Gia đình văn hóa & làng nghề truyền thống
Theo thời gian, vì nhiều lý do, một số làng nghề có hàng trăm năm tuổi dần mai một. Dù vậy, vẫn có những gia đình nỗ lực giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống mà các thế hệ đi trước dày công gầy dựng. Có một điểm khá đặc biệt, phần đông trong số họ đều là những gia đình văn hóa tiêu biểu.
Toàn tỉnh hiện có 69 làng nghề, với 8.685 hộ tham gia sản xuất, trong đó có 46 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận. Trong số các làng nghề được công nhận, có 15 làng nghề đã có sản phẩm đăng ký thương hiệu và 13 làng nghề có sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP lần thứ I năm 2019.
Trải qua nhiều thăng trầm, làng nghề nấu rượu Bàu Đá ở thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn còn 33 hộ theo nghề nấu rượu truyền thống. Trong môi trường làng nghề, giá trị truyền thống gia đình, tình làng nghĩa xóm và tính cộng đồng vẫn được gìn giữ, phát huy. Ở đây, các gia đình làm nghề nấu rượu theo kỹ thuật gia truyền, vì thế sự gắn kết sinh hoạt, lao động sản xuất trong gia đình thể hiện rất rõ.
Nhiều năm qua vợ chồng ông Lê Văn Thưởng đã nỗ lực giữ gìn nghề nấu rượu Bàu Đá.
Đến nay, gia đình ông Lê Văn Thưởng, ở thôn Cù Lâm đã có 3 thế hệ “sống khỏe” với nghề nấu rượu Bàu Đá. Dù 3 người con trai của vợ chồng ông Thưởng nay đã trưởng thành, làm ăn thành đạt nhưng vợ chồng ông vẫn giữ nguyên nhiệt huyết với nghề thủ công truyền thống của gia đình. Mỗi ngày, gia đình ông sản xuất được 15 lít rượu Bàu Đá từ 3 loại nguyên liệu chính là gạo, nếp và đậu xanh. Ngôi nhà của ông Thưởng cũng là điểm đến tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất và phát triển nhãn hiệu rượu Bàu Đá quen thuộc của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Với uy tín “nước mắm Đề Gi”, mặt hàng này ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát được nhiều người tin dùng từ lâu đời. Đến nay, ở xã có gần 300 hộ làm nghề sản xuất nước mắm, tập trung chủ yếu ở hai thôn An Quang Đông và An Quang Tây. Trong đó có nhiều gia đình duy trì nghề sản xuất nước mắm qua nhiều thế hệ, tiêu biểu như gia đình bà Lê Mai Diệu Thủy và ông Huỳnh Bảo Long, ở thôn An Quang Đông. So với nhiều gia đình khác, vợ chồng ông Long có niềm vui rất lớn là cả hai con trai nối nghiệp, cùng cha mẹ xây dựng, mở rộng quy mô cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống của gia đình.
Gia đình bà Lê Mai Diệu Thủy có niềm vui rất lớn là cả hai con trai nối nghiệp sản xuất nước mắm.
Bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VH&TT, nhận xét: Gia đình ông Lê Văn Thưởng và ông Huỳnh Bảo Long là hai trong những gia đình văn hóa tiêu biểu của tỉnh. Các gia đình đều sống rất gương mẫu, yêu thương con cháu. Với làng xóm, họ hòa đồng, nghĩa tình, được mọi người yêu thương và kính trọng. Con cái của họ đều ăn học đến nơi đến chốn, thành đạt. Hơn thế nữa, các gia đình này đã gìn giữ, phát huy có hiệu quả những nghề truyền thống mà ông cha để lại.
Đặc biệt, bảo tồn và phát triển làng nghề trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tập quán của từng địa phương cùng với sự tham gia của cộng đồng gắn với quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, đang là xu hướng mới, kết hợp được nhiều nguồn lực và có thể cùng một lúc đạt được nhiều mục tiêu. Vì lẽ đó, nhân kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam (28.6) năm nay, Sở VH&TT sẽ tổ chức gặp mặt, giao lưu với chủ đề “Vai trò của gia đình trong giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống”. Hy vọng hoạt động này sẽ góp phần giải đáp được nhiều câu hỏi quanh vấn đề: Làm gì để phát huy vai trò của gia đình trong giữ gìn, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống. Qua đó, kịp thời định hướng phát triển du lịch cộng đồng tại các làng nghề truyền thống và đưa ra các giải pháp căn cơ để không ngừng khôi phục, bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống ở từng miền quê trên địa bàn tỉnh.
AN NHIÊN