh Bình Định. Tôi cho rằng, muốn xây dựng nền kinh tế hiện đại như kinh tế tri thức, kinh tế số, đặc biệt là một đô thị khoa học thì phải có nhiều con người khoa học có chuyên môn cao, nhất là có văn hóa và tư duy khoa học. Tôi nghĩ, thu hút tri thức từ nước ngoài về đây giúp tỉnh phát triển về nhiều mặt, nhất là khoa học, là điều tỉnh Bình Định cần đẩy mạnh.
Với mong muốn động viên và khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, tôi đã thành lập một quỹ học bổng đặt tên là Quỹ học bổng Lượng tử, trao cho một vài sinh viên đại học và nghiên cứu sinh giỏi ở bậc cao học và tiến sĩ của khoa Hóa Trường ĐH Quy Nhơn. Tôi luôn thiết tha mong muốn các nhà giàu của Việt Nam tham gia tài trợ cho các dự án khoa học, xây dựng những phòng thí nghiệm đủ tầm để các nhà khoa học có được không gian nghiên cứu tương thích.
Xin nói thêm một chút là tôi khá tự tin khi nói rằng ai từng về Quy Nhơn cũng sẽ thích thành phố này. Không khí trong lành, khí hậu ôn hòa, điều kiện nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, ngon rẻ, con người chân chất, hiền lành. Đó là những giá trị không phải nơi nào cũng có như Quy Nhơn. Nhiều đồng nghiệp của tôi - cả người Việt lẫn người Bỉ khi về tham gia giảng dạy tại Trường ĐH Quy Nhơn cũng rất thích thành phố này. Một số người trong dịp Giáng sinh hoặc nghỉ hè đã đưa cả gia đình về đây nghỉ dưỡng đấy.
NGỌC TÚ (Thực hiện)