Ngành du lịch ''bốc hơi'' khoảng 7 tỷ USD do dịch bệnh Covid-19
Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết theo thống kê ngành du lịch mất khoảng 7 tỷ USD vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 (Covid-19) gây ra.
Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng Hai diễn ra chiều tối ngày 3.3, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng ghi nhận sự nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ của cả hệ thống trong công tác phòng, chống dịch. Việt Nam có 16 ca nhiễm dịch Covid-19 nhưng 19 ngày không phát hiện ca nhiễm mới, đây là thành công quan trọng bước đầu nên không được chủ quan lơ là coi nhẹ chỉ đạo.
“Giám sát y tế cách ly tập trung là giải pháp mạnh sau khi việc gần đây dịch đã ảnh hưởng tới nhiều quốc gia ngoài Trung Quốc đại lục, thậm chí, một số quốc gia có số người tử vong cao nên Thủ tướng đã ban hành các Chỉ thị về phòng chống dịch Covid-19. Những ngày qua, tại nhiều nước trên thế giới, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, số người lây nhiễm tăng chóng mặt, có khi ngày hôm sau tăng gấp đôi ngày hôm trước,” người phát ngôn Chính phủ cho hay.
Theo Bộ trưởng, dịch lan ra nhiều nước, trong đó có những nước là thị trường truyền thống, là đối tác quan trọng của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu. Điều này đã ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam từ điện tử, may mặc, giày da, cơ khí và thiếu hụt nguồn lao động; làm gián đoạn chuỗi cung ứng hay vận chuyển hành khách, giáo dục, du lịch…
“Lượng khách của khách sạn giảm 60-70%, khách du lịch giảm 2 con số. Theo thống kê, ngành du lịch nước ta mất khoảng 7 tỷ USD do dịch bệnh”, ông Dũng nói.
Nhìn nhận bối cảnh toàn cầu ảm đảm vì dịch Covid-19 và các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chưa đạt được kết quả như dự kiến, tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ nền kinh tế-xã hội nước ta vẫn có điểm sáng qua các con số về xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ; nhập siêu khoảng 176 triệu USD…
“Đặc biệt, thị trường tiền tệ tín dụng cơ bản ổn định (huy động vốn tăng 14,4%), ngành ngân hàng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạm thời tái cơ cấu hạn trả nợ, chậm trả nợ, khoanh nợ... Các ngành khác đề xuất giãn, hoãn, không xử phạt chậm nộp thuế, phí lệ phí”, ông Dũng cho biết.
Theo (Vietnam+)