Doanh nhân Ðỗ Thanh Hùng: Giúp người để tri ân cuộc đời
Cuộc đời doanh nhân Đỗ Thanh Hùng là hành trình dài vượt qua những khó khăn, gian khổ. Ngay từ thuở ấu thơ ông đã lần lượt mồ côi mẹ và cha trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ở quê nhà Tam Quan, Hoài Nhơn. Bản lĩnh vượt qua thử thách, tầm nhìn sắc bén trong kinh doanh đã giúp ông thành công trên thương trường, đồng thời có nhiều cống hiến cho quê hương và xã hội.
Doanh nhân Đỗ Thanh Hùng (hàng sau, thứ ba từ phải qua) tham gia trao tặng quà cho gia đình hộ nghèo, học sinh người dân tộc thiểu số vượt khó, học giỏi tại xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn.
THÀNH CÔNG TRONG KINH DOANH KHÔNG PHẢI LÀ CHUYỆN DỄ DÀNG...
● Hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Bao bì giấy Việt Trung Long An (Khu công nghiệp Xuyên Á, tỉnh Long An), ông có thể chia sẻ đôi điều về công việc của mình ?
Năm 2014, ông Ðỗ Thanh Hùng đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong tham gia xây dựng và phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp và hoạt động từ thiện, xã hội. Công ty Việt Trung cũng nhận được nhiều bằng khen về hoạt động kinh doanh, tạo dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam.
- Hơn 25 năm hoạt động, Công ty Việt Trung không ngừng đầu tư xây dựng và phát triển nhà máy theo định hướng đi đầu trong công nghệ với trang thiết bị hiện đại. Năng lực sản xuất nhà máy ở Long An hiện tại là 4.000 tấn giấy/tháng với chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Chúng tôi tự hào là DN bao bì tư nhân của Việt Nam được đồng hành với nhiều thương hiệu lớn trong và ngoài nước. Bình quân tốc độ tăng trưởng của công ty trong 3 năm gần đây là 20% mỗi năm, tạo được việc làm ổn định cho hơn 500 người.
● Trong vai trò đầu tàu đưa Công ty Việt Trung phát triển vững mạnh như hiện nay, hẳn ông đã có những ngày dài lập nghiệp không dễ dàng?
- Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, tôi chuyển vào TP Hồ Chí Minh công tác trong ngành CA. Sau đó vì nhiều lý do tôi chuyển sang kinh doanh. Những ngày đầu lập nghiệp nơi xứ người đã để lại cho tôi rất nhiều những bài học quý báu. Cuộc sống tha phương buộc mình phải tự bươn chải và vượt qua mọi khó khăn để tìm tòi, học hỏi và thử sức mình ở nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác nhau, cuối cùng duyên may đưa tôi đến với con đường sản xuất kinh doanh giấy và bao bì.
● Nếu có thể chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh, ông sẽ nói điều gì?
- Chúng ta đều biết rằng, để thành công trong kinh doanh không phải là chuyện dễ dàng. Tồn tại đã khó, duy trì và phát triển lại càng khó hơn. Đứng trước cánh cửa bước vào quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, chúng tôi luôn ý thức được rằng đổi mới công nghệ là khâu then chốt và là vấn đề sống còn của DN. DN không chỉ đổi mới máy móc thiết bị mà cần thay đổi hệ thống quản lý, quản trị và nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu công nghệ mới. Giá trị cốt lõi của DN trong phát triển kinh doanh là mang lại sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý và ổn định lâu dài, không vì các lợi ích ngắn hạn, vì khách hàng là đối tác chứ không chỉ là người mua.
● Được biết, Công ty Việt Trung rất quan tâm đến người lao động về nhiều mặt. Điều này xuất phát từ điều gì, thưa ông ?
