Chị Tuyết “bánh tráng mỏng”
Đến thăm cơ sở sản xuất bánh tráng của gia đình chị Trần Thị Thanh Tuyết, ở thôn Đại Chí, xã Tây An, huyện Tây Sơn, chúng tôi thật sự ấn tượng trước sự bài bản, khoa học của cơ sở sản xuất này.
Trên diện tích khoảng 400 m2, chị Tuyết bố trí thành nhiều khu vực sản xuất theo quy trình từ khâu pha chế bột, tráng bánh, phơi bánh, cắt bánh ra thành phẩm. Bình quân mỗi ngày, cơ sở của chị Tuyết sản xuất được từ 5.000 - 6.000 chiếc bánh tráng mỏng cuốn (loại vuông), cao gấp 3 lần so với khi còn làm thủ công.
Không chỉ tìm thấy lối ra cho mình, cơ sở sản xuất của chị Tuyết còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động ở địa phương.
Chị Tuyết kể: “Trước đây gia đình tôi làm nghề sản xuất đũa tre. Tuy nhiên do việc tiêu thụ khó khăn, không ổn định nên tôi tìm học nghề khác. Sau một thời gian tìm tòi, cân nhắc, tôi chọn học nghề bánh tráng mỏng ở thôn An Thái, xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn. Bánh tráng mỏng là loại sản phẩm mà có thị trường nhu cầu cao, ổn định. Năm 2016, tôi đầu tư mua máy tráng bánh và làm ăn hiệu quả cho tới nay”.
Không chỉ tìm thấy lối ra cho mình, cơ sở sản xuất của chị Tuyết còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động ở địa phương, với mức thu nhập bình quân hơn 4,2 triệu đồng/người/tháng.
Chị Tuyết còn cho biết thêm, để đáp ứng nhu cầu khách hàng tăng cao vào dịp cuối năm, trong khi thời điểm này trời hay có mưa, chị dự định mua thêm lò sấy và máy cắt bánh tráng. “Tôi còn có nhiều ý tưởng về đẩy mạnh phát triển thương hiệu bánh tráng cuốn vì nhu cầu thị trường sẽ còn tăng rất cao. Các nhóm sản phẩm sử dụng bánh tráng cuốn làm nguyên liệu ngày càng phong phú, mình phải tìm cách đầu tư để khi thị trường phát sinh nhu cầu là có thể đáp ứng ngay”, chị Tuyết hồ hởi chia sẻ.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất, chị Trần Thị Thanh Tuyết trở thành tấm gương điển hình trong phong trào “Phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi” ở huyện Tây Sơn và mới đây đã được Chủ tịch UBND huyện khen thưởng.
VĂN PHONG