Cựu binh ra Trường Sa
Các CCB Hải quân Bình Định đã có chuyến đi đặc biệt ra thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Chuyến đi đã để lại cho các CCB nhiều cảm xúc khi được đặt chân lên đảo, tận mắt chứng kiến cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu Tổ quốc.
Các CCB Hải quân Bình Định chụp ảnh lưu niệm tại đảo Trường Sa. Ảnh: VĂN MINH
Từ ngày 15.4 đến 25.4.2019, Đoàn công tác số 6 gồm 213 thành viên, trong đó Ban liên lạc CCB Hải quân Bình Định có 15 thành viên, trải qua hành trình 1.200 hải lý, đã đến thăm các đảo: Song Tử Tây - Đá Nam - Đá Thị - Nam Yết - Sinh Tồn Đông - Len Đao - Thuyền Chài A - An Bang - Đá Lát - Trường Sa và Nhà giàn DK1.
***
CCB Đào Chiêu (72 tuổi, ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn), Trưởng Ban liên lạc CCB Hải quân Bình Định, có 34 năm trong quân ngũ thì 27 năm là lính hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, cho biết: “15 thành viên của Ban liên lạc CCB Hải quân Bình Định tuy đều là lính hải quân nhưng chưa có ai làm nhiệm vụ hoặc ra thăm đảo lần nào, vì vậy chuyến đi này thật sự đặc biệt và ý nghĩa. Đây cũng là lần đầu tiên Cục Chính trị Hải quân cho phép đoàn công tác CCB ra thăm đảo. Từ ngày gửi công văn ra Cục Chính trị Hải quân đề nghị được đi thăm, động viên quân, dân trên quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 trong năm 2019, chúng tôi hồi hộp chờ đợi từng ngày. Khi có công văn đồng ý, Ban liên lạc đã lên kế hoạch chuẩn bị chu đáo mọi mặt, nhất là lựa chọn thành viên để ra thăm đảo”.
“Từng là lính hải quân, tham gia làm nhiệm vụ trên tàu đi tuần tra trên biển, ngang qua các đảo ở Trường Sa nhưng tôi chưa một lần được đặt chân lên đảo. Giờ thì tôi đã được toại nguyện”, CCB Đào Chiêu thổ lộ.
Ban liên lạc CCB Hải quân Bình Định tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Thị. Ảnh: VĂN MINH
“Đến với Trường Sa, thăm quân, dân đang ngày đêm bám đảo, chúng tôi đặt chân lên điểm đầu tiên trong chuyến hành trình là đảo Song Tử Tây. Quân dân trên đảo vui mừng chào đón, những cái bắt tay thật chặt, những vòng ôm thắm nghĩa tình, những lời thăm hỏi ân cần, những hoạt động giao lưu ấm áp tình quân dân. Đặc biệt hơn, lần đầu tiên chúng tôi được chào cờ và hát Quốc ca trên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc - quần đảo Trường Sa. Cờ Tổ quốc là hồn thiêng sông núi, có gì tự hào hơn khi nhìn thấy cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trong gió biển, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, CCB Dương Văn Minh (62 tuổi, phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) chia sẻ.
“Đúng vậy, kỷ niệm khó quên, đồng đội đã hỏi tôi rất nhiều về Trường Sa, hệt như tôi từng hỏi những anh em đi trước để thỏa sự tò mò về quần đảo đặc biệt này. Và giờ thì tôi đã có câu trả lời: Trường Sa ẩn chứa nhiều vẻ đẹp, song vẻ đẹp chỉ có thể được cảm nhận đầy đủ, trọn vẹn nhất khi trực tiếp hòa mình trong nó. Đến các đảo, vui nhất là được thấy trẻ con xúng xính sắc phục hải quân, lon ton theo bóng áo dài truyền thống thướt tha của mẹ, hớn hở đi đón đoàn từ đất liền ra thăm đảo. Trong các cháu, có đứa được sinh ra ở đất liền rồi theo cha mẹ ra đảo, có đứa được sinh ra ngay trên đảo”, CCB Hoàng Ngọc Huân (63 tuổi, ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) góp thêm vào câu chuyện.
Theo CCB Đào Chiêu, CCB Hải quân Bình Định đã chọn những đặc sản của quê hương như tranh Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, bánh tráng nước dừa, lá giang khô, ớt xanh... đem ra Trường Sa tặng cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các đảo. Những món quà tuy nhỏ bé nhưng nghĩa tình sâu nặng vì biển đảo. “Với bức tranh Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, chúng tôi mong muốn hình ảnh vị Hoàng đế luôn khích lệ tinh thần rèn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao của cán bộ, chiến sĩ, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân. Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ có tài huấn luyện chiến binh. Đặc biệt, thủy quân Tây Sơn rất tinh nhuệ, thiện chiến, đã từng chiến thắng oanh liệt trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút (năm 1785), phá tan 5 vạn quân Xiêm La”, CCB Đào Chiêu gửi gắm.
“Ngược lại quân, dân trên đảo đã tặng chúng tôi những món quà cũng đầy ý nghĩa như cây bàng vuông, vỏ sò, vỏ ốc, những cành san hô… Kết thúc hành trình trở về đất liền, trong lòng chúng tôi luôn dâng trào cảm xúc khó tả và lại ao ước được thêm một lần ra thăm đảo”, CCB Đặng Hồng Tường (56 tuổi, ở thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh) xúc động nói.
NGUYỄN PHÚC