Tảo hôn giảm nhưng không được chủ quan
Ông Ðinh Văn Lung - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Phó Ban chỉ đạo cấp tỉnh về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống - cho rằng: Tuy số trường hợp tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh gần đây có chiều hướng giảm, song các hoạt động tuyên truyền, giáo dục vẫn phải được duy trì và tăng cường.
Kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2015 - 2020 cho thấy, tình trạng tảo hôn trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giảm dần theo từng năm. Cụ thể, từ năm 2016 đến 2019 có 253 trường hợp tảo hôn; năm 2016 có 78 cặp, đến năm 2019 còn 36 cặp, giảm 46,2%. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống.
● Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh?
- Có thể thấy, việc quản lý, giáo dục con em trong gia đình chưa chặt chẽ. Quan điểm về đời sống trong thời buổi hiện nay cởi mở, đơn giản hơn, không bị gò bó bởi thành kiến đạo đức ngày xưa. Các hình phạt của “lệ làng” theo phong tục khi quan hệ tình dục trước hôn nhân ở một số nơi đã bị hạn chế hoặc mất tác dụng. Tình trạng quan hệ tình dục không lành mạnh và không an toàn trước hôn nhân dẫn đến có thai ngoài ý muốn buộc hai bên gia đình phải tổ chức đám cưới.
Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đinh Văn Lung (ngoài cùng bên trái) vận động người dân tích cực tham gia ngăn ngừa, xóa bỏ tảo hôn tại xã Canh Liên, huyện Vân Canh năm 2019.
Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của internet và điện thoại thông minh, giới trẻ dễ dàng tiếp cận với phim ảnh đồi trụy, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến quan hệ tình dục trong độ tuổi vị thành niên.
Bên cạnh đó, tình trạng thực thi pháp luật còn lơi lỏng, chưa kiên quyết trong quản lý đăng ký kết hôn ở một số xã, các chế tài xử phạt hành vi vi phạm trong hôn nhân chưa được thực hiện nghiêm túc để ngăn ngừa, răn đe tình trạng tảo hôn. Nhiều trường hợp nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn nhưng lại được cộng đồng dân cư nơi họ cư trú công nhận, bảo vệ.
● Trước thực tế đó, việc triển khai Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong DTTS đã phát huy tác dụng như thế nào, thưa ông?
- Triển khai Đề án, Ban Chỉ đạo giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tỉnh đã ban hành kế hoạch hằng năm và tổ chức thực hiện hiệu quả. Cụ thể, đã tổ chức Hội thảo khoa học về “Thực trạng và giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS trên địa bàn xã Vĩnh Sơn” tại huyện Vĩnh Thạnh; tổ chức Ngày hội Văn hóa thanh niên DTTS; in, cấp tờ gấp, xây dựng các pa nô, tổ chức tuyên truyền trực tiếp về các quy định của pháp luật liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Đáng chú ý, đã tổ chức thực hiện mô hình điểm tại xã Vĩnh Sơn và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Vĩnh Thạnh. Trên cơ sở kết quả thực hiện mô hình điểm, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì, phối hợp triển khai nhân rộng mô hình tại 15 xã có đông đồng bào DTTS sinh sống. Cụ thể, huyện Vân Canh có các xã: Canh Liên, Canh Hòa, Canh Hiệp, Canh Thuận; huyện An Lão có các xã: An Toàn, An Nghĩa, An Quang, An Vinh; huyện Vĩnh Thạnh có xã: Vĩnh Kim, Vĩnh Thuận, Vĩnh Hiệp; huyện Hoài Ân có xã Ân Sơn, Đắk Mang, Bók Tới; huyện Tây Sơn có xã Vĩnh An.
Việc triển khai thực hiện đề án nói chung, mô hình điểm nói riêng đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, Mặt trận và người dân vùng DTTS trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh. Trong đó, hoạt động của các điểm truyền thông, tổ tư vấn, CLB, các nhóm nòng cốt đã phát huy hiệu quả ở từng thôn, làng.
●Trên cơ sở kết quả của giai đoạn 2015 - 2020, tới đây, quá trình thực hiện Đề án sẽ chú trọng những giải pháp chủ yếu nào, thưa ông?
- Quan trọng nhất là tiếp tục khảo sát, đánh giá nhận thức, hiểu biết của đồng bào DTTS đối với các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, qua đó xác định các nội dung cần chú trọng để công tác tuyên truyền được sâu sát, hiệu quả hơn.
Đồng thời, hướng dẫn, triển khai các hoạt động phù hợp với các yếu tố về văn hóa, giới, lứa tuổi và dân tộc để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và ngăn ngừa, hạn chế tảo hôn.
Tiếp tục nghiên cứu, triển khai các hoạt động truyền thông, vận động, tư vấn, can thiệp nhằm thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng để thực hiện ngăn ngừa hiệu quả, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS.
Quá trình triển khai, cần đề cao và phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội LHPN, các tổ chức chính trị - xã hội, già làng, trưởng thôn, trưởng tộc họ, người có uy tín trong đồng bào DTTS tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào, các đối tượng vị thành niên, thanh niên DTTS xóa bỏ hủ tục, thực hiện phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
● Xin cảm ơn ông!
SAO LY (Thực hiện)