- Bất cứ đơn vị sản xuất kinh doanh nào, muốn phát triển bền vững đều phải xem người lao động là tài sản quý giá nhất. Tôi mong muốn môi trường làm việc của Công ty là một xã hội thu nhỏ, thân thiện, nhiệt huyết, đoàn kết, sáng tạo và tôn vinh tri thức, để mỗi người cảm thấy được an tâm với cuộc sống và làm việc một cách trọn vẹn, cống hiến hết mình.
Bên cạnh những khoản phúc lợi theo luật quy định, Ban lãnh đạo Công ty còn thành lập “Quỹ trái tim Việt Trung” để giúp đỡ cho người lao động có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hỗ trợ cho vay tiền để sửa nhà, làm đám cưới, hoặc lo liệu khi gia đình có người bệnh nặng, ma chay... Hằng năm Công ty còn trao tặng các suất bảo hiểm nhân thọ, triển khai chính sách xây nhà tình thương cho công nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, không có nhà ở... đồng thời thành lập Quỹ Khuyến học, thường xuyên có các đợt trao học bổng cho con em của người lao động vượt khó học giỏi. Công ty đã bố trí sắp xếp chỗ ở miễn phí cho gần 100 người đi làm xa nhà.
Ông Đỗ Thanh Hùng (trái), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Bao bì giấy Việt Trung Long An, trao ủng hộ 80 triệu đồng xây dựng hai căn nhà tình thương tại Bình Định.
GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC CŨNG LÀ CÁCH TRI ÂN CUỘC ĐỜI
● Ông là người rất tích cực đóng góp qua nhiều hoạt động từ thiện, xã hội. Xin hỏi thật, liệu có phải cũng là một cách quảng bá thương hiệu ?
- Anh hỏi thật thì tôi đáp thẳng. Tôi đã trải qua quá nhiều thăng trầm trong cuộc sống, giờ có chút thành công, giúp đỡ người khác là cách tôi tri ân cuộc đời. Làm công tác từ thiện, xã hội với tôi không phải là quảng bá thương hiệu. Trước hết điều này xuất phát từ đạo lý nghìn năm của dân tộc Việt - thương người như thể thương thân, nên trong suốt những năm qua, tôi luôn trích một phần lợi nhuận từ thành quả kinh doanh để chia sẻ cùng những người nghèo, những mảnh đời bất hạnh, những gia đình chính sách còn nhiều khó khăn; thông qua nhiều chương trình từ thiện xã hội ý nghĩa như: Khát Vọng Sống, xây nhà tình thương, tình nghĩa, trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, hỗ trợ chương trình Tết cho người nghèo, hay hỗ trợ đồng hành cùng chương trình hướng về chiến sĩ nơi hải đảo...
● Ông đã dành nhiều thời gian trực tiếp tham gia các hoạt động hướng về cộng đồng. Qua đó, có chuyện gì sâu sắc, đáng nhớ ?
- Tôi ấn tượng nhất là khi tham gia chương trình Khát Vọng Sống thực hiện ở các tỉnh miền Tây. Gần như tìm đến hoàn cảnh nào cũng thấy khổ, cũng khó khăn ngặt nghèo. Có gia đình khổ đến tận cùng sự nghèo khổ và có lẽ không còn cách nào khổ hơn! Nhưng, họ vẫn có khát vọng để sống, đúng như tên của chương trình. Tôi nhớ nhất về hoàn cảnh gia đình có hai chị em, bởi nghèo khổ quá nên người cha bỏ nhà đi lúc con gái lớn mới được 8 tuổi, đến năm cháu 11 tuổi thì mẹ mất, sau đó sống với bà ngoại một thời gian thì bà cũng mất. Cháu phải tự lập và còn nuôi thêm đứa em 8 tuổi. Hàng tháng hai chị em chỉ sống nhờ vào hơn 700 nghìn đồng tiền Nhà nước trợ cấp trong căn nhà mái và vách làm bằng lá bị mục nát. Hàng ngày hai chị em vẫn cố gắng cắp sách đến trường. Tôi muốn nhận em nhỏ về nuôi, nhưng người chị không chịu, cháu nói khổ thì chịu chứ không cho em. Hoàn cảnh này khiến tôi rất xúc động.
