Chủ động để giúp học sinh tự tin hơn
Dù không có các dự án hỗ trợ như nhiều trường khác, nhưng Trường Tiểu học số 1 Cát Hanh, huyện Phù Cát vẫn chủ động tiếp cận những phương pháp dạy học mới để giúp học sinh có môi trường học tập tốt hơn.
Thư viện Room to Read
Không được dự án Room to Read tài trợ nhưng dựa theo mô hình này và cộng thêm những sáng tạo để phù hợp với thực tế nhà trường, tháng 3.2019, thư viện Trường Tiểu học số 1 Cát Hanh đã được Sở GD&ĐT công nhận là thư viện tiên tiến. Theo đó, ngoài việc tìm hiểu thư viện ở những trường được Room to Read tài trợ, nhân viên thư viện của nhà trường còn chủ động liên hệ với dự án để xin danh mục sách. Sau đó thủ thư chọn những sách mới, những sách trường chưa có để bổ sung.
Các em học sinh lớp 3A1 Trường Tiểu học số 1 Cát Hanh trong giờ Toán.
Chị Nguyễn Thị Kiều Liên, nhân viên thư viện, chia sẻ: Sau nhiều lần tham quan, tôi thấy thư viện phải thật hấp dẫn mới thu hút được học sinh. Nghĩ vậy tôi đề xuất ban giám hiệu cho xây dựng những góc trưng bày để các em dễ chọn sách. Tôi trưng bày ngay ngoài sảnh, học sinh thích đọc ở đâu đều được. Cùng với đó, các hoạt động thư viện cũng phong phú hơn. Chúng tôi tổ chức nhiều cuộc thi hơn, điển hình là: Thi kể chuyện về Bác Hồ, Rung chuông vàng… các em hào hứng lắm. Tôi nhờ các thầy thể dục dạy các em chơi cờ, kết quả có một số em rất ham thích.
Em Nguyễn Khánh Ngọc, học sinh 4A2, khoe: “Ban đầu em đến để đọc sách, rồi tham dự các cuộc thi có sử dụng kiến thức từ các quyển sách ở thư viện trường. Sau đó tụi em được chơi cờ vua. Bây giờ em thích chơi cờ vua ở thư viện nhất. Từ ngày siêng đến thư viện em thấy học môn nào cũng nhanh thuộc”.
Chị Nguyễn Thị Kiều Liên cho biết thêm: Vào giờ ra chơi, những học sinh cộng tác viên của thư viện mang những giỏ sách lưu động đặt ở xích đu dưới gốc cây cho các bạn vừa chơi vừa đọc. Ở những điểm trường, tôi cũng làm những giỏ sách lưu động như thế để đảm bảo học sinh nào cũng được đọc sách.
“Phải yêu thương học sinh của mình nhiều hơn”
Bà Đỗ Thị Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Cát Hanh, chia sẻ: Tôi muốn các em chủ động tiếp cận kiến thức, tìm thấy trong việc học nhiều niềm vui, từ đó giúp các em chủ động, tự tin. Ý tưởng của tôi được ban giám hiệu chia sẻ, được giáo viên ủng hộ nên từ năm học 2014 - 2015 nhà trường đã triển khai phương pháp “bàn tay nặn bột”, học hỏi các trường khác để tổ chức giảng dạy theo mô hình VNEN. Cái khó của chúng tôi là trường không thuộc dự án nào, nên mình phải chọn những điểm thật phù hợp với điều kiện của trường. Và xin nói thật là giáo viên phải yêu thương học sinh của mình nhiều hơn bình thường thì mới có thể đầu tư đủ trí tuệ, công sức theo đuổi cái mới.
Phương pháp “bàn tay nặn bột” chỉ phù hợp ở những môn tự nhiên và ban đầu trường chỉ triển khai ở một vài lớp. Sau đó thấy hiệu quả tích cực, phương pháp này được triển khai ở mọi lớp, tất cả các tiết có trong chương trình. Đồng thời trường còn chọn lọc những điểm hay, phù hợp của mô hình VNEN để áp dụng. Theo đó, học sinh sẽ chuẩn bị bài ở nhà, đến lớp các em học theo nhóm; chủ động thảo luận, nêu ý kiến. Mỗi giờ học, các em được bày tỏ quan điểm, nhận xét bạn và bản thân mình.
“Trường Tiểu học số 1 Cát Hanh, huyện Phù Cát là đơn vị chịu khó tiếp cận những phương pháp dạy học mới và triển khai một cách sáng tạo. Tôi đánh giá rất cao cách trường tổ chức thư viện và động viên học sinh đọc sách. Không chỉ trình bày bắt mắt, các cô còn chịu khó luân chuyển sách, phục vụ cho cả học sinh ở những điểm trường lẻ rất chu đáo”.
Ông MAN ÐĂNG MỸ, Phó trưởng Phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học (Sở GD&ÐT)
“Để tiếp cận những phương pháp mới, giáo viên phải học rất nhiều. Không chỉ qua những buổi tập huấn mà phải tham khảo nhiều tài liệu khác nữa. Ban đầu thì khó nhưng cứ làm dần, học sinh bây giờ tự tin hơn, tự quản được lớp, hướng dẫn các bạn ôn tập kể cả khi không có giáo viên. Các em nâng cao ý thức tự giác, chủ động trong học tập là điều khiến chúng tôi vui nhất. Sắp tới khi dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi rất hào hứng”, bà Đỗ Thị Tuyết Nhung nói thêm.
Ngoài bài học trên lớp, Trường Tiểu học số 1 Cát Hanh cũng sớm thực hiện những tiết học giáo dục địa phương với mục đích giúp học sinh hiểu về lịch sử, văn hóa truyền thống quê nhà nhiều hơn. “Ở những tiết kể chuyện âm nhạc hay tiết nghe nhạc, tôi giới thiệu cho các em về các loại hình văn hóa truyền thống ở Bình Định mình như bài chòi, tuồng và cả các nhạc cụ dân tộc. Bên cạnh việc làm mẫu cho các em, tôi cho các em xem video để hiểu hơn”, thầy Đoàn Ngọc Hải, giáo viên dạy nhạc, chia sẻ.
THẢO KHUY