Những người đi xây bờ cõi
Đã 31 năm trôi qua nhưng kỷ niệm về những ngày tháng đầy gian khổ, hy sinh khi nhận nhiệm vụ ra xây dựng đảo Đá Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) vẫn in đậm trong tâm trí của những người lính năm xưa. Giờ đây họ đang tìm lại, kết nối để chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Các chiến sĩ đang vác vật liệu lên xây dựng đảo Đá Lớn năm 1988. Ảnh tư liệu
RA XÂY ĐẢO SAU SỰ KIỆN NGÀY 14.3.1988
Sau sự kiện Trung Quốc bắn chìm tàu Hải quân 604, sát hại 68 chiến sĩ ở đảo Gạc Ma vào 14.3.1988, trên các đảo, các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa diễn ra một cuộc chiến đấu mới. Cuộc chiến không có tiếng súng nhưng không kém phần cam go, quyết liệt và đầy hiểm nguy để khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Và những người lính tham gia xây đảo ngày ấy được xem như những người đi xây bờ cõi.
CCB Đỗ Trọng Hà (51 tuổi, ở phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) nguyên là chiến sĩ biên phòng, nhập ngũ tháng 2.1987, sau khi hoàn thành huấn luyện chiến sĩ mới đã được điều động về công tác tại Đồn biên phòng 304 (Sa Huỳnh, Quảng Ngãi). “Sau sự kiện ngày 14.3.1988, tháng 5.1988 chúng tôi nhận nhiệm vụ ra khơi, tham gia xây dựng đảo ở quần đảo Trường Sa. Thời điểm đó có 14 chiến sĩ biên phòng, một số chiến sĩ của Tỉnh đội Nghĩa Bình (nay là Bình Định) và một người đang công tác ở ngành xây dựng. Tàu xuất phát tại cảng Quy Nhơn, chạy vào Nha Trang (Khánh Hòa) để lấy thêm quân và vận chuyển vật liệu ra đảo. Sau gần 2 ngày đêm vượt sóng gió, tàu mới cập vào đảo. Lúc đó, chúng tôi mới biết nhiệm vụ là đưa vật liệu từ tàu xuống đảo để xây dựng đảo Đá Lớn”, cựu binh Đỗ Trọng Hà nhớ lại.
CCB Đỗ Trọng Hà mong muốn tìm lại, kết nối với các đồng đội từng đi xây đảo Đá Lớn.
Còn cựu binh Nguyễn Văn Lập (52 tuổi, ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn), nhập ngũ năm 1986 đang công tác ở Đại đội cơ động (BĐBP tỉnh) thì nhận được lệnh ra xây dựng đảo (cùng đợt với CCB Đỗ Trọng Hà), chia sẻ: “Những ngày tháng tham gia xây dựng đảo Đá Lớn thực sự đầy gian khổ, hy sinh. Bởi làm nhiệm vụ giữa biển khơi, luôn đối mặt với nguy hiểm của thời tiết, mỗi tháng hứng chịu 3 - 4 cơn bão; cán bộ, chiến sĩ luôn trong tình trạng thiếu rau xanh, nước ngọt. Ngoài ra, chúng tôi còn bị tàu Trung Quốc có vũ trang thường xuyên uy hiếp. Chúng sử dụng loa phóng thanh để tuyên truyền và ngông cuồng cho rằng những đảo, bãi đá ngầm của quần đảo Trường Sa là thuộc chủ quyền của chúng”.
“Đảo của mình, biển của mình, chủ quyền tổ tiên mình xác lập thì mình phải giữ. Lúc đó, nếu Trung Quốc cho quân đổ bộ lên đảo, chúng tôi dù vũ khí thô sơ cũng quyết sống mái một phen, không để chúng trắng trợn cướp đảo, cướp biển của ta được”, cựu binh Nguyễn Văn Lập khẳng khái.
Đảo Đá Lớn C hôm nay. Ảnh tư liệu
“Cả ngày chúng tôi bốc đá chẻ, sắt thép từ tàu lên đảo nên bong tróc da tay, vác xi-măng bị mồ hôi quyện vào đến nỗi xi-măng vón cục “ăn” vào da người, khi bóc lớp xi-măng chết ấy đi đến độ lột cả da. Vất vả là vậy nhưng ai cũng làm việc rất khẩn trương, bốc hết vật liệu cho tàu tiếp tục vào bờ để chở chuyến khác”, CCB Võ Văn Thành (51 tuổi, ở xã Mỹ Thắng, Phù Mỹ) góp thêm câu chuyện.
MONG NGÀY TRỞ LẠI
Sau thời gian làm nhiệm vụ trên đảo Đá Lớn, tháng 7.1988 những người lính đi xây đảo trở về đất liền. Có người tiếp tục con đường binh nghiệp, có người xuất ngũ về nhà lo cuộc sống mưu sinh. 31 năm sau, họ đang tìm lại, kết nối để chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Người tích cực cho cuộc kết nối này là CCB Đỗ Trọng Hà. “Hiện tôi đã kết nối được hơn 10 cựu binh là lính biên phòng từng tham gia xây dựng đảo Đá Lớn và vẫn tiếp tục công việc này. Hầu hết số anh em mà tôi kết nối được đều có cuộc sống khá ổn định. Chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức một buổi gặp mặt để ôn lại những ngày tháng đáng nhớ khi tham gia xây dựng đảo Đá Lớn”, ông Hà cho biết.
Đảo Đá Lớn A hôm nay. Ảnh tư liệu
Theo CCB Nguyễn Văn Lập, qua báo, đài ông được biết hiện đảo Đá Lớn có 3 điểm chốt giữ (A, B, C) được xây dựng kiên cố, kết nối với nhau bằng đường kè bê tông vững vàng. Đảo có hệ thống cầu tàu để neo đậu tàu thuyền, chân kè vững chãi bám chắc trên nền san hô giữa đại dương. Khu nhà lớn vừa được tôn tạo uy nghi như một lâu đài giữa biển, có đầy đủ hệ thống cột đèn điện cao áp, hệ thống pin năng lượng mặt trời, sân bay dành cho trực thăng... “Đảo Đá Lớn bây giờ là “pháo đài” kiên cố của cán bộ, chiến sĩ hải quân ngày đêm bám trụ giữ vững chủ quyền vùng đất, vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi rất vui mừng và tự hào, vì đã góp một phần nhỏ công sức xây dựng đảo”, ông Lập xúc động nói.
“Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là sau khi kết nối được hết những người lính năm xưa đi xây dựng đảo, sẽ đề xuất các cấp được tham gia đoàn công tác đi thăm lại Trường Sa, trong đó có đảo Đá Lớn”, CCB Đỗ Trọng Hà mong ước.
PHẠM PHƯƠNG