Chủ tịch Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh Đỗ Thanh Hùng trao hỗ trợ 20 triệu đồng cho một bệnh nhân người Bình Định mắc bệnh hiểm nghèo.
LUÔN HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG BÌNH ĐỊNH
● Là người rất bận rộn, nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian, tâm huyết đóng góp cho Hội đồng hương Tam Quan, CLB Doanh nhân Bình Định, Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh?
- Được anh chị em đồng hương tín nhiệm giao đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh, tôi nhận và nặng lòng suy nghĩ, trăn trở rất nhiều trong suốt mấy tháng qua. Trước đó, tôi đã đảm nhận Chủ tịch Hội đồng hương Tam Quan, Chủ tịch CLB Doanh nhân Bình Định tại TP Hồ Chí Minh. Hiềm một nỗi, các anh lãnh đạo tỉnh nhà động viên, vì quê hương nên tôi nhận công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Đã nhận trách nhiệm thì mình phải chấp nhận hy sinh, phải gương mẫu trong các hoạt động, việc gì mình cũng phải xung phong đi trước (cả về vật chất lẫn tinh thần) thì mới kêu gọi mọi người ủng hộ theo. Làm công tác xã hội phải làm bằng cái tâm không vụ lợi và làm theo lời dạy của Bác Hồ “Cán bộ đi trước làng nước theo sau” thì mới thật sự thành công.
● Trong vai trò Chủ tịch Hội đồng hương Tam Quan nhiều năm qua, ông đã xây dựng hoạt động Hội như thế nào ?
- Về kinh phí hoạt động Hội có hai nguồn: Thứ nhất là từ việc vận động đóng góp của bà con vào dịp họp mặt mừng xuân hàng năm. Tuy nhiên nguồn này không đủ trang trải nên vận động thêm các thành viên trong Ban chấp hành mỗi người tự nguyện đóng góp để có thêm kinh phí hoạt động. Ngoài ra, nguồn quỹ còn nhận từ các nhà tài trợ khác.
Các hoạt động của Hội rất có ý nghĩa và thiết thực với quê hương. Suốt 26 năm liền, đều duy trì mỗi năm trao tặng 48 suất học bổng cho các em học sinh nghèo, 9 suất “viên phấn vàng” cho các thầy cô giáo dạy giỏi của 3 xã và thị trấn Tam Quan. Đặc biệt, Hội đã 8 năm liền thực hiện vận động, kêu gọi tài trợ, khám, chữa bệnh cho 9.575 lượt bệnh nhân và 3.354 ca phẫu thuật mắt miễn phí cho các xã trong huyện Hoài Nhơn với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng.
● Hiện đảm nhận trọng trách lớn hơn là Chủ tịch Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh, ông đã và sẽ có những định hướng hoạt động gì sắp đến ?
- Chúng tôi đang tập trung kiện toàn lại tổ chức của Hội theo hướng chặt chẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động. Tiếp tục vận động kêu gọi các doanh nhân, DN ủng hộ gây quỹ tương thân tương ái để trợ giúp cho bà con nghèo ở quê bị bệnh hiểm nghèo phải vào TP Hồ Chí Minh để điều trị hoặc bà con ở quê gặp cảnh ngặt nghèo, khốn khó. Về kế hoạch trong thời gian tới, Hội cũng sẽ tiếp tục vận động các nhà hảo tâm để có kinh phí xây các cầu nhỏ cho bà con ở vùng sâu, vùng xa và tiếp tục vận động các bác sĩ về khám và mổ mắt cho bà con nghèo ở quê nhà.
● Xin cảm ơn ông. Chúc ông tiếp tục thành công trong kinh doanh và có thêm nhiều cống hiến cho xã hội.
HOÀI THU